Sau vụ tai nạn giao thông tại Lào Cai ngày 2/9 vừa qua, dư luận không thể hài lòng khi mà các doanh nghiệp giao thông vận tải, các đơn vị quản lý bến bãi vẫn còn nhiều lỗ hổng. Trong chuyên mục Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tuần này, nhiều câu hỏi liên quan đến ngành giao thông sẽ được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trả lời.
Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
- Một người dân ở Nghệ An: Thưa Bộ trưởng với tiêu chí 4 xin: Xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép và 4 luôn: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ của Bộ trưởng, chúng tôi cảm thấy thực sự là một khách hàng đúng nghĩa. Nhưng 4 xin, 4 luôn đó sẽ chẳng là gì nếu như sinh mệnh hành khách chúng tôi chẳng được an toàn trên mỗi chuyến xe. Ông sẽ làm gì, có biện pháp gì để chúng tôi được an toàn mỗi khi ra đường? Xin mời Bộ trưởng trả lời câu hỏi này của người dân?
- Trong dịp nghỉ lễ vừa qua tai nạn giao thông vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái, số vụ giảm nhưng số người chết tăng thêm 15 người, số người bị thương tăng thêm 14 người. Có thể nói, đây là sự đau xót của bản thân tôi, cả ngành giao thông và đối với nhân dân chúng ta.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cùng tất cả các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, cũng như hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường tinh thần trách nhiệm, chống tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ cũng như chất lượng đăng kiểm, sát hạch cho đội ngũ lái xe.
Chúng tôi cũng sẽ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định tăng cường xử lý vi phạm hành chính tối đa với các hãng xe, chủ phương tiện. Trước hết là tăng cường trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước như các Sở giao thông Vận tại địa phương, Tổng cục Đường bộ và các cơ quan Bộ Giao thông Vận tải và chúng tôi cũng sửa Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải đảm bảo người dân tham gia giao thông an toàn và thuận tiện hơn.
Trách nhiệm trước hết của doanh nghiệp vận tải
- Mới đây nhất vụ tai nạn thương tâm ở Bát Xát, Lào Cai dường như là do nguyên nhân từ lỗ hổng quản lý giữa 2 chiều bến bãi, khi chiếc xe bị nạn không được lưu thông trên cung đường này nhưng vẫn ngang nhiên xuất phát. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm về sinh mạng của hàng chục con người đã oan ức ra đi như vậy thưa Bộ trưởng?
- Thực ra, trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước không có lỗ hổng nào cả. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, phần lớn các doanh nghiệp vận tải và lái xe thực hiện đúng nhưng cũng có doanh nghiệp vận tải như Sao Việt không tuân thủ đúng quy định. Trách nhiệm này trước hết là của doanh nghiệp vận tải, lái xe đã không tuân thủ quy định đi xe không đúng luồng tuyến, chở quá số người quy định, chạy xe quá tốc độ dẫn đến tai nạn.
Và trách nhiệm trực tiếp là Sở Giao thông Vận tải Hà Nội là nơi đã cấp phép kinh doanh, cấp phù hiệu xe cũng như thỏa thuận về tuyến luồng, khi cấp như vậy Sở phải có trách nhiệm giám sát qua hộp hành trình. Sở Giao thông Vận tải Lào Cai phải chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát các phương tiện lưu thông trên địa bàn của mình. Các lực lượng tuần tra cũng phải chịu trách nhiệm về việc kiểm tra xử lý kịp thời các vi phạm. Nếu chúng ta làm tốt việc này chắc chắn xe chỉ được lên Lào Cai sẽ không thể lên Sapa và vụ việc tai nạn sẽ không xảy ra.
Bộ trưởng Đinh La Thăng. |
Quyết liệt hơn trong kiểm soát tải trọng xe
- Một người dân ở Hải Phòng cho biết: Thưa Bộ trưởng tôi đi qua trạm thu phí Quán Toan, Hải Phòng có thấy trạm cân xe lưu động hoạt động đến 21h tối, nhưng rất nhiều xe quá khổ, quá tải thì không vào trạm cân mà cứ ra thẳng cửa thu phí, không thấy ai nhắc nhở, những chiếc xe này phá nát cả con đường, Bộ trưởng xuống xem bằng mắt thường cũng nhìn thấy rõ hiện tượng này. Vậy xin hỏi Bộ trưởng sẽ có những biện pháp gì để ngăn chặn dứt điểm thực trạng này?
- Chúng tôi xin khẳng định, sắp tới việc kiểm soát xe quá trọng tải sẽ được thực hiện một cách quyết liệt hơn, đến khi nào hết tình trạng vượt tải trọng thì thôi. Theo đó, tập trung vào nâng cao chất lượng chống tiêu cực trong kiểm soát tải trọng phương tiện chính là lực lượng thực thi công vụ cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông, tránh tình trạng bảo kê cho các phương tiện vượt trạm cân.
Đồng thời, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng xử lý xử phạt tối đa chủ phương tiện chở quá tải trọng và xử phạt các chủ bến bãi xếp dỡ, và xử lý tại bến cảng, kho hàng, nhà ga, cũng như tăng cường xử phạt lũy tiến. Đồng thời yêu cầu các lái xe, chủ phương tiện phải quay về nơi gần nhất hạ tải và chịu mọi chi phí hạ tải khi chở quá tải. Đối với xe vượt quá tải trọng tái phạm sẽ kiên quyết tháo dỡ phần thùng hàng cơi nới không đúng quy định.
Không có "đường bay vàng" nào cả
- Một công dân làm việc trong ngành hàng không nhưng đã nghỉ hưu có hỏi: Được biết, Bộ trưởng đang cho nghiên cứu đường bay thẳng, giảm cả vài chục phút bay, tiết kiệm được gần 300 triệu đô la Mỹ mỗi năm, giá dịch vụ cũng có thể được rẻ hơn. Với người dân đó là một tin rất đáng mừng. Từ ngày Bộ trưởng về mọi công trình đều được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, kể cả tiến độ đưa vào sử dụng của các sân bay mới. Tuy nhiên, với đường bay thẳng thì sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có đáp ứng được hay không? Trong khi mấy ông doanh nghiệp lại nói về chi phí quá cảnh rất cao, ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này là như thế nào?
- Trước hết, phải nói rằng không có đường bay vàng nào cả mà là đường bay thẳng nằm trong các giải pháp mà Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi đang cùng các doanh nghiệp hàng không, các cơ quan có liên quan nghiên cứu các đường bay thẳng, trước hết là đường bay thẳng Hà Nội – TP.HCM.
Thực ra đường bay này đã được nghiên cứu từ lâu nhưng vì điều kiện chưa đủ nên phải dừng lại để tiếp tục nghiên cứu. Đến nay với điều kiện hội nhập, đặc biệt là việc chúng ta ký Hiệp định hàng không với các nước Campuchia, Lào, Myanmar, và điều kiện phát triển khoa học công nghệ về kiểm soát không lưu tốt hơn thì chúng ta đặt lại vấn đề nghiên cứu đường bay thẳng với mục tiêu an toàn là số 1 và hiệu quả cho các doanh nghiệp, khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, chi phí giảm bớt thì chắc chắn người dân sẽ được hưởng.
Tất nhiên, để làm được việc này thì các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để thực hiện các chuyến bay thẳng này.
Cuối năm 2015 sẽ thông toàn tuyến quốc lộ 5B
- Một người dân khác thì hỏi: Nhà tôi gần đường quốc lộ Hà Nội – Hải Phòng, thường gọi là quốc lộ 5B, đang xây dựng, ngày nào tôi cũng phải đi qua công trường thi công bụi bặm kinh khủng. Tôi được biết lẽ ra con đường này đã phải hoàn thành từ năm 2011, đến nay đã chậm hơn 3 năm và nghe nói sẽ chậm hơn nữa. Những con đường làm chậm như thế này, dân thì khổ sở bức xúc, nhà nước thì thiệt hại nhiều tiền của. Tôi thấy Bộ trưởng đã rất quyết liệt rồi nhưng Bộ trưởng có thể cho biết Bộ Giao thông Vận tải sẽ có thêm biện pháp đồng bộ nào nữa không để các nhà thấu xây dựng chây ì không còn dám chậm tiến độ nữa?
- Đúng là dự án đã được triển khai mấy năm nhưng chậm do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng chính vẫn là năng lực của nhà thầu thi công yếu kém. Chính vì vậy chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư thay thế các nhà thầu kém năng lực về tài chính và thi công, phối hợp với các địa phương giải phóng mặt bằng kịp thời, khẩn trương điều động thêm lực lượng máy móc thiết bị, đảm bảo nguồn nguyên liệu, vật liệu đến công trường để triển khai đồng bộ quyết liệt.
Đến nay, về tiến độ của dự án, dự kiến cuối năm nay thông xe trên địa phận Hải Phòng, đến tháng 7 sang năm hoàn thành đoạn qua Hưng Yên, Hải Dương và cuối năm 2015 sẽ thông toàn tuyến.
Không nộp phí bảo trì đường bộ sẽ bị phạt từ 1-3 lần mức phí phải đóng
- Một độc giả ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội có phản ánh: Thưa Bộ trưởng, tôi là người rất nghiêm túc trong việc đóng phí bảo trì đường bộ cho chiếc xe máy của mình và biết rằng như thế là góp phần bảo trì những con đường tốt hơn. Nhưng tôi thấy, rất nhiều người xung quanh không đóng, tổ trưởng tổ dân phố cũng chỉ nhắc nhở, rồi cũng chẳng thu, ra đường cũng chẳng ai kiểm tra cái chứng nhận ấy. Tôi thấy vô lý quá, nếu cứ thế này, tôi sẽ không đóng nữa. Tôi bức xúc khi các quy định đưa ra mà không thực hiện cũng không sao. Việc này có vẻ là nhỏ nhưng xét về kỷ cương, phép nước đó là việc lớn, Bộ trưởng có nghĩ như tôi không?
- Thực ra, quỹ này mới thực hiện vào hoạt động từ năm 2013, tuy nhiên trong thời gian này Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải tập trung vào việc tuyên truyền vận động nhân dân tham gia đóng phí là chính.
Tuy nhiên, thời gian tới các cơ quan chức năng cùng với việc tuyên truyền vận động nhân dân tự nguyện đóng góp để bảo trì đường bộ, thì cũng sẽ thực hiện nghiêm và nếu không thực hiện sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt từ 1-3 lần mức phí phải đóng. Cho nên tất cả người dân cứ yên tâm vì mọi người đều phải thực thi theo quy định của pháp luật.
Cảm ơn Bộ trưởng!
Theo VOV