Sính sư tử, tỳ hưu: Đã ít học lại muốn làm sang!

Thứ hai, 01/09/2014, 08:10
"Sư tử, tỳ hưu, chỉ xuất hiện thời gian gần đây, do một số nhân vật cung tiến cho các di tích văn hóa, do không am hiểu, nên mới sử dụng".

PGS.TS Bùi Quang Thanh, Trưởng Ban nghiên cứu Văn hóa - Nghệ thuật nước ngoài - Viện Văn hóa nghệ thuật VN đã có những chia sẻ trước việc sử dụng linh vật, biểu tượng theo mẫu của Trung Quốc, châu Âu thời gian qua.

Cần có quyết sách mang tính tổng thể

Vừa qua, trước thực trạng cổng chùa, di tích, công sở, doanh nghiệp bày sư tử đá, tỳ hưu có hình dáng chủ yếu theo mẫu Trung Quốc; Bộ VHTT&DL đã có công văn chỉ đạo các Ban, Ngành, Sở VHTT&DL, các cơ quan đơn vị về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Quan điểm của ông ra sao trước sự vào cuộc này của Bộ?

PGS.TS Bùi Quang Thanh: Tôi rất ủng hộ sự vào cuộc lần này của Bộ văn hóa, việc thắt chặt quản lý đồ thờ, biểu tượng, linh vật trong khu di tích là hoàn toàn đúng.

Đáng lẽ chuyện này đã phải được quan tâm sớm hơn, đáng lẽ nó phải mang tính văn hóa bản địa từ lâu, thế nhưng, hiện nay nó lại đang bị du nhập văn hóa ngoại lai vào, dẫn đến sự không phù hợp.

Tính bản địa truyền thống ở các di tích, làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, được biểu hiện rất rõ qua các con vật như con nghê, con chó chứ không phải con sư tử hay tỳ hưu.

Mặc dù, con chó được đặt ở đâu thì tùy tập quán từng nơi, có nơi chó chỉ đặt ở cửa, ở cổng, nhưng một số đền ở Hà Tây họ thờ chó đặt trên ban thờ, như tôi đã nói là nó tùy vào phong tục tập quán tín ngưỡng từng địa phương.

Sư tử, tỳ hưu, chỉ xuất hiện thời gian gần đây, do một số nhân vật cung tiến cho các di tích văn hóa, cũng do không am hiểu, nên mới sử dụng linh vật TQ đưa vào, dẫn đến việc hoàn toàn không phù hợp với tín ngưỡng của VN.

Theo tôi khi đã triển khai, bên cạnh việc thông báo, quyết định loại bỏ thì Bộ văn hóa cần phải có hướng dẫn chi tiết thì người dân mới hiểu được, muốn như vậy Cục di sản phải có biểu trưng về di tích.

Bên cạnh đó, là câu chuyện bây giờ cấm sử dụng sư tử, tỳ hưu TQ nhưng vấn đề là cấm cái này thì trưng cái nào ra? Cục di sản với Cục mỹ thuật cần đưa ra các khuôn mẫu áp dụng cho thực tế. Cái này phụ thuộc tính năng động của đội ngũ các nhà quản lý văn hóa các cấp, họ cũng cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình thì mới hiểu văn hóa, áp dụng thực tiễn.

Sư tử được đặt thờ ở ban Lầu Mẫu Bán Thiên của chùa Mộ Lao, Hà Đông.

Sư tử được đặt thờ ở ban Lầu Mẫu Bán Thiên của chùa Mộ Lao, Hà Đông.

Chính vì vậy, song song với các văn bản mang tính đề nghị thay đổi cái không phù hợp, Cục di sản cần ban hành các văn bản chi tiết không chỉ bằng lời mà bằng cả hình ảnh để người dân áp dụng. Đi theo các hình ảnh phải giới thiệu ý nghĩa các biểu tượng này ra sao, khi đó mới tạo nên sự đồng thuận trong cộng đồng được.

Nghiêm cấm sử dụng sư tử của Trung Quốc, nhưng có nhiều người thắc mắc rốt cục sư tử của Việt Nam hình thù trông như thế nào, ông có thể nói rõ hơn?

Đúng vậy, việc phân biệt là cả một sự khó khăn! Bây giờ tôi nói ngay tại trung tâm HN đừng nói vùng xa xôi, hẻo lánh. Ví dụ như cổng chùa Một Cột cũng bê một con sư tử đá đặt ngay giữa cổng, đó còn là trung tâm của kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội mà còn chưa giải quyết được, thì nói gì đến các làng quê, nên việc họ ít hiểu biết là chuyện đương nhiên!

Vì thế, mà cần ra các quyết sách phải xuyên suốt mang tính tổng thể, mối quan hệ gắn kết, từ làng xóm, đến tinh thần dân tộc, thì khi đó mới phân biệt được.

Theo ông, vấn nạn sư tử đá ngoại lai tràn vào không gian tâm linh cổ truyền của người Việt có căn nguyên xuất phát từ đâu?

Tôi cho là nó phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố kinh tế.

Giả dụ, như đối với làng quê, nếu con cháu làm ăn phát đạt lên, họ có khả năng mua đồ để cung tiến, với suy nghĩ thiển cận, khi mua sắm nhiều đồ càng to, càng đẹp thì sẽ được phù hộ độ trì nhiều hơn.

Hiện nay, hầu như là các nhà doanh nghiệp họ nhận thức đơn thuần chỉ cần hình thức chứ không hiểu ý nghĩa văn hóa của hiện vật. Họ cứ đưa vào để làm sao cho các con sư tử án ngữ không gian thể hiện sự oai vệ của doanh nghiệp, tạo sự chú ý, chứ không hiểu hết được ý nghĩa của linh vật.

Không quyết liệt sẽ không đến đầu đến đũa!

Như vậy, có thể thấy người dân có nhu cầu cung tiến nhiều, nhưng họ lại không có đủ nhận thức, không được tuyên truyền đủ để hiểu hết về đúng những hiện vật, lễ vật thuần Việt. Mặt khác, có khi chính các nhà tâm linh, phong thủy cũng là người khuyên họ nên đặt mua những hiện vật như thế. Ông có ý kiến thế nào về những trường hợp này?

Đúng là hiện nay, không phải người dân nào cũng hiểu về đồ thờ trong không gian thiêng. Cũng có thể có trường hợp, do một làng thôn xóm, họ không thể chi phí một khoản tiền lớn để sáng tạo, để mua, có người đến cung tiến thì tiếp nhận ngay và sử dụng.

Nguyên do chính là vì người dân không hiểu được hết được tầm quan trọng của văn hóa bản địa, chỉ thấy đặt trong không gian các di tích là cũng chấp nhận được. Bởi vì khi tiếp cận nhà DN không chỉ cúng tiến sư tử đá, mà còn cung tiến nhiều cái khác nữa, nên nhiều khi không thể từ chối được.

Thậm chí, hiện nay có DN đầu tư cho cả di tích, vì thế nên việc đặt các vật thờ, con sư tử là quyền của DN vì họ đầu tư ra. Chính vì vậy, nó đòi hỏi vai trò mang tính gấp rút của các nhà quản lý văn hóa.

Còn hiện nay, có rất nhiều, nhà tâm linh, ngoại cảm rất hay nạp danh để trục lợi. Cho nên cái này nó đòi hỏi nhận thức của con người phải mang tính khoa học, kèm theo nhận thức ứng dụng của các nhà quản lý văn hóa.

Ngay cả việc sử dụng các linh vật làm đồ trang sức, cúng tế như tỳ hưu, sư tử đá, theo ông, mục đích ý nghĩa của linh vật này là gì? Có phải cái suy nghĩ hám tiền của người Việt đang ngày càng thể hiện rõ rệt?

Thực ra câu chuyện giữ của, đem lại tài lộc, gắn liền với truyền thuyết của con tỳ hưu khi còn ở bên TQ. Các nhà DN nghĩ nếu sử dụng con vật này thì mình thu vào là chính, chi ra thì ít.

Đó là một cách hiểu biết tâm linh hóa, cho nên phải cẩn trọng, nhận thức làm sao để khi tung tin ra là có lợi cho họ.

Cho nên, mỗi người phải tiếp cận vấn đề một cách tồng thể, tức là không thể chỉ có một hiện tượng, nó nằm trong một tổng nhìn. Nói chung văn hóa Việt đang bị tác động một cách ghê gớm, kể cả nội tại và hội nhập. Hội nhập nó làm cho giới trẻ nhận thức được cái mới, nhưng không hiểu được truyền thống.

Vì thế, nó đòi hỏi các cấp phải qua các phương tiện truyền thông đại chúng giúp các em nhận thức được bản chất của văn hóa Việt. Hiện nay, giới trẻ đang có nguy cơ hướng ngoại, tiếp nhận cái mới, cái lạ, mà lại không được sàng lọc qua quá trình nhận thức, cho nên sai sót đó là đương nhiên.

Cái đó là tổng thể chứ không phải chỉ trong phạm vi gia đình, dòng họ, xóm làng mà mở rộng trong nhà trường, xã hội. Chúng ta cũng chưa có biện pháp mang tính tổng thể, từ đó có những giải pháp mang tính ứng dụng, nhiều khi chỉ nói chung chung, không quyết liệt nên không đến đầu đến đũa.

Để giải quyết triệt để vấn nạn này, theo ông việc cần hiện nay mà chúng ta phải làm là gì?

Theo tôi có mấy nhóm giải pháp:  Thứ nhất, trên các phương tiện truyền thông cần có bài viết mang tính khoa học, giải thích ý nghĩa của các biểu tượng trong các thời điểm nói riêng, truyền thống tâm linh các dân tộc khác tại VN. Phải có văn bản mang tính khoa học giải thích như thế thì bạn đọc, người nghe đài, xem truyền hình mới nhận biết được cái đúng, cái sai.

Thứ hai, nâng cao ý thức người dân, ý thức, nhận thức trình độ của các nhà quản lý các cấp.

Thứ ba, các văn bản chính sách, các cơ chế văn hóa cần song hành để thể hiện sự cương quyết chứ không phải là ra quyết định rồi không theo dõi, quản lý chặt chẽ thì sẽ không đem lại hiệu quả.

Thứ tư, nên có sự kết hợp chặt chẽ trong phạm vi gia đình - dòng họ - nhà trường một cách đồng bộ. Nếu làm được tôi tin chắc sẽ thành công và đi đến kết quả cụ thể.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn