Chỉ riêng số nhà khoa học theo ngành y khoa, làng này đã có 11 Giáo sư và 9 Phó giáo sư. Có điều rất thú vị là ở ngay chính ngôi làng này, có khá nhiều gia đình tiếp nối truyền thống cao quý: con nối chí cha, đều trở thành Giáo sư, Phó giáo sư, thậm chí kế tục cha mình trong một ngành chuyên môn. Đó là những lớp cha, con đi theo cách mạng và trưởng thành trong sự tôi luyện của chế độ mới.
Từ bỏ giàu sang theo kháng chiến
Đầu tiên có lẽ phải kể tới "cặp" ba cha con ở Hành Thiện là cha con cố Giáo sư, Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ. Ông sinh ra trong một gia đình điền chủ giàu có. Ông nội ông là một quan Tri phủ nổi tiếng về sống thanh liêm và tính thương người, cụ cử Đặng Vũ Trợ, Tri phủ Nho Quan, Ninh Bình.
Năm 1937, ông Đặng Vũ Hỷ tốt nghiệp bác sĩ y khoa ở Pháp và trở về nước. Là con rể của quan Thượng thư Phạm Quỳnh, lại với tấm bằng bác sĩ nội trú của bệnh viện Saint Lazare nổi tiếng châu Âu ở Thủ đô Paris, một cuộc sống phong lưu với biết bao cơ hội tốt đẹp đang mở ra trước mắt ông.
Thế nhưng, ngay sau Cách mạng tháng Tám, với tấm lòng của một trí thức yêu nước, ông đã cương quyết từ bỏ tất cả để đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lên đường kháng chiến. Năm 1955, sau khi hòa bình lập lại, ông là một trong số rất ít những thầy thuốc đầu tiên được Nhà nước phong hàm Giáo sư.
Trong suốt đời mình, ông đã có những cống hiến rất lớn trong việc phòng chống và chữa bệnh phong, một trong những bệnh trước đây được coi là “tứ chứng nan y”. Sau khi ông qua đời, để ghi nhớ công lao của ông, các học trò cũ đã dựng tượng ông ở Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương (Quy Hòa, Bình Định). Gần một phần tư thế kỷ sau khi qua đời, năm 1996 ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và kỹ thuật đợt I.
Giáo sư Đặng Vũ Hỷ và con trai Đặng Vũ Minh, con gái Đặng Kim Chi sau Hoà bình 1954 - Ảnh: Gia đình cung cấp |
Con trai ông là Giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 8, 9, 10, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Ủy viên thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khoá 12. Ông cũng đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ và được bầu là Viện sĩ nước ngoài Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga.
Con gái Giáo sư Hỷ là Giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Đặng Kim Chi, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Bà cũng đã được Giải thưởng Kô-va-lep-skai-a. Các con ông đã tiếp nối truyền thống của cha, nhiều người làm bác sĩ. Ba cha con Giáo sư Hỷ đã liên tục đóng góp cho nền khoa học nước nhà trên các lĩnh vực khoa học khác nhau.
Cố Giáo sư, tiến sĩ, thiếu tướng Phạm Gia Triệu, Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Giải thưởng Nhà nước năm 2000. Vốn là một sinh viên nghèo vượt khó và trưởng thành trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Năm 1938, chàng thanh niên Phạm Gia Triệu vào học trường ĐH Y Hà Nội, để rồi đúng tháng 9/1945 khi Cách mạng thành công, tốt nghiệp bác sĩ, vào Quân y với chuyên ngành ngoại khoa. Khi ông phụ trách một Trạm Quân y ở Đệ tứ Chiến khu (Đông Triều) thì bị giặc Pháp vây ráp và vận động ông chiêu hồi, hứa sẽ cho sang Pháp làm tiếp thạc sĩ y khoa, hưởng cuộc sống giàu sang. Vậy mà ông vẫn khước từ và kiên cường chiến đấu, phụng sự Tổ quốc.
Thiếu tướng Giáo sư, tiến sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Gia Triệu - Ảnh: Gia đình cung cấp |
Ông đã có mặt ở nhiều nơi vào những thời điểm quyết định: Chiến dịch Biên Giới, Điện Biên Phủ, Mậu Thân 1968, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông đã từng bảo vệ luận văn Tiến sĩ Y khoa tại Liên Xô cũ năm 1961. Năm 1963 ông viết cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam về phẫu thuật thần kinh - cuốn "Chấn thương thần kinh".
Sau này, ông tiếp tục có hàng loạt công trình khoa học về u não, về bệnh lý mạch máu não và vết thương sọ não - cột sống. Năm 1980, ông được phong hàm Giáo sư, là một chuyên gia đầu ngành của y học nước nhà và sau đó được tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (1989). Có lẽ ông cũng rất tự hào là người có con kế tục sự nghiệp mình.
Con trai ông, thiếu tướng, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Hòa Bình, Thầy thuốc Nhân dân, là Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phụ trách ngoại khoa. Thiếu tướng Hòa Bình cũng đi theo chuyên ngành phẫu thuật thần kinh mà người cha của ông, Giáo sư Phạm Gia Triệu đã đeo đuổi suốt một đời và cũng tại chính bệnh viện này từ 60 năm trước.
Con say nghề, theo đuổi nghiệp cha
Ngoài cặp cha con Giáo sư Phạm Gia Triệu, làng Hành Thiện còn có những cặp cha con đeo đuổi một lĩnh vực và đều nổi tiếng, như cha con Giáo sư Vũ Khiêu (tức Đặng Vũ Khiêu), một nhà Văn hóa lớn, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học xã hội, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam.
Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng có truyền thống nho học, ông nội là cụ Đặng Vũ Lễ là giáo thụ Bắc Ninh, khi Pháp xâm lược đã từ quan về mở trường dạy học. Học trò yêu quý tặng cụ bức đại tự “Học giả chỉ nam”, xem cụ như là kim chỉ nam cho các học giả.
Giáo sư Vũ Khiêu là người chỉ đạo và trực tiếp tiến hành nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa và khoa học xã hội nổi tiếng, với hàng ngàn trang viết được tập hợp trong hơn tám chục tác phẩm có giá trị khoa học cao.
Cho đến hôm nay, thật kỳ lạ, dù đã ở tuổi 99, ông vẫn viết sách rất khỏe với một niềm hăng say, quên cả tuổi già. Cây bút tầm cỡ ấy đã tỏ rõ là bậc đại thụ của nền khoa học xã hội nước nhà.
Giáo sư Vũ Khiêu trong lễ mừng thọ cùng người thân (bìa phải là con trai, Giáo sư Đặng Cảnh Khanh, bìa trái là con dâu, Giáo sư Lê Thị Quý) - Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Giáo sư có người con trai cả là Giáo sư, tiến sĩ Xã hội học Đặng Cảnh Khanh, thuộc lớp đầu tiên được đào tạo cơ bản về ngành này. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và được coi là người đặt nền móng cho ngành xã hội học thanh niên và thanh niên học ở nước ta.
Con dâu của Giáo sư Vũ Khiêu là bà Lê Thị Quý, vợ Giáo sư Đặng Cảnh Khanh cũng là một Giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học về giới và phụ nữ học. Theo bà, chính nhờ vào một thời gian dài vợ chồng bà sống cùng cha, Giáo sư Vũ Khiêu trong căn phòng chật chội trên 20m2 mà cha chồng hay có nhiều khách tới làm việc và tranh luận khoa học nên kiến thức của bà cũng có phần nâng cao về thế giới quan khoa học, phương pháp nghiên cứu sau này của bà.
Cố Giáo sư, tiến sĩ y khoa Đặng Đức Trạch, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Giải thưởng Nhà nước năm 2000 do có đóng góp lớn, để lại cho nền Y học Việt Nam 95 công trình khoa học. Ông nguyên là Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, (là nhà vi trùng học số một nước ta), Đại biểu Quốc hội khoá 11 và từng là Chủ tịch Hiệp hội Y học các nước Đông Nam Á.
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Đức Trạch (bìa phải) trong buổi đón tiếp Tổng Bí thư Đỗ Mười tới thăm Viện |
Con trai Giáo sư Trạch hiện nay là Giáo sư, tiến sĩ y học, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, nơi người cha quá cố của ông đã từng làm việc suốt cả cuộc đời. Tuy còn trẻ nhưng Giáo sư, tiến sĩ Đặng Đức Anh đã có nhiều công trình khoa học được đánh giá cao như nghiên cứu về các vắc xin phòng tả, vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do vi rút Rota và các công trình này đã được đăng trên các tạp chí khoa học nổi tiếng trên thế giới.
Ngôi đình cổ kính này có những tấm bia ghi danh nhiều vị khoa bảng, Giáo sư, tiến sĩ qua nhiều thế kỷ - Ảnh: Đỗ Lợi |
Làng Hành Thiện còn có vài trường hợp cả vợ chồng đều là Giáo sư, và nếu cùng là tiến sĩ khoa học thì cũng hàng chục đôi. Làng này còn có trên 190 tiến sĩ khoa học và tiến sĩ... Ấy là chưa kể người làm dâu, rể và những người định cư ở nước ngoài là Giáo sư, Phó giáo sư cũng chưa tính hết.
Được biết, ngôi làng Hành Thiện từ vài trăm năm nay đã hun đúc nên một nếp sống thanh cao, giản dị rất lạ. Nơi đây, các thế hệ truyền lại cho con cháu họ một nếp nghĩ, nói theo Giáo sư Vũ Khiêu thì "Ở làng tôi, giàu có chưa chắc đã được trọng bằng có chữ. Thậm chí, trọc phú thì dễ bị coi thường. Những gia đình khá giả có con gái ngoan cũng thường tìm gả cho các hàn sĩ, tiền ít nhưng chữ nhiều. Các cô gái đẹp cũng hay yêu những nhà nho, không phải chỉ vì hy vọng rồi chồng mình sẽ đỗ đạt, hiển danh. Thi đậu hay trượt thì là do may rủi, nhưng những người có học thường sống nhân tình thế thái hơn".
Theo Thanh Niên