Bánh mì - sân bay và tư duy số 1

Thứ tư, 22/10/2014, 12:46
Khi chiếc bánh mì được xếp vào top 5 bánh mì ấn tượng nhất thế giới về đồ ăn kẹp bởi một tạp chí… không ai biết, người Việt hoan hỉ, ngây ngất hãnh diện.

Khi hai sân bay lớn nhất nước, cửa ngõ nối với năm châu bị xếp hạng tệ nhất châu Á, người Việt tỏ ra bức xúc, hằn học quay sang phê phán cuộc bình chọn thiếu căn cứ và chê luôn cái tạp chí… không ai biết.

Điều này phản ánh một tư duy thịnh hành: Tư duy số một!

Hãy bắt đầu từu chiếc bánh mì. Xin nhắc lại là nó nằm trong top 5 bánh mì “ấn tượng”. Tức không chỉ có Việt Nam mới có bánh mì kẹp thịt. Thế còn ấn tượng? Thế nào là ấn tượng? Là ngon, là sạch, là bổ dưỡng….? Không ai biết. Mặc! Vị trí xếp hạng như thế mang lại lợi ích gì? Không quan tâm.

Với người Việt, cứ thứ gì có xếp hạng, thứ ấy tất có giá trị. Nên những cuộc thi thố xếp hạng có ở khắp nơi. Cứ có giải thưởng hãnh diện. Mặc dù lắm lúc những giải thưởng ấy chẳng biết để làm gì. Liệu chăng, sau khi vào top, bánh mì Việt Nam có khả năng “đột nhập” thế giới, làm nên một trào lưu món ăn nhanh, văn hóa fast food như các loại bánh phương Tây đang tràn ngập nội địa? Câu trả lời: Không! Nhưng mặc. Cứ nằm trong top là tự hào đã.

Cũng như chúng ta đã có cuộc vận động rầm rộ cho Vịnh Hạ Long vào top 7 kỳ quan mới của thế giới. Mất nhiều năm trời và tiêu tốn không ít vật lực. Cái Vịnh Hạ Long mang lại cho ngành du lịch đã xứng với khoản chúng ta đầu tư để chạy đua hay chưa? Rồi một loạt công trình đầu tư tiền của để được công nhận “di sản thế giới”. Cả một hệ thống nhiều cấp ngành chạy đôn chạy đáo, đệ trình, thuyết phục…để được công nhận. Công nhận xong coi như được thỏa mãn, coi như đạt được thành tích rực rỡ. Trong khi những lợi ích mang lại chưa có sự đánh giá chu toàn hoặc chung chung cũng chỉ nằm ở… thì tương lai. Ngay như Hoàng thành Thăng Long, ngay sau khi được công nhận, lập tức bị bỏ bê, xuống cấp. Thậm chí còn bị UNESCO “dọa” thu hồi danh hiệu di sản mới khẩn cấp tính kế bảo tồn.

Đó là một loạt ví dụ về lối nghĩ “ăn xổi ở thì”. Là “lên đỉnh” bằng mọi cách mà không biết để làm gì. Tư duy số 1, đi từ “nhu cầu” của thiểu số thành trào lưu sống. Và sẽ đặc biệt nguy hiểm khi thành tâm thế của một cộng đồng, một dân tộc. Khi quá quen với sự xưng tụng (dù là vô bổ) tất nhiên sẽ nảy sinh tâm lý mẫn cảm với sự phê bình. Sự trì trệ, kém cỏi cũng khai sinh từ đó.

Ví như khi sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị tạp chí The Guide to Sleeping in Airports xếp hạng dở nhất Châu Á. Thay vì tìm hiểu xem vì sao có kết quả như thế. Người Việt lại quay sang ngờ vực, thậm chí cảm thấy bị xúc phạm. Cái cần thiết không nên bàn đến sự danh giá của tạp chí ấy. Cái chính là phải xem họ đánh giá đúng hay chưa. Chỉ cần quan sát cũng có thể thấy sự nghèo nàn của hai cảng hàng không quốc tế lớn nhất nước. Các dịch vụ tại các sân bay đang ở mức… tối thiểu. Thiếu quá nhiều dịch vụ mà các sân bay khác có như về mua sắm, ẩm thực, giới thiệu văn hoá và du lịch địa phương, nghỉ ngơi, giải trí... Thậm chí ở Tân Sơn Nhất, bất cập tới mức người đi bộ phải băng ngang đường ô tô chạy.

Sân bay Nội Bài được đánh giá là một trong những sân bay tệ nhất Châu Á.

Sân bay không thể không dở khi mà giá một gói mì cao hơn hàng chục lần giá trị của nó. Khi người đầu ngành làm một “cuộc cách mạng” kìm giá mì gói, người ta bỏ bán mì gói, mà bán phở và hủ tiếu, những thứ không bị khống chế giá. Một sân bay mà dịch vụ ăn uống còn có hơi hướng độc quyền, làm giá thì làm sao có thể xếp hạng tốt được? Hay như chuyện “hộp ngủ” ở sân bay Nội Bài cũng là một hình thức dịch vụ. Cái thu lại chỉ là “tiền lẻ” theo giờ trong khi chúng ta mất đi sự hài lòng (nếu làm miễn phí) sẽ kéo du khách đến và lưu lại lâu hơn, chi tiền nhiều hơn.

Cần nói rằng. Không chỉ khách quốc tế, ngay chính người Việt cũng đang “ngán ngẩm” với chất lượng sân bay từ hạ tầng đến dịch vụ. Dù đứng trong top 10 sân bay dở nhất Châu Á nhưng theo nhiều chuyên gia, thậm chí là người dân thường sử dụng dịch vụ hàng không quốc tế, khoảng cách giữa sân bay của chúng ta với những sân bay “dở” còn lại cũng còn rất xa. Điều đó cho thấy thực tế chúng ta đang rất lạc hậu. Cho nên, thay vì tranh cãi, quan chức Cục hàng không hoặc cao hơn nên “nghiệm” lại cải thiện chất lượng tốt hơn. Trước hết là “vượt lên chính mình”.

Xa hơn, đã đến lúc chúng ta học cách trang bị lại tinh thần cầu thị để biết nhận diện chính mình thay vì chạy theo những danh hiệu ngắn hạn, thậm chí là danh hiệu ảo không hề có ích lợi cho sự phát triển lâu dài.

Nếu không cải thiện sân bay, bộ mặt và cửa ngõ đất nước. Sẽ có bao nhiêu người tìm đến Việt Nam vì ổ bánh mì xếp hạng “ấn tượng” mà chúng ta đang tự hào?

Theo Công lý

Các tin cũ hơn