Nhà lập pháp Hồng Kông Trường Mao bị cảnh sát lôi kéo khi phản đối đại diện của |
Ngày 1/9, nhiều nhà hoạt động dân chủ và nghị viên Hồng Kông đã la ó phản đối khi Phó tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Lý Phi phát biểu về quyết định liên quan tới bầu cử lãnh đạo đặc khu hành chính này, theo AFP.
Quyết định được Quốc hội Trung Quốc thông qua ngày 31/8, cho phép người dân trực tiếp bầu lãnh đạo đặc khu từ năm 2017 nhưng các ứng viên sẽ do một ủy ban đề cử sàng lọc trước và giới hạn trong số 2 đến 3 người. Trong bài phát biểu tại Trung tâm hội nghị triển lãm thế giới châu Á ở Hồng Kông, ông Lý nói rằng những người “không yêu nước, không yêu Hồng Kông và có tư tưởng chống lại chính quyền trung ương” sẽ không được làm trưởng đặc khu.
Dự kiến kế hoạch bầu cử mới sẽ được trình lên Hội đồng lập pháp Hồng Kông để bỏ phiếu thông qua vào năm tới, nhưng đã có ít nhất 25 nghị viên tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống, theo AFP. Vì thế, ông Lý cảnh báo trong trường hợp kế hoạch không được 2/3 trong số 70 nghị viên Hồng Kông ủng hộ thì trưởng đặc khu vẫn sẽ được bầu như hiện nay, tức do một ủy ban gồm 1.200 thành viên bị chỉ trích là thân Bắc Kinh chọn ra.
“Thất hứa, không biết xấu hổ”
Trong lúc quan chức Lý phát biểu, một đám đông hô to trước mặt ông: “Chính quyền trung ương thất hứa, không biết xấu hổ”, theo AFP. Trước tình hình trên, ông Lý phải tạm ngưng phát biểu để lực lượng an ninh đuổi những người nói trên ra khỏi phòng. Chưa hết, bên ngoài sảnh của trung tâm hội nghị còn xảy ra ẩu đả giữa cảnh sát và nhiều người muốn xông vào. Cuối cùng, các nhân viên công lực đã xịt hơi cay để giải tán đám đông.
Cũng trong ngày 1/9, Tổ chức Occupy Central (OC) tuyên bố bắt đầu chiến dịch “bất tuân phục dân sự” với đỉnh điểm sẽ là kế hoạch phong tỏa trung tâm hành chính - tài chính Trung Hoàn. Hôm qua đã có nhiều người tham gia hành động lái xe chậm để phản đối quyết định của Bắc Kinh và sắp tới có thể sẽ xảy ra biểu tình ngồi trên các con đường lớn. Ngoài ra, nhiều tổ chức sinh viên cũng tuyên bố sẽ bãi khóa vào giữa tháng 9.
Tạp chí Forbes dẫn lời giáo sư khoa học chính trị Joseph Cheng tại Đại học Thành thị Hồng Kông, khẳng định: “Sẽ không có bầu cử thật sự. Chúng tôi không thể chấp nhận hệ thống này” và cho rằng nếu không gì thay đổi, sự độc lập tương đối của Hồng Kông sẽ ngày càng bị xói mòn.
Đài Loan lo ngại
Ngay sau khi Trung Quốc thông báo quyết định gây tranh cãi nói trên, Văn phòng Sự vụ đại lục (MAC) của Đài Loan cũng đã bày tỏ “lấy làm tiếc”. “Dân chủ và bỏ phiếu phổ thông là những giá trị phổ quát. Chúng tôi hiểu được kỳ vọng của người dân Hồng Kông về việc thực hiện bỏ phiếu phổ thông thật sự”, Đài CNA dẫn thông cáo từ MAC nhấn mạnh.
Theo truyền thông Đài Loan, đại lục dự kiến sẽ áp dụng mô hình “một nhà nước hai chế độ” tương tự Hồng Kông đối với vùng lãnh thổ này trong trường hợp thống nhất. Vì thế mà ông Benny Tai, một trong những nhà sáng lập OC, kêu gọi Đài Loan cảnh giác trong bối cảnh quan hệ hai bên bờ eo biển Đài Loan đang ấm lên. Hồi tháng 7, nhiều sinh viên Đài Loan đã biểu tình hô to khẩu hiệu: “Hồng Kông hôm nay, Đài Loan ngày mai” nhằm cảnh báo ảnh hưởng ngày càng lớn của đại lục, theo tờ South China Morning Post.
Những diễn biến ở Hồng Kông cũng đang khiến các nhóm kêu gọi cải cách ở Macau lo ngại khi đặc khu này có mô hình chính quyền tương tự. Theo AFP, một cuộc trưng cầu không chính thức về việc cải cách bầu cử lãnh đạo Macau từ năm 2019 đã thu hút 8.500 người tham gia.
Lo ngại đổ máu Giới quan sát lo ngại sắp tới sẽ nổ ra bất ổn lớn khi có tin hàng ngàn cảnh sát đã được điều động để chuẩn bị đối phó các hành động của OC. Đài RTHK dẫn lời cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng phụ trách Hồng Kông và Macau thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc Trần Tá Nhị cảnh báo rằng “kế hoạch bất hợp pháp của OC sẽ kết thúc bằng đổ máu”. Hồi giữa tuần trước, nhiều nghị viên Hồng Kông cũng chỉ trích quân đội Trung Quốc có hành động “đe dọa, thị uy” khi có 4 xe bọc thép xuất hiện trên một số con đường ở Hồng Kông, theo AFP. |
Vị thế Trung Hoàn Trung Hoàn nằm trên bờ biển phía Bắc Hồng Kông là khu trung tâm thương mại từ những ngày đầu của thời kỳ bị Anh chiếm làm thuộc địa vào năm 1841. Sau khi Hồng Kông được trao trả năm 1997, Trung Hoàn trở thành trung tâm hành chính - tài chính với nhiều văn phòng của chính quyền đặc khu, tòa nhà Hội đồng lập pháp, tòa nhà đại diện của quân đội Trung Quốc và tổng lãnh sự quán, lãnh sự quán nhiều nước.
Một góc khu Trung Hoàn - Ảnh: Shutterstock Bên cạnh đó, Trung Hoàn còn là nơi tọa lạc Trung tâm thương mại Hồng Kông, Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông và trụ sở của nhiều ngân hàng quốc tế lớn. Vì vậy, việc phong tỏa khu vực này có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thường nhật của đặc khu lẫn thị trường tài chính - chứng khoán khu vực và quốc tế. |
Theo Thanh Niên