Hiện trường tìm kiếm thi thể bé Tỷ ngày 8/9 - Ảnh: Đức Trong |
Nói vậy không sai nhưng chưa đủ, bởi lẽ dư luận đang đặt câu hỏi ngược lại về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, vì các em không thể lọt xuống cống nếu các công trình hạ tầng đảm bảo an toàn.
Về trách nhiệm quản lý, duy tu đường 22/12 là nơi cháu La Văn Tỷ (9 tuổi, quê An Giang) bị nạn, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương khẳng định là của UBND thị xã Thuận An.
Trao đổi với báo chí tại hiện trường tìm kiếm, ông Đặng Văn Ba - phó chủ tịch UBND thị xã Thuận An - cho rằng miệng cống nơi bé La Văn Tỷ bị nạn không phải không có nắp mà do mưa lớn, nước thoát chậm đã đẩy nắp cống bị trồi ra khỏi miệng cống khiến bé Tỷ bị nước mưa cuốn xuống.
Nắp cống bị nước mưa cuốn trôi?
Vậy tại sao nắp cống bê tông khá nặng mà chỉ mới có mưa lớn đã bị cuốn và đơn vị duy tu, bảo dưỡng tuyến đường có phát hiện để sửa chữa?
Ông Ba giải thích là do có nhiều rác đã phần nào làm nghẹt cống thoát nước của đường 22/12, làm nước thoát không kịp gây ngập đường và tạo dòng chảy xiết.
Ông Ba nói hằng năm cơ quan chức năng đều có kế hoạch nạo vét bùn đất dưới cống để khơi thông dòng chảy. Về sự cố nắp cống bị cuốn khỏi miệng cống, ông Ba cho rằng đây là lần đầu tiên sự việc này xảy ra. Để khắc phục, UBND thị xã sẽ cải tạo hệ thống cống hai bên và gia cố lại các hố ga yếu trên đường 22/12.
Về việc có bồi thường cho gia đình bé La Văn Tỷ, đại diện UBND thị xã Thuận An cho biết việc trước mắt là tìm thấy thi thể bé, sau đó thị xã sẽ có biện pháp hỗ trợ để bố mẹ của bé có điều kiện ổn định cuộc sống.
Trái với khẳng định của UBND tỉnh Bình Dương và thị xã Thuận An cho rằng tình trạng ngập của đường 22/12 đã được giải quyết từ vài năm trước, người dân địa phương cho biết tuyến đường này thường xuyên xảy ra ngập, người dân qua lại rất khó khăn.
Một ngày sau khi bé Tỷ bị nạn, khi lực lượng chức năng đang mò mẫm dưới cống để tìm kiếm thi thể bé thì một cơn mưa cũng đã khiến tuyến đường này ngập nặng. Nước ngập ngang nửa bánh xe máy và chảy xiết khiến lực lượng cứu hộ phải tạm ngưng tìm kiếm.
Tại sao tuyến đường 22/12 đã có cống thoát nước mà vẫn bị ngập, và đây cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến bé Tỷ gặp nạn?
Theo tìm hiểu của PV, mặc dù hệ thống cống của đường 22/12 đã được hoàn thành từ nhiều năm trước nhưng trục thoát nước đấu nối vào tuyến đường này để đưa nước ra sông Sài Gòn vẫn chưa làm xong.
Ông Lê Cảnh Dần - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Dương, kiêm trưởng ban quản lý dự án - cho biết hệ thống đấu nối để dẫn nước này là một phần của dự án trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn do Sở làm chủ đầu tư, tới nay mới xây dựng được một số đoạn, triển khai từ năm 2012 nhưng dự kiến phải tới năm 2016 mới có thể hoàn thành.
Vì vậy hiện tại, nước từ đường 22/12 muốn ra sông Sài Gòn phải “đi ké” qua hệ thống cống của Khu công nghiệp VSIP1, do đó lưu lượng nước thoát của đường 22/12 ra sông phụ thuộc vào sự điều tiết của khu công nghiệp.
Theo TTO