Mới đây, VTC News đăng loạt bài theo chân lương y Phạm Văn Thanh (Nhà thuốc gia truyền Hoàng Liên Sơn), đi tìm những thảo dược quý trên dãy Tây Côn Lĩnh (Hoàng Su Phì, Hà Giang). Loạt bài viết nói đến nhiều loại thảo dược, đáng chú ý là sự phát hiện quần thể nấm mà lương y Thanh tạm gọi là ngọc cẩu và cỏ nhung, tức cỏ kim tuyến, loài cỏ phát sáng trong đêm.
Loạt bài báo có sức lan tỏa, khiến cộng đồng mạng quan tâm, chia sẻ rất nhiều. Hy vọng, những cây thuốc quý sẽ được nghiên cứu, khai thác, bảo tồn.
Người Việt chết trên đống thuốc
Người Trung Quốc nói đại ý, người Việt Nam chết trên đống thuốc. Điều này ai cũng phải công nhận nếu so với nền đông y của Trung Quốc.
Ông Trần Ngọc Lâm thực sự là một pho từ điển dược học. Ông có nhiều năm sống ở Trung Quốc và hiểu chân tơ kẽ tóc người Trung Quốc. Họ thâm sâu và thâm độc. Hàng ngàn năm qua, họ sang Việt Nam nhổ thuốc, họ mua thảo dược với giá rẻ mạt, rồi họ bán lại cho người Việt những thứ kém giá trị, hoặc rác thải thảo dược, nhưng chúng ta vẫn chẳng biết gì.
Cũng chính vì hiểu điều đó, nên dù biết nhiều cây thuốc quý ở Hoàng Liên Sơn, ông Lâm không chịu tiết lộ. Bao năm đi với ông, ông chỉ trỏ nhiều cây thuốc quý, nhưng ông đều dặn không được viết lên báo. Không phải vì ông giữ cho riêng mình, mà ông sợ người Trung Quốc biết, họ thuê người sang nhổ sạch.
Lương y Phạm Văn Thanh và ông Trần Ngọc Lâm trong một chuyến đi rừng tìm thuốc |
Người Trung Quốc đã từng sang Lào Cai, mang theo tiết trúc nhân sâm và bảo người Mông rằng, đây là củ khoai lang núi, cần mua để chống đói cho dân. Thế là, đồng bào lên núi đào cho họ, bán với giá vài chục ngàn đồng/kg.
Nhắc đến cỏ nhung, còn gọi là cỏ kim tuyến, cỏ kim cương, thì thực sự đau lòng. Khi Trung Quốc biết có cỏ nhung ở Hoàng Liên Sơn, đã sang thu mua với giá chỉ 50 ngàn đồng/kg. Khi giá cỏ nhung tăng lên 5 triệu đồng/kg, thì dãy Hoàng Liên Sơn đã sạch bóng loài cỏ này.
Ấy thế nhưng, các nhà dược học Việt Nam đến bây giờ vẫn bảo cỏ nhung có giá trị như lá lốt.
Rồi một tờ báo của ngành nọ, mấy lần hùa theo những ông thầy thuốc, những “nhà nghiên cứu phòng lạnh”, khẳng định rằng, cỏ nhung không có tác dụng gì, chỉ là thủ thuật của con buôn, thổi phồng lên để bán, để lừa đảo người cả tin, nhẹ dạ, kiếm tiền trên xương máu của người bệnh. Lại còn lôi một ông kỹ sư hóa học ra phán rằng: qua phân tích, cỏ nhung có độc tố… gây ung thư.
Họ cứ phát ngôn thế, còn người Tàu cứ thu mua, tận diệt. Chẳng lẽ, họ bỏ cả núi tiền mua thứ cỏ ấy về làm phân bón? Ông Lâm cũng nhắc thêm rằng, người Tàu chỉ mua cỏ nhung hoang dã ở núi cao trên 2.000m.
Cỏ nhung được lương y Thanh tìm thấy ở Tây Côn Lĩnh. |
Có một điều lạ, là hễ cứ thấy người Tàu bỏ đống tiền ra mua cái gì, là nghĩ ngay họ lừa đảo. Một đoàn các nhà khoa học sang Trung Quốc, nhưng khi về nước, vẫn chẳng biết họ thu mua gỗ sưa làm gì. Kỳ nam ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan đã lên đến giá 3 triệu USD/kg, nhưng các nhà khoa học Việt vẫn không biết tác dụng của nó. Đành phải kết luận họ… lừa đảo.
Đến tận lúc này, có lẽ người duy nhất phát ngôn về cỏ nhung, biết sử dụng nó làm thuốc, là ông Trần Ngọc Lâm. Ngay cả một vị cán bộ ngành dược, trồng cỏ nhung ở một địa điểm bí mật ở Sapa, hiện bán sang Trung Quốc với giá 3,5 triệu đồng (chỉ là cỏ nhung trồng), thu bạc tỷ mỗi năm, có lẽ cũng chưa biết cỏ nhung để làm gì.
Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn, hiện đang trồng rất nhiều thạch hộc tía, là một loại lan (cỏ nhung còn được gọi là lan đất), cũng đã thu hái bán với giá 3 triệu đồng/kg tươi. Các nhà dược học, các ông lang máy lạnh phố thị, chắc cũng không biết thạch hộc tía có giá trị gì. Chỉ người Trung Quốc là biết.
Ông Nguyễn Công Tạn đang trồng thạch hộc tía, bán với giá 3 triệu đồng/kg tươi |
Tâm địa người Tàu
Ngay cả giảo cổ lam, mà chúng ta đang uống thay trà hàng ngày, các nhà dược học Việt Nam cũng chưa hiểu biết hết về nó. Một vị GS.TS hàng đầu dược học nước nhà đã có nhiều đề tài nghiên cứu về giảo cổ lam, đã ca ngợi nó như thần dược, chống được cả ung thư, điều trị được vô số bệnh, liệt kê cả trang giấy không hết.
Tất nhiên, nhiều thông tin được dịch từ Trung Quốc, Nhật Bản. Lại còn nói nó được bán với giá nhiều triệu đồng/kg ở Trung Quốc, Nhật.
Thế nhưng, có một sự thực, là đố ai bán được giảo cổ lam cho người Trung Quốc. Thậm chí, Trung Quốc còn bán sang Việt Nam với giá 20 ngàn đồng/kg khô. Giảo cổ lam Tàu ở chợ Ninh Hiệp bán cả chục tấn với giá 30 ngàn đồng/kg, rẻ như phân xanh.
Chuyện này, chỉ có ông Trần Ngọc Lâm là biết rõ. Người Trung Quốc và Tây Tạng phân biệt giảo cổ lam thành 27 loại khác nhau, trong đó, chỉ có một loại có giá trị dược liệu cao, làm thuốc được. Những loại khác, uống cho vui.
Lương y Thanh thường xuyên phải vào rừng lấy thuốc |
Ông Lâm chỉ thu hái giảo cổ lam tự nhiên, mọc ở độ cao trên 2.000m, trên đá granit. Điều bí mật nữa, là ông chỉ hái đúng giờ nhất định (theo ông giờ đó dược tính cao nhất). Thu hái cả cây về, nhưng ông lại chỉ dùng mỗi thân, bỏ lá.
Ông Trần Ngọc Lâm không muốn giữ cây thuốc cho bản thân mình, nhưng ông rất buồn, vì không biết chuyển giao những cây thuốc quý cho ai. Ông chỉ mấy loại cây quý cho các nhà khoa học, nhưng chẳng ai nghiên cứu đến đầu đến đũa, mà chỉ rêu rao cho người Trung Quốc biết, và họ sang mua sạch.
Ông chỉ cho vị giáo sư nọ cây giảo cổ lam, thì vị giáo sư đó về Hòa Bình nhổ giảo cổ lam 3 lá, ít giá trị, bán cho người bệnh, một thứ Trung Quốc coi là phân xanh.
Mấy năm nay, rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học tìm gặp ông Trần Ngọc Lâm, nhưng ông không hợp tác nữa, vì ông mất niềm tin.
Củ thuốc quý trên Tây Côn Lĩnh |
Những ngày đi rừng với ông Trần Ngọc Lâm, ông chỉ cho tôi vô số loại thảo dược, mà người Tàu “chỉ đểu” cho các nhà khoa học Việt. Phải nói thẳng rằng, phần lớn các loại thảo dược, được viết trong sách dược nước nhà, copy, dịch lại từ sách Trung Quốc. Ông Lâm có cả ngàn ví dụ.
Chẳng hạn, người Trung Quốc “hé lộ” cách dùng hà thủ ô từ xa xưa, là phải ngâm vào nước gạo. Các sách dược nước nhà chép lại cách chế biến đó. Thế nhưng, ông Lâm sang Trung Quốc, không thấy ông thầy lang nào ngâm hà thủ ô vào nước gạo cả. Họ hấp, rồi lăn, lại hấp, lại lăn… cứ lặp đi lặp lại công đoạn đó càng nhiều càng tốt. Người Tây Tạng bảo, ngâm hà thủ ô vào nước gạo mất hết dược tính, chỉ còn toàn tinh bột!
Người Tàu toàn chỉ cho chúng ta những thông tin sai lệch. Họ toàn chỉ những thảo dược cùng họ, hình dạng giống nhau, chứ dược tính chả có gì. Và rồi, họ chửi chúng ta: Chết trên đống thuốc quý. Người Tàu bảo vệ các bài thuốc bí truyền như bảo vệ tính mạng, họ thề độc trước bàn thờ gia tiên, dễ gì tiết lộ cho ta.
Thế nên, mới có chuyện, nhiều sinh viên ngành đông y ra trường, nhận lương y Thanh làm thầy, nhưng chẳng biết một loại cây thuốc nào ngoài thực tế. Họ chỉ xem hình trong sách, thuộc lời mô tả. Mà sách vở thì xa rời thực tế.
Công dụng tráng dương của ngọc cẩu
Nhắc đến chuyện nấm ngọc cẩu. Lương y Phạm Văn Thanh đã dùng loài nấm này từ nhiều năm qua, trong các bài thuốc bổ dương. Cha ông đã dùng, anh lại học thêm cách dùng của người Dao đỏ. Bà Lý Thị Mẩy, một bà lang nổi tiếng của người Dao ở Hoàng Liên Sơn đã dùng từ xa xưa. Nhiều thầy lang miền núi dùng nó như thứ thảo dược bí truyền.
Giảo cổ lam có 27 loại, có loại 3 lá, loại 9 lá, nhiều màu sắc, hình dáng khác nhau… Nấm cũng có ngàn loại khác nhau. Thứ nấm mà GS. Đỗ Tất Lợi nói đến, là nấm tỏa dương. Tên của nó cũng là tiếng Tàu và các thông tin về công dụng của nó người Tàu đã mô tả từ lâu. Tất nhiên, nấm tỏa dương cũng có trăm loại, đủ các hình dạng, màu sắc khác nhau.
Lương y Thanh và bà Lý Thị Mẩy, người Dao Đỏ. Bà Mẩy đã dùng nấm ngọc cẩu trị bệnh yếu sinh lý và hồi phục sức khỏe sau sinh cho phụ nữ. |
Thế nhưng, bà lang Mẩy, các lương y Dao Đỏ, lương y Phạm Văn Thanh chỉ dùng một loại mà thôi. Lương y Thanh thừa biết nó có tên chung là tỏa dương, nhưng loại có tác dụng đặc biệt, rất quý, thì chỉ có một dòng và anh chỉ thu hái loại đó làm thuốc trị bệnh.
Thứ nấm ấy, chỉ mọc ở một vài loại rễ cây và chỉ ở độ cao nhất định, mới có giá trị dược liệu cao. Tầm gửi, cũng ký sinh như nấm, nhưng không phải tầm gửi mọc trên cây gì cũng quý.
Thứ nấm mà lương y Thanh gọi là ngọc cẩu, thuộc dòng tỏa dương ấy, người Trung Quốc đã thu mua nhiều năm nay. Đồng bào dân tộc chăm chỉ vào rừng và đã nhổ sạch bán sang Trung Quốc.
Ấy thế nhưng, một số nhà nghiên cứu, ông lang và tờ báo ngành nọ kết luận thẳng thừng nó là cỏ dại, là nấm hoang, chẳng có giá trị gì. Chắc chắn, khi chúng tuyệt chủng trong rừng rồi, ta vẫn không biết nó để làm gì.
Nấm tỏa dương có nhiều dòng khác nhau, mà không phải ai cũng biết |
Khoan hãy nói đến việc bác bỏ ngay lập tức giá trị của nấm ngọc cẩu, mà chỉ cần bàn đến chuyện coi thường nấm tỏa dương của tờ báo nọ. Thông tin về nấm tỏa dương được GS. Đỗ Tất Lợi đưa ra ngắn gọn: “Nhân dân dùng vị tỏa dương làm thuốc bổ máu, kích thích ăn ngon miệng, còn dùng chữa nhức mỏi chân tay, đau bụng, hồi phục sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh nở. Dùng dưới dạng thuốc rượu...".
Nhưng sách “Biển thước tâm thư” được bác sĩ Phó Đức Thuần dẫn lại, kể ra vô số giá trị của nấm tỏa dương. Theo đó, đông y dùng tỏa dương để bổ thận tráng dương, ích tinh huyết, mạnh tình dục, bổ tỳ vị, nhuận tràng, thông tiểu. Chủ trị yếu sinh lý, liệt dương, lãnh cảm, đau lưng, mỏi gối, biếng ăn.
Sách còn viết: “Già lão thì khí suy nên chân tay không ấm, nguyên khí ở đan điền bị hư tổn, hoạt động ngày càng chậm chạp, khó khăn; dương khí toàn thân không có đầy đủ thì nơi xa nhất như đầu ngón chân tay mỏi, bị lạnh, tê nhức với cảm giác kiến bò trong xương (không phải phong thấp). Để bổ sung dương khí lúc này nên dùng tỏa dương.
Người bị dương khí hư do hoạt động tình dục quá mức đến nỗi dương vật không còn sức cương được nữa, phải dùng đến thuốc thì dùng tỏa dương. Trong đó, nguyên khí hư kết hợp nhân sâm, trung khí hư kết hợp bạch truật, vệ khí hư kết hợp hoàng kỳ...
Muốn ôn bổ thận dương nên tư bổ thận âm, nhằm quân bình âm dương. Ở trường hợp này tỏa dương và nhục thung dung có tác dụng giống nhau thì tỏa dương mạnh hơn nhưng lại gây ôn táo. Còn nhục thung dung tráng dương yếu hơn nhưng lại có tác dụng ích âm và sinh huyết. Có ý kiến có thể thay tỏa dương và nhục thung dung cho nhau nấu cháo ăn rất tốt. Khi tư âm mà do địa hoàng gây nê trệ có thể dùng tỏa dương là vị tư âm trợ dương.
Về phương diện bổ thận tráng dương, thì tỏa dương chữa liệt dương, xuất tinh sớm (tảo tiết), chưa kịp giao hợp tinh đã xuất. Ngoài ra tỏa dương được dùng để bổ máu, ăn ngon miệng, hồi phục sức khỏe, ốm dậy, sau sinh đẻ, chữa tê mỏi chân, tay, lưng, gối”.
GS. Đỗ Tất Lợi chỉ viết vài dòng ngắn gọn về nấm tỏa dương, và hướng dẫn dùng để ngâm rượu uống. Nhưng sách “Biển thước tâm thư” thì hướng dẫn dùng tỏa dương rất nhiều cách, gồm cả ngâm rượu, phối hợp với các bài thuốc khác, cùng vô số cách kết hợp với các món ăn, chủ yếu nhằm bổ dương, chữa liệt dương, nâng cao khả năng tình dục.
Một doanh nghiệp dược rất lớn ở Việt Nam đã nghiên cứu và phát hiện ra tác dụng tăng nội tiết tố nữ của tỏa dương, nên đã sản xuất bán ra thị trường rất rộng rãi, như một sản phẩm xuân dược. Họ không ghi tên thứ nấm ấy lên, để giữ độc quyền, bí mật.
Tên dãy núi hùng vĩ nhất Việt Nam mà còn viết sai (Tây Côn Lĩnh thành Tây Phong Lĩnh - một quả núi của Trung Quốc) |
Qua đây, lương y Thanh cũng lưu ý rằng, người dân không tự tiện vào rừng hái nấm tỏa dương về dùng, vì có thể hái phải nấm độc. Anh cũng mong các nhà khoa học nghiên cứu đến đầu đến đũa, để người Việt được dùng một loại nấm quý.
Lương y Thanh cũng cho biết, anh không muốn đôi co với những ông lang cả đời chưa bước chân lên núi, chưa vào rừng và tất nhiên, có thể chẳng biết mặt mũi loại thảo dược nào, chỉ ra chợ thuốc mua các vị (nhập từ Tàu về, có thể đã bị họ rút hết dược tính), rồi bốc cho người bệnh. Họ hiểu biết thực tế kém, nhưng lại phát ngôn bừa bãi.
Cũng thật đáng buồn, khi một người viết báo (không rõ có phải nhà báo không), có khi cả đời chẳng lên núi, vào rừng bao giờ, chỉ nghe mấy ông “lang máy lạnh” phát ngôn, rồi dẫn lại một cách giản đơn, có thể vùi dập một loài thảo dược quý, hắt nó sang bên Tàu, như cách đã từng ứng xử với rất nhiều loài thảo dược quý khác.
Dám nói người viết báo ấy, hẳn là chẳng bước chân lên núi bao giờ, bởi vì, cái dãy núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ như thế, “nóc nhà” của Đông Bắc Việt Nam, họ còn viết đi viết lại thành Tây Phong Lĩnh.
Tây Phong Lĩnh là dãy núi của Tàu, mà Bác Hồ đã nhắc đến trong bài thơ “Tân xuất ngục học đăng sơn” (Mới ra tù học leo núi).
Theo VTCnews