Dự thảo luật Căn cước công dân được đưa ra thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để chuẩn bị một số nội dung cho kỳ họp Quốc hội thứ 8 sẽ bắt đầu trong tháng sau.
Báo cáo giải trình mới nhất về dự án luật đưa ra nhiều thông tin hơn về tính khả thi của việc triển khai làm thẻ căn cước công dân với mã số định danh gồm dãy số 12 số và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. UB Thường vụ Quốc hội khẳng định, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đã hoàn chỉnh, được Bộ Thông tin – Truyền thông thẩm định về kỹ thuật, Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính thẩm định về nguồn vốn.
Trên thực tế, Bộ Công an đã chỉ đạo thí điểm thành công tại Hải Phòng và Hà Nội hiện nay, đã có đội ngũ cán bộ chuyên trách quản lý dân cư được bố trí từ Trung ương đến cơ sở, được đào tạo cơ bản. Ở Trung ương có Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu về dân cư, ở Công an các địa phương có các phòng, đội chuyên làm công tác quản lý cư trú, quản lý dân cư, ở Công an mỗi xã, phường, thị trấn trung bình có từ 10-15 Cảnh sát khu vực, Công an viên. Đây là lực lượng đông đảo, được tổ chức quản lý chặt chẽ, tin cậy, trong thời gian tới tiếp tục được bồi dưỡng tập huấn, bổ sung nguồn nhân lực, nhất là ở cơ sở, cùng với học tập tiếp thu kinh nghiệm của thế giới thì sẽ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Việc triển khai đồng bộ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 được khẳng định là khả thi.
Lý giải thêm về số định danh cá nhân – dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số, UB Thường vụ Quốc hội cho biết, việc này để bảo đảm không trùng lặp và là số tự nhiên duy nhất cấp cho mỗi công dân. Việc xác định số định danh cá nhân gồm 12 chữ số đã được các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng mô hình cấu trúc của số định danh cá nhân là phù hợp với quy mô dân số trước mắt, lâu dài và đã được xử lý theo nguyên tắc toán học, bảo đảm số định danh cá nhân không bị trùng lặp trong thời gian sử dụng khoảng 500 năm với quy mô và tốc độ tăng dân số hiện nay.
Đại tá Hồ Trọng Ngũ: "Đến năm 2020, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thành, sổ hộ khẩu đương nhiên không cần thiết nữa".
|
Dù báo cáo giải trình, tiếp thu đã rõ nhiều điểm, những băn khoăn các đại biểu đặt ra vẫn xoay quanh câu hỏi, việc cấp mã số định danh công dân, làm thẻ căn cước của Bộ Công an có chồng lấn gì với công tác đăng ký khai sinh, quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp; thẻ căn cước có thay thế giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giúp cắt giảm bao nhiêu thủ tục hành chính?
Về thời điểm cấp thẻ căn cước cho công dân, đại biểu Trần Đình Long băn khoăn, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, đi kèm với đó là thời hạn sử dụng loại thẻ này chỉ giới hạn đến 14 tuổi là phải đổi sẽ là không cần thiết, lãng phí, kém hiệu quả. Quy định như vậy sẽ khiến hàng năm có từ 1-2 triệu thẻ mới phải thay đổi.
Đại biểu Long cho rằng, việc duy trì thủ tục giấy khai sinh như hiện hành là phù hợp. Thẻ căn cước chỉ nên cấp cho công dân từ 14 tuổi trở lên, khi đặc điểm nhận dạng dần ổn định.
“Không thể thay thế giấy khai sinh bằng căn cước. Nên giữ khai sinh cho các cháu” - ông Long nói.
Tán thành lập luận này, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cũng cho rằng, khi sinh ra có giấy khai sinh là quyền đương nhiên của con người. Nếu đổi việc cấp giấy khai sinh thành thẻ căn cước thì có vi phạm quyền con người không?
Là một người đã có nhiều năm công tác trong ngành Công an, Đại tá Hồ Trọng Ngũ – Phó Chủ tịch UB Quốc phòng An ninh phân tích, băn khoăn của các đại biểu bắt nguồn từ việc vấn đề quản lý dân cư lâu ngay giao cho Bộ Công an – đơn vị có nhiều hoạt động mang tính chất bảo mật, thông tin ít được tiếp cận, hiểu biết cặn kẽ. Ông Ngũ nhận định, luật Căn cước công dân đã được tính toán rất kỹ, hoàn toàn có thể thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới đây.
Gạt lo ngại nếu không cấp giấy khai sinh là vi phạm quyền con người, ông Ngũ phân tích, giấy khai sinh và quyền được khai sinh là 2 vấn đề khác nhau. Quyền khai sinh của con người thì luôn được đảm bảo. Còn việc tiếp theo sau sự kiện khai sinh là quản lý công dân bằng mã số định danh.
Thông tin khai sinh được chính quyền địa phương ghi nhận và được chuyển về trung tâm xử lý xử lý cơ sở dữ liệu quốc gia và cư dân ở Hà Nội. Thông tin được xử lý hóa qua hệ thống phần mềm dữ liệu quốc gia để có số định danh cá nhân hay được hiểu là số hiệu công dân.
Trong điều kiện hiện nay, nếu duy trì chứng minh nhân dân 9 số thì không quản lý được xã hội. Do đó phải quản lý ở trình độ mới, hiện đại hóa phương thức quản lý. Việc có thẻ căn cước, theo đó, hoàn toàn đúng nghĩa, khoa học.
Về việc in thẻ căn cước công dân, ông Ngũ cho hay không có việc hình thành đủ 63 cơ quan in thẻ căn cước ở 63 tỉnh thành hay có chữ ký của từng tỉnh thành gây tốn kém lãng phí. Sẽ chỉ có 1 trung tâm in thẻ căn cước công dân ở Hà Nội cùng với trung tâm xử lý cơ sở dữ liệu quốc gia và cư dân. Với công nghệ, phần mềm hiện nay, ông khẳng định, việc in thẻ căn cước công dân khi đã có đủ thông tin khai sinh chỉ mất rất ít thời gian, vài chục giây.
Về phí và lệ phí, công dân chắc chắn sẽ không phải đóng lần đầu. Nhà nước sẽ miễn phí khi làm thủ tục khai sinh, thẻ căn cước lần đầu cho công dân và người dân chỉ mất tiền nếu làm lại do mất.
Còn về việc cắt giảm thủ tục, ông Ngũ nêu rõ, theo khoản 4 Điều 29 dự thảo luật, khi cơ sở dữ liệu quốc gia chưa vận hành (chưa hoàn thành việc cấp mã số định danh cá nhân), người dân khi làm thủ tục vẫn phải xuất trình sổ hộ khẩu. Đến 2020, theo lộ trình, cơ sở dữ liệu hoàn thành, đương nhiêu sổ hộ khẩu không cần thiết nữa, có thể xoá bỏ.
Theo Dân Trí