Theo hãng tin Reuters, là bậc thầy về chiến tranh du kích, Việt Nam hiện đang sở hữu hai tàu ngầm Kilo tối tân và sẽ nhận chiếc thứ 3 vào tháng 11 tới theo hợp đồng trị giá 2,6 tỷ USD ký kết với Nga hồi năm 2009. Ngoài ra, theo kế hoạch, 3 chiếc Kilo cuối cùng sẽ được bàn giao trong vòng 2 năm tới.
Mặc dù, giao dịch thương mại hàng năm giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng lên 50 tỷ USD song Hà Nội vẫn luôn cảnh giác trước mọi động thái từ Bắc Kinh trong bối cảnh quốc gia này đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông giàu tài nguyên.
Tàu ngầm Kilo của Nga. |
Thậm chí, hồi tháng Năm, Trung Quốc còn ngang nhiên lai dắt và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sau đó, các tàu tuần duyên Việt Nam còn bị đội tàu cỡ lớn của Trung Quốc ngăn cản hoạt động.
Giới chuyên gia cho rằng ngay khi lực lượng tàu ngầm Kilo được triển khai đồng loạt, Việt Nam sẽ có thể thiết lập một vùng phòng thủ đánh chặn ngoài khơi bờ biển quốc gia và xung quanh các căn cứ hải quân tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Cũng theo các chuyên gia, ngay cả khi Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân hùng hậu hơn với hạm đội gồm 70 chiếc tàu ngầm, thì sự xuất hiện của tàu ngầm Kilo sẽ làm đảo lộn những toan tính của Trung Quốc về việc triển khai hành động quân sự nhằm chiếm quyền kiểm soát quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như xảy ra xung đột vũ trang tranh giành các mỏ khai thác dầu trên Biển Đông.
“Thiết lập vùng chống tiếp cận trên biển sẽ tạo ra vùng đánh chặn tâm lý bằng cách đảm bảo rằng lực lượng hải quân mạnh hơn của đối phương sẽ không bao giờ biết chắc chắn tàu ngầm của bạn đang ở đâu”, chuyên gia Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore nhận định.
“Đây là chiến thuật bất đối xứng cổ điển được phe yếu sử dụng để đối phó với phe mạnh hơn và tôi nghĩ Việt Nam hiểu rất rõ chiến thuật này. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Việt Nam có thể vận dụng chiến thuật này một cách hoàn hảo dưới nước hay không”, ông Koh nói.
Đẩy mạnh huấn luyện
Reuters cho rằng Việt Nam đã không lãng phí thời gian khi liên tiếp triển khai huấn luyện cách sử dụng các loại vũ khí hiện đại mới mua. Theo đó, tại cảng Cam Ranh, hai chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên đã liên tục tham gia những đợt huấn luyện gần bờ.
Hồi tháng trước, hãng tin Interfax của Nga cũng đưa tin một nhóm thủy thủ Việt Nam đang tham gia lớp huấn luyện trên con tàu Kilo thứ 3 ngoài khơi bờ biển St. Petersburg trước thời điểm con tàu này cập cảng Cam Ranh vào tháng 11 tới. Trong khi đó, chiếc tàu thứ 4 hiện đang chạy thử nghiệm dưới biển tại xưởng đóng tàu Admiralty và hai chiếc cuối đang trong quá trình đóng.
Việt Nam tổ chức lễ thượng cờ cho hai chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên mang tên HQ-182 Hà Nội và HQ-183 Hồ Chí Minh tại cảng Cam Ranh. |
Trong khi giới chuyên gia quân sự khu vực đang cố gắng dự đoán tiến độ nhanh nhất có thể đối với các thủy thủ Việt Nam trong khâu nắm vững cách thức sử dụng tàu ngầm Kilo, một số người cho rằng Hà Nội sẽ sớm đưa đội tàu ngầm này ra Biển Đông.
“Việt Nam đang làm thay đổi toàn bộ cục diện. Họ đã có hai tàu ngầm, có thủy thủ và khả năng là cả vũ khí, cũng như năng lực và kinh nghiệm sẽ dần lớn mạnh”, Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu chuyển giao vũ khí tại Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) chia sẻ.
“Đứng trên quan điểm đánh giá của Trung Quốc, khả năng đánh chặn của Việt Nam là điều rất thực tế”, ông Wezeman nhấn mạnh.
Ngoài các ngư lôi tầm ngắn, tàu ngầm Kilo hiện đại còn có thể phóng tên lửa chống hạm với tầm bắn 300km trong quá trình tàu lặn.
Theo ông Wezeman, SIPRI ước tính Việt Nam đã nhận khoảng ít nhất 10 trong tổng số 50 tên lửa chống hạm Klub trong năm nay theo bản thỏa thuận với Nga. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Hà Nội sẽ mua các phiên bản tên lửa tấn công đất liền Klub.
Chuyên gia an ninh Trung Quốc tại Đại học Lingnan, Hồng Kông, ông Zhang Baohui nhận định ông tin rằng các nhà hoạch định quân sự Bắc Kinh cũng đang đặc biệt quan ngại về đội tàu ngầm của Việt Nam. “Về lý thuyết, Việt Nam đang ở trong giai đoạn có thể đưa các tàu ngầm ra chiến đấu”, ông Zhang nói.
Tuy nhiên, hiện nay, cả Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều từ chối bình luận về thông tin trên.
Vũ khí phòng thủ
Chia sẻ với hãng tin Reuters, các quan chức quân sự cấp cao Việt Nam cho biết chương trình đào tạo trên biển và đưa tàu ngầm Kilo vào hoạt động trong lực lượng hải quân đang diễn ra một cách suôn sẻ.
“Chúng không phải là những vũ khí đơn lẻ mà là một phần trong kho vũ khí mà chúng tôi đang phát triển nhằm bảo vệ lãnh thổ một cách hiệu quả hơn. Do đó, các tàu ngầm Kilo sẽ đóng vai trò phòng thủ”, Reuters dẫn lời một quan chức Việt Nam giấu tên.
Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông khi đưa giàn khoan Hải Dương-981 ra vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. |
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã từng nhắc lại tuyên bố dù không ám chỉ trực tiếp tới Trung Quốc rằng, Việt Nam sẽ không khơi mào một cuộc xung đột trên Biển Đông nhưng khi trận chiến bắt đầu, “chúng tôi sẽ không chỉ đứng yên và nhìn”.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng mở rộng năng lực hải quân khi mua thêm các tàu chiến và tàu hộ tống hiện đại chủ yếu mua từ Nga cũng như trang bị các loại vũ khí chống hạm và chống ngầm. Thậm chí, Hà Nội còn có tham vọng đóng các con tàu theo thiết kế của Nga.
Hiện đại hơn tàu ngầm Kilo của Trung Quốc
Tàu ngầm Kilo chạy diesel - điện lớp Kilo được xem là một trong những thế hệ tàu ngầm chạy êm nhất thế giới và liên tục được cải tiến kể từ thập niên 80.
Nhà phân tích chiến lược Nga, Vasily Kashin cho rằng về mặt công nghệ, tàu ngầm Kilo của Việt Nam hiện đại hơn so với 12 tàu ngầm cùng lớp của hải quân Trung Quốc, vốn được Bắc Kinh mua của Nga cách đây 10 năm. Theo đó, khả năng hấp thụ sóng âm, cùng hệ thống kiểm soát và trọng tải vũ khí cũng đã được cải tiến.
Tàu ngầm Kilo của Việt Nam được đánh giá có công nghệ hiện đại hơn so với tàu Kilo của Trung Quốc. |
Giới truyền thông Nga cho hay, những bức ảnh vệ tinh đã ghi nhận sự xuất hiện của các tàu ngầm Kilo cùng với các cầu tàu phục vụ hoạt động của tàu ngầm do Nga xây dựng tại cảng Cam Ranh. Thậm chí, các chuyên viên Nga cũng đã có mặt tại trung tâm huấn luyện mới do Moscow xây dựng tại cảng Cam Ranh cùng với các thiết bị mô phỏng hệ thống kiểm soát, định vị và vũ khí.
Các cựu chuyên gia tàu ngầm phương Tây nhận định cảng Cam Ranh là nơi neo đậu lý tưởng cho hạm đội tàu ngầm Kilo của Việt Nam. Bởi khu vực này là nơi gần quần đảo Trường Sa nhất về phía Nam, và nằm trong phạm vi quần đảo Hoàng Sa.
Ngoài ra, trong khi phần lớn diện tích Biển Đông có đặc điểm nước nông và địa hình gây khó khăn cho hoạt động của tàu ngầm, cảng Cam Ranh lại nằm gần một số vùng nước sâu bên ngoài thềm lục địa Việt Nam.
“Không ai có thể đánh giá thấp Việt Nam. Họ nhìn thấy mối đe dọa rõ ràng do đó họ có thêm động lực để phòng thủ”, ông Wezeman nói.
* Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.
Theo Infonet