Bộ trưởng Đinh La Thăng (Ảnh: ND) |
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có cuộc chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội (QH) sáng 21/10:
Về tính hiệu quả của sân bay Long Thành, nhiều người còn băn khoăn vì cho rằng nhiều sân bay hiện nay cũng chưa thực sự hiệu quả. Vậy theo Bộ trưởng, tính hiệu quả của "siêu" dự án tỷ đô này đến đâu?
Như thế nào là không hiệu quả? Nếu không hiệu quả thì không đầu tư sân bay nữa mà đầu tư bất động sản à? Đặc thù của nước mình là kết hợp sân bay dân dụng lẫn quốc phòng an ninh. Từ khi đất nước giải phóng tới nay, chúng ta chỉ đầu tư duy nhất một cảng hàng không mới là cảng Phú Quốc, còn lại toàn bộ là cảng hàng không đã có từ trước.
Có ý kiến cứ cho rằng mình đầu tư nhiều sân bay, đầu tư dàn trải thì không phải. Có những sân bay ví dụ như Điện Biên, nếu không hiệu quả thì không ai duy trì cả. Hay một số sân bay khác buộc phải duy trì vì nó không chỉ là hiệu quả kinh tế mà còn có cả vấn đề quốc phòng an ninh. Thậm chí như TP Hải Phòng trước đây có 3 sân bay Đồ Sơn, Kiến An, Cát Bi đều gắn với cả quốc phòng, an ninh…
Còn nói chuyện đầu tư sân bay có hiệu quả không, Tổng công ty hàng không vẫn hoạt động tốt, có lãi, tất nhiên cũng có vấn đề nọ kia cần phải chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả lên nhưng việc đầu tư như vậy là cần thiết. Một đất nước phát triển, một đất nước hội nhập thì không thể không có hàng không được.
Nhiều người nhận thấy tính cần thiết của dự án, nhưng vấn đề đặt ra là việc đầu tư một siêu dự án trong bối cảnh hiện nay có nên không?
Đúng là nhân dân, dư luận và nhiều ĐBQH cũng chia sẻ sân bay Long Thành là cần thiết, vì việc mở rộng Tân Sơn Nhất là không thể. Tuy nhiên đưa sân bay Long Thành vào thời điểm này rõ ràng không có lợi, vì Quốc hội đang bàn đến nợ công. Chính phủ đã có báo cáo rồi, nợ công hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng Chính phủ cũng báo cáo nợ công có xu hướng tăng nhanh.
Chính vì vậy mà phải tính toán trong bối cảnh kinh tế của đất nước với từng dự án cụ thể, sân bay Long Thành cũng như thế. Phải tính toán việc đầu tư sân bay Long Thành trong cái sự phát triển chung của đất nước, đảm bảo được các tiêu chí về yếu tố nợ công.
Chính vì vậy, đợt trình ra QH lần này không phải để phê duyệt dự án triển khai ngay mà mới chỉ là xin chủ trương. Từ chủ trương đến lập dự án tiền khả thi đến khi thực hiện là cả một quãng thời gian dài, không thể nhanh được.
Nếu dự án được phê duyệt thì như câu hỏi được ĐBQH đặt ra là tiền ở đâu?
Đúng là vấn đề mà QH và nhân dân quan tâm là tiền đâu? Trong báo cáo cũng đã nêu rồi. Báo cáo tiền khả thi chỉ là một số con số hết sức khái toán. Còn để đảm bảo chính xác hơn, đầy đủ hơn theo yêu cầu của QH cũng như yêu cầu của người dân, đây là đòi hỏi chính đáng nhưng rất tiếc có những cái không thể trả lời ngay được, giải đáp ngay được những vấn đề mà QH và nhân dân cần. Vì cái đó nằm trong giai đoạn báo cáo khả thi.
Muốn làm được cái đó phải có khảo sát, thiết kế, nhưng bây giờ QH chưa phê duyệt chủ trương thì chưa thể làm báo cáo khả thi được bởi vì cũng phải có tiền. Chứ cứ đi làm báo cáo khả thi mà QH không thông qua thì cũng thành chuyện.
Trong báo cáo khái toán có số tiền 7,8 tỷ đô chia làm hai giai đoạn, số tiền này chỉ được huy động bằng tiền ngân sách lo phần GPMB, hỗ trợ tái định cư, trụ sở các cơ quan hải quan, thuế, an ninh… Số còn lại sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư – DN bỏ tiền vào đầu tư cũng như DN sẽ vay lại vốn ODA của Chính phủ, trên cơ sở Chính phủ vay ODA và cho DN vay lại. DN sẽ có trách nhiệm đầu tư và có trách nhiệm trả nợ sau này.
Sân bay Tân Sơn Nhất cũng là Chính phủ vay ODA và cho DN vay lại, sân bay Nội Bài cũng thế, và thực tế nhiều năm qua Tổng Công ty Cảng hàng không vẫn đảm bảo việc trả nợ tốt và hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn có lãi.
Vốn cho sân bay Long Thành đúng là lớn thật nhưng cái phần nhà nước chỉ lo một số phần cơ bản như tôi vừa đề cập thôi. Tuy nhiên 24 nghìn tỷ cũng là một con số quá lớn so với bây giờ. Mà vốn cũng chỉ là một vấn đề khó khăn thôi, còn nhiều vấn đề lắm. Ví dụ ngay chuyện GPMB, phần lớn 100% người dân đã đồng ý ký hết, tỉnh Đồng Nai họ làm rất tốt khi đi thỏa thuận tới từng người dân. Nhưng thực tế khi bắt đầu triển khai, khi QH quyết định đầu tư rồi thì giá đất lại khác.
Vậy mình có nghĩ đến chuyện trượt giá không, thưa Bộ trưởng?
Mình cứ nói đến các công trình lớn hay trượt giá nhưng trên thực tế nhiều công trình như Tân Sơn Nhất, Nội Bài không trượt giá, các dự án của cảng hàng không làm không trượt giá, từ trước tới nay làm chưa có dự án nào trượt giá cả. Nhiều dự án lớn khác ví dụ như Quốc lộ 1A đang triển khai thi công, sang năm hoàn thành cũng không trượt giá và còn có dư…
Đối với sân bay Long Thành thì không thể trượt giá được. Vấn đề là trình tự thủ tục dự án phải nhanh gọn, mà muốn nhanh gọn thì không thể ép QH quyết nhanh để làm được. Vấn đề là chất lượng công trình, có tốt hay không thì mới duyệt được chứ.
Nhiều người nói nên để sau 2020 mới nên đặt vấn đề sân bay Long Thành, ông nghĩ sao?
Dự án này từ 2025 mới cần. Nhưng để đến lúc đó có thì bây giờ phải chuẩn bị chứ không phải làm một cái là xong ngay được.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Infonet