Đại chiến thế giới thứ ba đã được châm ngòi?

Thứ sáu, 05/09/2014, 10:46
Theo Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House), trật tự thế giới vốn dễ đổ vỡ nay phải đối mặt với vực thẳm khi cộng đồng quốc tế loay hoay tìm cách ngăn chặn chiến tranh.
Xung đột ở miền Đông Ukraine ngày càng trầm trọng, đẩy quan hệ Nga - phương Tây vào ngõ cụt.

Xung đột ở miền Đông Ukraine ngày càng trầm trọng, đẩy quan hệ Nga - phương Tây vào ngõ cụt.

Trong vòng một trăm năm trở lại đây, nhân loại đã trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới. Và giờ đây, một câu hỏi khá phổ biến được giới truyền thông nhắc đến nhiều, đó là làm thế nào để ngăn chặn Chiến tranh Thế giới lần thứ ba?

Nhà bác học Albert Einstein từng có danh ngôn nổi tiếng: "Tôi không biết Chiến tranh Thế giới lần thứ ba sẽ sử dụng vũ khí gì? Nhưng tôi biết rằng Chiến tranh Thế giới lần thứ tư sẽ sử dụng gậy gộc và đá".

Tình trạng bạo lực với các cuộc xung đột đẫm máu diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Cỗ máy chiến tranh dường như đang được khởi động để sẵn sàng vận hành. Từ Trung Đông, Nam Á cho đến Ukraine, thế giới đang bị cuốn vào vòng xoáy bất ổn định mà chưa thấy "ánh sáng cuối đường hầm".

Nga đứng trước bờ vực của cuộc xung đột ở Ukraine. Mỹ buộc phải tăng cường can dự quân sự vào Iraq để ngăn chặn phiến quân Hồi giáo. Chính quyền Afghanistan đối mặt với nguy cơ sụp đổ khi NATO rút quân. Bạo lực ở Dải Gaza khi Israel mở chiến dịch quân sự tiêu diệt phong trào Hồi giáo Hamas. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Kashmir vẫn chưa thể tháo ngòi nổ. Trong khi đó, tình trạng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có thể bùng phát thành xung đột bất cứ lúc nào.

Theo thống kê của Chương trình Dữ liệu Xung đột Uppsala, từ năm 1946 đến nay, đã xảy ra 254 cuộc xung đột vũ trang, trong đó có 114 cuộc biến thành chiến tranh quy mô lớn. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, số vụ xung đột vũ trang giảm đáng kể. Trong năm 2013, chỉ xảy ra 33 cuộc xung đột, giảm 50% so với thời điểm năm 1989.

Sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) ở Iraq cho thấy hòa bình vẫn là thứ xa vời với thế giới.

Sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) ở Iraq cho thấy hòa bình vẫn là thứ xa vời với thế giới.

Mặc dù vậy, diễn biến tình hình tại một số điểm nóng trên thế giới đang đe dọa nghiêm trọng đến trạng thái cân bằng tương đối của trật tự thế giới. Trong một nghiên cứu gần đây, Chatham House từng dự báo rằng thế giới vào thời điểm năm 2030 rất dễ đổ vỡ. Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế sẽ phải chật vật đối phó với xu hướng độc lập, ly khai. Nguy cơ chiến tranh giữa các nước sẽ gia tăng đáng kể, bắt nguồn từ những mâu thuẫn và cạnh tranh về ảnh hưởng và lợi ích.

Theo nhận định của Tiến sĩ Robin Niblett, Giám đốc Chatham House, mặc dù đã siết chặt lệnh cấm vận và trừng phạt nhằm vào Nga, nhưng phương Tây khó ngay lập tức xoay chuyển cục diện khủng hoảng Ukraine. Vì vậy, ông Niblett cho rằng châu Âu cần phải kiên định với chính sách hiện nay ở Ukraine trong đó việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga là hướng tiếp cận đúng nhằm tái cân bằng về ảnh hưởng cũng như lợi ích của EU.

Trước đây, có ý kiến chỉ trích cho rằng EU phản ứng quá chậm chạp khi Nga can dự vào Ukraine. Tuy nhiên, vừa qua, EU đã quyết định triển khai các biện pháp trừng phạt có thể làm đổ vỡ hoàn toàn mối quan hệ giữa Nga với châu Âu sau Chiến tranh Lạnh.

EU không chỉ dừng lại ở các tuyên bố sáo rỗng. Theo ông Niblett, lần này EU đã nhanh chóng có được sự đồng thuận của cả 28 nước thành viên, điều này đã thể hiện khá rõ sức mạnh của một tổ chức khu vực có 500 triệu người và là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi EU quyết tâm vào cuộc, những quyết định của họ có thể tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Nga.

Tuy nhiên, Nga lại là láng giềng của các nước thành viên EU, nên câu chuyện giờ đây lại chuyển hướng sang vấn đề địa kinh tế. Lượng khí đốt do Nga cung cấp chiếm tới 35% tổng lượng nhập khẩu của cả EU. Hiện Nga cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Âu, sau Mỹ và Trung Quốc.

Một châu Âu trong tình trạng xung đột với người láng giềng phía Đông không chỉ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực về mặt kinh tế, mà còn gây bất ổn về chính trị. Tranh cãi và mâu thuẫn nội bộ giữa các phe phái sẽ ngày càng căng thẳng, khiến châu Âu khó có thể tập trung vào những vấn đề an ninh khác, từ bất ổn ở Trung Đông cho đến sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Sau những lời tán dương lẫn nhau, phương Tây sẽ phải trả lời một câu hỏi quan trọng: bước đi tiếp theo là gì? Thực tế cho thấy quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chưa chắc đã thành công ngay. Hoạt động xuất khẩu dầu mỏ vẫn mang lại nguồn thu ổn định. Hiện nợ chính phủ của Nga mới chỉ chiếm 15% GDP. Dự trữ ngoại tệ dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao, 470 tỷ USD.

Trong tính toán của mình, có thể ông Putin cho rằng nguy cơ mối đe dọa quyền lực bắt nguồn từ sự thất bại ở Ukraine, chứ không phải suy thoái kinh tế. Tuy vậy, về lâu dài, lệnh cấm vận sẽ khiến kinh tế Nga khốn đốn. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Nga trên thực tế đã bắt đầu giảm từ đầu năm 2014.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn