Từ trái qua: Các ông Kim Đạo Minh, Lệnh Chính Sách và Bạch Bồi Trung - Ảnh: Agrij.com/WantChinaTimes |
Vụ cướp xảy ra vào tháng 11/2011 tại nhà của ông Bạch Bồi Trung, Chủ tịch Công ty than Sơn Tây. Đây là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của tỉnh Sơn Tây và là công ty luyện than cốc lớn nhất Trung Quốc.
Theo báo mạng Want China Times, hai tên cướp đã đột nhập nhà ông Bạch ở thành phố Thái Nguyên rồi dùng hung khí ép vợ ông mở két sắt, gom hết tiền mặt, vàng, đồ trang sức và cướp luôn một chiếc xe Audi.
Điều bất thường là cả nạn nhân lẫn cảnh sát đều tỏ ra khá im hơi lặng tiếng về vụ việc. Đến hôm qua, tạp chí Tài Kinh (trụ sở ở Bắc Kinh) đăng bài điều tra cho thấy chính sự mờ ám trong vụ này dẫn đến một cuộc điều tra sâu rộng, hạ bệ Bạch Bồi Trung, Phó bí thư Sơn Tây Kim Đạo Minh và một số nhân vật cấp cao khác.
Tự “hạ giá”
Want China Times dẫn lại hồ sơ điều tra tiết lộ do “cả gan” đụng vào nhà quan nên hai tên cướp nhanh chóng bị bắt. Quá trình truy tìm, thẩm vấn hai tên này đều được giữ kín và trong phiên xử diễn ra cuối năm 2011, tòa án Thái Nguyên kết luận số tài sản bị cướp của Bạch Bồi Trung trị giá tổng cộng 10 triệu nhân dân tệ (hơn 1,6 triệu USD). Tuy nhiên, khi các nhà điều tra của Ủy ban Kỷ luật và Kiểm tra trung ương (CCDI) vào cuộc, họ phát hiện 2 tên cướp khai với cảnh sát rằng đã lấy đi tài sản với tổng trị giá lên tới khoảng 50 triệu nhân dân tệ (8 triệu USD).
Trong đó có 6 triệu nhân dân tệ tiền mặt, một số lượng lớn tiền Hồng Kông, 270.000 USD, 3 triệu euro (3,9 triệu USD), 7 hoặc 8kg vàng thỏi, nhiều nhẫn kim cương, đồng hồ đắt tiền, dây chuyền và một số món đồ cổ.
Theo Tài Kinh, trước nguy cơ bị lộ số tài sản quá lớn và có thể sẽ bị điều tra về tội tham nhũng, ông Bạch lập tức cầu cứu Phó bí thư Kim Đạo Minh và ông này chỉ đạo Giám đốc Sở Cảnh sát Thái Nguyên Tô Hạo âm thầm “xử lý khéo léo” vụ việc.Tài Kinh dẫn một số nguồn tin cho hay cách xử lý vụ ông Bạch khiến nhiều cựu quan chức cấp cao ở Sơn Tây phẫn nộ và tố cáo Phó bí thư Kim lên CCDI.
Trước đó, ông Kim đã bị cáo buộc dính líu đến một số hợp đồng bất động sản mờ ám của một phụ nữ được cho là tình nhân của ông. Ngoài ra, có tin ông này còn ra lệnh che giấu một vụ bê bối lớn liên quan đến Sở Giao thông vận tải của tỉnh. Đến nay, Bạch Bồi Trung và Tô Hạo đều đã bị cách chức, còn Kim Đạo Minh đang bị điều tra về cáo buộc “vi phạm kỷ luật và luật pháp nghiêm trọng”, thuật ngữ ám chỉ tham nhũng.
Nghi án Nhóm Sơn Tây
Ngoài Kim Đạo Minh, còn có ít nhất 6 lãnh đạo cấp cao khác của Sơn Tây đã sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng “bắt hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động, theo Tài Tân. Cái tên đáng chú ý khác trong vụ này là Lệnh Chính Sách, Chủ nhiệm Chính Hiệp (tương đương Mặt trận tổ quốc - NV) của tỉnh, bị bắt hồi tháng 6. Ông này là anh trai ông Lệnh Kế Hoạch, từng là thư ký riêng rất thân cận của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Đến tháng 7, có tin anh rể của Lệnh Kế Hoạch là Phó thị trưởng thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây Vương Kiện Khang cũng đang bị câu lưu.
Ông Lệnh một thời được xem là ngôi sao chính trị đang lên tại Trung Quốc nhưng tất cả đã thay đổi sau một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng ở Bắc Kinh vào tháng 3/2012. Khi đó, một thanh niên điều khiển siêu xe Ferrari 458 Spider trị giá gần 1 triệu USD chạy với tốc độ cực cao gặp nạn trên đường vành đai Hải Điện rồi bốc cháy. Hậu quả là tài xế chết tại chỗ còn 2 cô gái trên xe bị thương nặng. Đáng chú ý là cả 3 người đều trong tình trạng khỏa thân hoàn toàn hoặc một phần.
Theo South China Morning Post, ban đầu báo chí Trung Quốc bị hạn chế đưa tin về vụ việc nhưng sau đó nhiều nguồn tin trong và ngoài nước khẳng định người lái xe là Lệnh Cốc, con trai Lệnh Kế Hoạch. Đến tháng 9/2012, ông Lệnh bị thuyên chuyển từ chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng sang làm Trưởng ban Mặt trận Thống nhất trung ương vào tháng 9/2012. Thay thế ông là Lật Chiến Thư, người được cho là thân cận với ông Tập Cận Bình.
Từ những diễn biến trên tờ South China Morning Post dẫn lời Giáo sư Trương Minh thuộc Đại học Nhân Dân (Bắc Kinh) suy đoán sắp có một chiến dịch điều tra mới nhằm vào Lệnh Kế Hoạch. Mục tiêu của chiến dịch này còn nhằm triệt hạ cái gọi là Nhóm Sơn Tây. Đây được cho là một nhóm lợi ích lớn, bao gồm nhiều quan chức và doanh nhân xuất thân từ tỉnh này với độ ảnh hưởng không thua kém Nhóm Thượng Hải của Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai.
Sắp xử các thân cận của Chu Vĩnh Khang Tờ South China Morning Post loan tin giới chức Trung Quốc có thể bắt đầu xét xử từng người trong nhóm quan chức và doanh nhân liên quan đến cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang từ tháng tới. Ông Chu hiện vẫn đang bị điều tra với cáo buộc “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. South China Morning Post còn dẫn một số nguồn tin cho hay quyết định khai trừ ông Chu khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể sẽ được công bố sau một cuộc họp của các lãnh đạo cấp cao vào tháng 10. |
Theo Thanh Niên