Một trong những tục lệ ngàn đời nay vẫn được người Mông ở Hà Giang lưu giữ đó là phong tục ma chay. Có lẽ, bắt nguồn từ suy nghĩ “trần sao, âm vậy”, người Mông quan niệm rằng, khi một người mất đi, nếu tổ chức đám ma linh đình, giết nhiều con bò, thì người chết sẽ có nhiều của cải, giàu có, sống cuộc sống mới sung túc hơn ở thế giới bên kia. Bởi thế, người Mông vốn đã nghèo, lại càng khó thoát ra được cái nghèo vì tập tục đã hằn sâu trong suy nghĩ, trong tiềm thức của bà con lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Kỳ lạ đám tang người Mông
Câu chuyện về đám ma của người dân tộc Mông bắt nguồn từ một lần tôi gặp anh Nguyễn Văn Vàng, Chủ tịch xã Xín Cái, trước là Phó chủ tịch xã Pải Lủng ở Mèo Vạc, Hà Giang. Anh kể vui rằng, ở Mèo Vạc cứ gặp người Mông là phải uống rượu. Giống như người Kinh gặp nhau, chào nhau phải có miếng trầu, chén nước chè, người Mông ở đây phải uống với nhau chén rượu mới được coi là bạn tốt.
Là người dân tộc Tày lên vùng cao công tác nhiều năm, anh Vàng đã có thời gian gắn bó với đời sống người dân ở đây và hiểu rõ tập tục, thói quen sinh hoạt của họ. Có lần trên đường đi làm, anh được mấy người đàn ông mời uống rượu ở ngay… cạnh đường, tất cả họ đều trong tình trạng say xỉn. Hỏi ra mới biết là người nhà của một gia đình vừa có người mất, sau khi chôn cất người thân, trên đường về họ phải uống cho bằng hết can rượu mang đi, không uống hết phải đổ ra đường chứ không được mang về nhà.
Anh Vàng bảo, người Mông ở đây hay lắm, họ có bao nhiêu bò phải giết bằng hết, bao nhiêu rượu phải uống bằng hết, nếu mang về là người sống sẽ gặp xui xẻo, con ma nó sẽ đi theo.
Tò mò tìm hiểu phong tục lạ lùng này, tôi tìm đến gặp nhiều người già ở huyện để hỏi chuyện. Theo các cụ kể lại, đám ma của người Mông ở Hà Giang là một phong tục đặc biệt, phải trải qua rất nhiều thủ tục bắt buộc mới có thể đưa người chết về nơi chín suối một cách trọn vẹn.
Cựu chiến binh Lý Sìa Sính (Trưởng xóm Khai Hoang 2, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), sinh ra và gắn bó với mảnh đất này đã mấy chục năm. Ông bảo, khi nhà có người chết, gia đình thông báo bằng cách bắn 3 phát súng kíp lên trời hoặc thổi tù và.
Sau chiến tranh biên giới, tục bắn súng đã bị bỏ. Con cháu trong nhà đi mời gọi anh em, chú bác, mời thầy cúng, thầy kèn, trống. Tang chủ cùng anh em cử một người trong họ làm chủ quản, điều hành mọi việc trong những ngày có tang.
Ông Lý Sìa Sính (Trưởng xóm Khai Hoang 2) là người am hiểu và nắm rõ tục lệ truyền thống của người Mông.
Trong khi thầy cúng, thầy kèn chưa tới trong nhà không ai được khóc. Người nhà đun một nồi nước nóng, cắt mảnh vải lanh mới làm khăn rửa mặt và tắm cho người chết, sau đó thay quần áo cổ truyền của dân tộc Mông được may bằng vải lanh, vải tà pủ. Đầu người chết cuốn khăn tròn, không được dùng khăn vuông. Dù là đàn ông hay đàn bà đều được thắt ba tấm lưng: Xanh, đỏ, vàng, đàn ông đi tất, đàn bà quấn thêm xà cạp. Khi thầy cúng đến đọc bài chỉ đường cho người đã khuất, lúc này trong nhà người thân mới được khóc.
Người quá cố được đặt nằm trên một tấm ván giữa nhà, đầu hướng lên bàn thờ, chân hướng ra cửa chính. Phía trên đầu được đặt một thùng gỗ để đựng cơm, con cháu trong nhà bón cơm bằng thìa gỗ vào mỗi bữa ăn trong ngày. Áo quan cho người chết được chọn loại gỗ tốt, không mối mọt vì người Mông không có tục lệ bốc mả như các dân tộc khác.
Nhiều người lần đầu tiên được đến một đám ma của người Mông đều không khỏi bất ngờ, bởi đi đám ma mà ngỡ như đi hội. Đám ma của người Mông không đau buồn, họ chỉ khóc thương người quá cố trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ vui vẻ đón khách đến đưa tiễn người thân. Khách đến đám ma cũng ăn mặc rất đẹp, váy áo sặc sỡ như đi lễ hội. Thậm chí họ còn có thể nhảy múa theo khi thầy trống, thầy khèn múa, bởi họ quan niệm “sống gửi, thác về”, múa hát vui vẻ để đưa tiễn người chết về với thế giới của họ.
Mổ nhiều bò mới có nhiều của cải cho… người chết
Trước khi chôn cất, người chết được đưa ra khỏi nhà từ sáng sớm tinh mơ. Hai người đàn ông được chọn đi ra sau nhà bẻ ba cành đào mang vào nhà, đập lên phên vách ba lần, bảy lần hoặc chín lần để đuổi ma người chết ra khỏi nhà, không được về nhà quấy nhiễu người thân. Sau khi chôn cất được 13 ngày, một hoặc hai tháng nhà nào có điều kiện thì làm ma khô. Những nhà chưa có điều kiện làm ngay có thể để sau 6 tháng, hoặc 2 - 3 năm.
Đến đúng ngày di quan, người chết được đưa ra ngoài làm thủ tục phơi xác, người chết được đặt theo hướng quay chân về phía hướng ngôi mộ của người mất gần nhất trong gia đình. Cũng trong ngày này, toàn bộ số bò được dắt đến sẽ mang ra giết mổ, lấy tim gan luộc lên dâng cho người mất "ăn" trước, cả nhà ăn thịt bò hoặc chia cho mọi người mang về, sau khi hết sạch thịt bò mới đưa người chết đi chôn.
Tục dắt bò, mổ bò trước khi đưa người chết đi chôn của người Mông.
Sau khi mổ bò, đầu và đuôi thường được để lại để làm sau.
Với tục dắt bò này, như ông Sính kể, thường trong nhà có con gái đã lấy chồng thì con rể có trách nhiệm phải dắt một con bò khi trong nhà vợ có người mất. Tất cả bò chỉ mổ trong một ngày, ăn chia hết trong một bữa trước khi chôn.
Lý giải về tục lệ đặc biệt này, ông Sính bảo rằng, lễ phơi xác và mổ bò mang ý nghĩa tượng trưng cho hình ảnh người Mông đi chợ, mỗi khi đến phiên chợ sẽ ra đường, khi về mang theo thịt bò, thịt lợn, thịt dê… Đó là thói quen, là công việc gắn bó với mỗi người từ khi sinh ra đến lúc mất đi, người Mông muốn đến khi chết cũng ra đi nhẹ nhàng như thói quen khi họ còn sống.
Sau khi nghe ông Sính kể về phong tục làm đám ma của người Mông, tôi hỏi ông, trong những đám ông từng đi dự, đám mổ nhiều nhất là bao nhiêu con bò? Chẳng ngại ngần gì ông kể ngay đám ma người ông cậu của mình, cụ Già Séo Chớ, sống ở xã Pả Vi. Cụ mất năm 2012 do tai nạn, khi đó đã gần 70 tuổi.
Đám ma cụ kéo dài một tuần trời, mổ 18 con bò, chưa kể số con dê, chó, lợn. Mỗi con bò giá tầm 15-20 triệu đồng, con to có thể lên đến 30 triệu đồng, là khối tài sản không nhỏ, nhất là với những nhà làm nông thì còn có giá trị lớn nhất trong nhà.
Tôi hỏi ông lấy đâu ra nhiều bò thế, ông Sính kể: “Cụ Chớ lấy hai vợ, có tất cả 12 người con, cả trai cả gái. Ngày cụ mất mỗi đứa con dắt một con bò về, rồi họ hàng cậu mợ nữa là được 18 con. Một tuần làm đám ma chỉ mổ lợn, mổ dê, đến ngày cuối cùng trước khi đưa cụ đi mới mang hết 18 con bò ra mổ, ăn một bữa rồi còn đâu chia hết cho mọi người”.
“Hầu như nhà ai có người chết cũng mổ bò, trừ những nhà quá nghèo thì mổ lợn hoặc dê. Nhà ít thì 3, 4 con, nhà có điều kiện thì chục con bò là chuyện bình thường. Như bà Thò Thị Và ngay gần nhà tôi đây, vừa mới mất xong, đám ma bà ấy để 4 ngày là đưa đi chôn rồi, mổ 4 con bò thôi”, ông Sính tiếp tục câu chuyện về phong tục của người dân tộc mình.
Rời nhà ông Sính về, tôi gặp được anh Vừ Mí Mua, Xã đội trưởng xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc. Anh Mua còn trẻ nhưng đã được người già truyền lại cho nhiều kinh nghiệm tổ chức đám ma, đám hỏi theo phong tục địa phương.
Nói đến tục dắt bò làm ma, anh Mua bảo không chỉ riêng xã Xín Cái mà ở bất cứ nơi nào trên địa bàn huyện có người Mông sinh sống cũng đều tổ chức đám ma như vậy.
Những đám anh từng đến như nhà ông Và Chứ Sử ở xóm Sủa, ông Sử có 3 cô con gái và 2 con trai. Ngày ông mất, 3 anh con rể dắt đến 3 con bò, thêm một con của gia đình nữa là 4 con, chưa kể số dê, lợn. Cả nhà ông có 4 con bò là tài sản lớn nhất, sau đám ma chỉ còn 3 con. Đám ma ông Sử kéo dài 5 ngày mới xong.
Không chỉ có ở các xã nghèo xa xôi, ngay trên địa bàn huyện Mèo Vạc cũng có nhiều hộ gia đình tổ chức đám ma như vậy. Đó là đám ma nhà anh Giàng Mí Lử, một gia đình thuộc hộ nghèo, vợ anh là lao động chính trong nhà.
Hàng xóm xung quanh cho biết anh Lử mất khi mới 40 tuổi, mổ 7 con lợn, 2 con bò, làm đám ma 5 ngày mới chôn. Trước đó lúc bố đẻ anh Lử mất cũng mổ hơn chục con lợn, 7 con bò, chưa kể dê.
Xã Pả Vi có 579 hộ, trong đó hơn nửa là số hộ thuộc diện nghèo, nhưng hầu như đám ma nhà nào cũng mổ ít nhất 3 đến 4 con bò theo phong tục truyền thống.
Con dâu ông Giàng Seo Chớ (xã Pả Vi) kể chuyện đám ma của bố chồng.
Căn nhà tuềnh toàng, tối tăm này là nơi tổ chức đám ma ông Chớ.
Theo Công lý