Lãnh đạo các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý và Ukraine họp riêng trước khi khai mạc hội nghị NATO - Ảnh: AFP |
Các lãnh đạo của 28 nước thành viên và những đối tác của NATO đã tập trung tại Newport trong bối cảnh quan hệ giữa liên minh này với Nga đang cực kỳ căng thẳng. Theo AFP, cho đến nay, tuy không có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine vì không phải một nước thành viên nhưng NATO vẫn cam kết viện trợ cho Kiev những trang thiết bị về hậu cần, an ninh mạng, quân y…
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng có mặt tại Newport để thảo luận về tình hình ở miền Đông nước này và tìm kiếm thêm sự ủng hộ. Trước đó, Kiev cũng đưa ra một thông điệp cứng rắn với Moscow khi thông báo khởi động quá trình vận động gia nhập NATO. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ không được thảo luận tại Newport.
Ngay trước khi hội nghị diễn ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đã khẳng định trong một bài viết chung trên tờ The Times rằng sẽ “tăng cường hỗ trợ Ukraine”.
Hai nhà lãnh đạo cho rằng NATO cần hiện diện thường trực tại Đông Âu và thành lập một lực lượng phản ứng nhanh, bao gồm hải, lục và không quân, có khả năng triển khai ở bất kỳ nơi nào trên thế giới trong một thời gian ngắn.
Theo báo The New York Times, lực lượng phản ứng nhanh nói trên sẽ gồm 4.000 binh sĩ đóng ở những căn cứ quân sự mới và được trang bị đầy đủ các thiết bị quân sự hiện đại để có thể hành động trong vòng 48 giờ.
Giới quan sát nhận định, tại hội nghị lần này, Washington muốn hướng NATO đến những mục tiêu quân sự cụ thể hơn để đối phó với những diễn biến phức tạp tại Đông Âu. Mỹ vẫn cho rằng các đồng minh, đặc biệt là những nước EU, cần gia tăng ngân sách dành cho quốc phòng để đạt tiêu chuẩn tối thiểu bằng 2% GDP như cam kết khi là thành viên NATO. Hiện chỉ có 4 nước thuộc liên minh này đạt tiêu chuẩn trên. Trong khi đó, phần lớn các nước EU vì khủng hoảng kinh tế phải giảm đáng kể chi tiêu cho quốc phòng trong những năm qua.
Trả lời tờ L’Express, chuyên gia Viện Chiến lược và Quan hệ quốc tế Pháp Olivier Kempf nhận định: “Hội nghị Newport đánh dấu sự kết thúc thời kỳ NATO tham gia các chiến dịch quân sự ở nước ngoài qua việc rút khỏi Afghanistan trong năm 2014 để quay trở về mục tiêu quan trọng nhất: hợp sức bảo vệ các thành viên trước mọi nguy cơ bị tấn công”.
Những thành viên NATO ở Trung và Đông Âu đang bày tỏ lo ngại việc Nga can thiệp để “bảo vệ người Nga” tại Crimea sẽ trở thành tiền lệ và mối họa tiềm tàng cho những nước có cộng đồng thiểu số Nga. Các nước này nhiều khả năng sẽ yêu cầu NATO hủy bỏ thỏa thuận năm 1997 với Nga để hiện diện quân sự thường trực tại Trung và Đông Âu.
Để thể hiện “thiện chí” với các đồng minh NATO, tối 3/9, Pháp thông báo tạm hoãn giao tàu chiến Mistral cho Nga vì “những hành động của Nga tại miền Đông Ukraine có thể ảnh hưởng đến an ninh của châu Âu”.
Theo báo Le Monde, nếu hủy hợp đồng, Paris có thể bị thiệt hại đến 1 tỷ euro. Cùng ngày, Ủy ban châu Âu cũng thông báo đã chuyển dự thảo các biện pháp tăng cường trừng phạt Moscow cho 28 quốc gia thành viên.
Đáp lại, RIA-Novosti hôm qua dẫn lời đại diện thường trực của Nga tại NATO Alexandre Grouchko nhận định: “Việc NATO thực hiện những biện pháp quân sự nhằm vào Nga sẽ cắt đứt khả năng hợp tác với Moscow trong những lãnh vực mà họ không thể tự mình đảm đương và cần sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế”.
Theo Thanh Niên