Đó là khẳng định của Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), Kirill Dmitriev trong bài phỏng vấn Tấn Hoa xã hôm cuối tuần.
Theo ông Dmitriev, những lợi thế của Trung Quốc trong các lĩnh vực như chế tạo, công nghệ, cơ sở hạ tầng có thể được khai thác và sử dụng theo thỏa thuận khung đối tác cùng có lợi.
Ông Dmitriev nhận định nhiều ngành công nghiệp của Nga có thể khai thác những thế mạnh của thị trường Trung Quốc trong các lĩnh vực như chế biến nguyên vật liệu chất lượng cao hay ngành nông nghiệp. Hiện nay, ngày càng có nhiều ngành công nghiệp của Nga mở cửa cho đầu tư Trung Quốc. RDIF dự kiến hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, dịch vụ hậu cần và năng lượng.
RDIF đã ký biên bản ghi nhớ với Quỹ Đầu tư Nga - Trung (RCIF) để cùng xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao tại cả hai nước.
Thủ tướng Trung Quốc và Thủ tướng Nga |
Trước đó, trong chuyến thăm 3 ngày tới Nga của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa qua, ông Lý và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev đã giành cho nhau những lời có cánh.
Thủ tướng Nga Medvedev đã khẳng định rằng Nga – Trung đang “ở trình độ rất cao của mối quan hệ được định tính là đối tác chiến lược”. Trong khi Trung Quốc gọi Nga là “đối tác có tiềm năng sâu sắc”.
Thủ tướng Nga Medvedev nói: “Muốn biết quan hệ Nga và Trung Quốc, chúng ta phải nhìn vào sự tăng trưởng. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4 của Nga, nhưng lại được phía Nga coi như là các nhà đầu tư quan trọng nhất.
Tôi nghĩ rằng trong tương lai mức độ đầu tư lẫn nhau với Trung Quốc có thể phát triển cao hơn vị trí hiện nay. Bởi Trung Quốc và Nga là hai nước láng giềng lớn nhất. Nga có lợi thế về mặt lãnh thổ lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc là nước có dân số lớn nhất thế giới. Hai nước lớn nhất, có nghĩa là nền kinh tế của chúng tôi rất mạnh có thể bổ sung cho nhau".
Sau cuộc họp với ông Medvedev, ông Lý Khắc Cường còn có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sở dĩ Thủ tướng Trung Quốc được Nga đón tiếp trọng thị hơn thương lệ là do chuyến thăm này diễn ra vào đúng thời điểm quan hệ Nga và phương Tây đang bị tổn hại nghiêm trọng xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Trong bối cảnh này, việc thắt chặt quan hệ với Trung Quốc sẽ giúp Nga giảm bớt ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với nền kinh tế nước này. Trung Quốc hiện là bạn hàng lớn nhất và là nhà đầu tư lớn thứ tư tại Nga. Thương mại hai chiều ước tính vượt mốc 90 tỷ USD vào cuối năm nay, cao hơn nhiều so với giá trị thương mại Nga - Mỹ. Trung Quốc và Nga đang phấn đấu làm "tròn số" lên mức 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020.
Nói đi thì phải nói lại, Trung Quốc cũng chẳng hề thiệt thòi gì trong mối quan hệ với Nga, thậm chí còn được vô số món hời. Đầu tiên là thỏa thuận mua bán khí đốt trị giá 400 tỷ USD trong thời hạn 30 năm giúp Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc về năng lượng vào các nhà cung cấp từ Trung Đông và châu Phi. Mới đây nhất là 38 thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm Nga của ông Lý Khắc Cường, trong đó có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ lên tới 25 tỷ USD.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể tận dụng được bối cảnh thị trường tiêu dùng của Nga đang thiếu nguồn cung, sau khi Chính phủ Nga trả đũa châu Âu bằng cách cấm nhập nông sản và hàng tiêu dùng từ các thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Rõ ràng cả Nga và Trung Quốc đã biết được cách dựa vào nhau sao cho mỗi bên có được lợi ích cao nhất.
Theo Đất Việt