Báo chí quốc tế ca ngợi sức mạnh tàu ngầm Việt Nam

Thứ hai, 08/09/2014, 15:23
Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định tàu ngầm Kilo của Việt Nam có nhiều tính năng ưu việt hơn cả tàu ngầm Kilo mà Trung Quốc sở hữu.
Tàu ngầm Việt Nam.

Tàu ngầm Việt Nam.

Với các tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga, Việt Nam sẽ nhanh chóng hình thành khả năng răn đe hải quân đáng kể trên Biển Đông. Các chuyên gia cho rằng những chiếc tàu ngầm này sẽ khiến cho những quốc gia nào đó muốn hành động đơn phương trên Biển Đông phải dè chừng nhiều hơn.

Là bậc thầy về chiến tranh du kích, Việt Nam đã sở hữu hai tàu ngầm tối tân và sẽ nhận thêm tàu thứ 3 vào tháng 11/2014 theo hợp đồng trị giá 2,6 tỷ USD với Nga hồi năm 2009. Ngoài ra 3 chiếc nữa sẽ về Việt Nam trong vòng 2 năm tới.

Nhà nghiên cứu Collin Koh của Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho biết, một khi số tàu ngầm hoạt động đầy đủ trên biển, chúng sẽ có tác dụng răn đe về mặt tâm lý đối với các lực lượng hải quân đông và mạnh hơn, bởi vì họ sẽ không thể nào biết tàu ngầm của bên phòng thủ nằm ở đâu.

“Đây là chiến lược bất đối xứng kinh điển mà bên yếu hơn áp dụng để đối phó với bên mạnh hơn”, Koh giải thích.

Một số chuyên gia quân sự trong khu vực nhận định Việt Nam sẽ không mất nhiều thời gian để làm chủ thiết bị quân sự tiên tiến và sẽ nhanh chóng triển khai tàu ngầm ở Biển Đông để bảo vệ chủ quyền chính đáng.

Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu về chuyển giao vũ khí tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI ) cho biết: “Phía Việt Nam đã làm thay đổi toàn bộ kịch bản. Hiện họ đã có hai tàu ngầm, thủy thủ đoàn và có vẻ họ có cả các vũ khí kèm theo. Năng lực và kinh nghiệm của họ sẽ gia tăng”.

Khi lặn dưới biển, các tàu ngầm Kilo hiện đại có thể  phóng các tên lửa chống hạm với tầm bắn 300km.

Wezeman cho biết, SIPRI ước tính Việt Nam đã nhận ít nhất 10 trong số 50 tên lửa chống hạm vào năm nay trong khuôn khổ hợp đồng với Nga.

Việt Nam, vốn là cường quốc về lục quân, đã mở rộng đáng kể lực lượng hải quân trong những năm gần đây, mua sắm thêm các khu trục hạm và hộ tống hạm (chủ yếu của Nga) cùng vũ khí chống hạm và săn ngầm. Việt Nam cũng đã bắt đầu chương trình đóng tàu dựa trên các mẫu thiết kế của Nga.

Tàu ngầm Kilo mang tên Hồ Chí Minh.

Tàu ngầm Kilo mang tên Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, Philippines, một quốc gia Đông Nam Á khác, cũng đang đối diện các nguy cơ lớn về an ninh biển, chưa có tàu ngầm và tàu mặt nước hiện đại hay máy bay đáng kể nào của riêng lực lượng hải quân.

Các thủy thủ tàu ngầm Việt Nam được đào tạo không chỉ ở Nga mà còn ở Ấn Độ, với nội dung bao gồm các kỹ năng tác chiến cơ bản, cũng như học thuyết và chiến thuật sử dụng các con tàu đặc biệt này.

Hiện đại hơn

Con tàu ngầm Kilo chạy bằng diesel và điện của Việt Nam là một trong các tàu ngầm ít tạo ra tiếng động nhất và thường xuyên được tinh chỉnh từ những năm 1980.

Vasily Kashin, nhà phân tích chiến lược ở Moscow, cho biết ông tin rằng các tàu Kilo của Việt Nam về mặt công nghệ là hiện đại hơn nhiều so với 12 tàu Kilo của hải quân Trung Quốc, mà cái cuối cùng được mua cách nay một thập kỷ.

Vasily Kashin nói, tàu ngầm Việt Nam hệ thống hấp thụ âm thanh bên trong đã được cải tiến cùng với các hệ thống nạp và kiểm soát vũ khí.

Các cựu thủy thủ tàu ngầm phương Tây cho hay, vị trí của cảng Cam Ranh là hoàn toàn lý tưởng cho các tàu ngầm Kiko Việt Nam. Cảng này vừa là cảng gần quần đảo Trường Sa nhất, đồng thời cũng gần quần đảo Hoàng Sa.

Không những vậy, Cam Ranh lại gần vùng nước sâu bên ngoài gờ thềm lục địa Việt Nam, trong khi đa phần vùng Biển Đông là tương đối nông, không thuận tiện cho hoạt động của tàu ngầm.

Chuyên gia Wezeman của SIPRI kết luận: “Bất cứ ai cũng không nên đánh giá thấp Việt Nam; họ có lợi thế thực sự”.

Theo VOV

Các tin cũ hơn