ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Tôi rất sợ hai từ "không biết" |
Đại biểu Quốc hội nêu sáng 25/10, khi Quốc hội thảo luận về Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao công tác thi hành án, công tác phòng chống tham nhũng.
Đại biểu Trần Thị Dung (tỉnh Điện Biên) đề cập đến những hạn chế về công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú… Số người chấp hành tại xã phường vẫn còn vi phạm pháp luật hình sự và đã phải xử lý 316 trường hợp.
Theo ĐB Trần Thị Dung, UBND cấp xã ở nhiều địa phương chưa phân công người theo dõi, giáo dục người chấp hành án treo. Trong đó, có trường hợp người bị tòa kết án và cấm đảm nhiệm chức vụ nhưng vẫn được chính quyền bố trí chức vụ gây bất bình trong dư luận.
Bà dẫn chứng trường hợp hai ông Phạm Đăng Hoan và ông Lê Thanh Liêm nguyên Bí thư và Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng) bị tòa tuyên án vào tháng 8/2013, và cấm đảm nhiệm chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong thời gian một năm.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2014, UBND huyện Tiên Lãng đã đồng ý với đề xuất của xã Vinh Quang, ký hợp đồng lao động với ông Hoan và ông Liêm. Một ông được bố trí làm kế toán, một ông làm cán bộ địa chính, nông nghiệp, môi trường xã Vinh Quang sau đó.
Theo đại biểu, bên cạnh nhiều chục ngàn người học đại học, trên đại học chưa có việc làm thì chính quyền một số xã lại hợp đồng với những người đang trong thời gian thi hành án vào làm việc hoặc chuyển từ xã này sang xã khác mà vẫn giữ vị trí công tác đó.
ĐB Dung dẫn chứng tiếp, tháng 8/2014, xã Chàng Sơn huyện Thạch Thất, Hà Nội đã bố trí cho hai người mới thi hành án treo được 8 tháng vào làm việc. Đó là các ông Phí Đình Hưng nguyên Chủ tịch UBND xã vào làm kế toán trong khi ông này còn phải chấp hành 28 tháng nữa, ông Nguyễn Văn Thiết – nguyên cán bộ địa chính vào làm cán bộ văn phòng UBND xã khi còn phải chấp hành 16 tháng tù treo nữa.
Hay trường hợp ông Nguyễn Văn Chính, cán bộ địa chính xã Thọ Châu (Thọ Xuân, Thanh Hóa) với tội cố ý gây thương tích, từ tháng 5/2012, tòa án nhân dân huyện đã tuyên 30 tháng tù và cho hưởng án treo. Nhưng sau khi xét xử, huyện đã chuyển ông này sang xã khác và vẫn tiếp tục làm cán bộ địa chính.
“Theo tôi còn nhiều trường hợp khác nữa. Những người gần dân nhất nhưng lại chưa được người dân đặt niềm tin, gây nhiều bức xúc, giảm niềm tin của nhân dân. Những vấn đề này tới đây phải hết sức quan tâm” – ĐB Trần Thị Dung đề nghị.
Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, song với những mặt hạn chế, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị cần đánh giá sát thực hơn nguyên nhân của các loại tội phạm bột phát mới nổi lên, như các loại tội phạm tàn bạo, giết người chặt xác… gây bức xúc trong dư luận, nhân dân.
Đại biểu đề nghị việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật phải đi đôi với triển khai pháp luật đến nơi đến chốn với nhiều hình thức, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Ngoài ra cũng cần đánh giá xác thực việc tiếp cận pháp luật, nhận thức, hiểu biết pháp luật trong nhân dân bao nhiêu phần trăm? Tránh tình trạng cứ tiếp tục tuyên truyền giáo dục pháp luật một cách chung chung…
Đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị phải xử lý nghiêm từng tổ chức, cá nhân có liên quan những vụ việc gây bức xúc dư luận thời gian qua như: phạm nhân dùng điện thoại trong trại giam, tự sát trong trại giam… bản chất vụ việc ở đây là gì? Có thông đồng hay là vô trách nhiệm trong quản lý?
“Chỉ cần đổ thừa không biết thì mọi việc đều bình an vô sự. Chính phủ cần đánh giá xem trên đất nước này có bao nhiêu vụ “không biết”, và khắc phục tình trạng không biết này ra sao? Thưa Quốc hội, tôi rất sợ hai từ “không biết” này” – bà Khá nói.
Theo Infonet