Hôm qua ngày 18/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố Washington không có ý định áp đặt lệnh cấm vận với với Nga và sẵn sàng dỡ bỏ nếu Moscow tuân theo hiệp ước Minsk,
Tổng thống Obama sẵn sàng dỡ bỏ lệnh cấm vận nếu Nga chấp thuận yêu sách của Mỹ và châu Âu. |
Bài phát biểu của Obama viết rằng: “Vào thời điểm hiện tại, Chính phủ không có ý định áp đặt thêm cấm vận dựa trên Dự luật Ủng hộ Ukraine Tự do, và dự luật này cho phép Chính phủ có những quyền hạn được áp dụng tùy theo diễn biến của tình hình”.
“Chúng tôi vẫn luôn chuẩn bị thu hồi lệnh cấm vận nếu Nga tiến hành những bước đi cần thiết”, Tổng thống nói thêm, và giải thích rằng những bước đi đó bao gồm “kết thúc chiếm đóng và sát nhập” bán đảo Crimea, ngừng hỗ trợ các lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine và tiến hành thỏa thuận Minsk.
Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng việc ký kết ban hành này không có nghĩa là có sự thay đổi trong chính sách cấm vận của chính phủ Mỹ.
“Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác ở châu Âu và trên thế giới để phản ứng đối với diễn biến ở Ukraine và sẽ tiếp tục xem xét và hiệu chỉnh lệnh cấm vận dựa trên hành động của Nga”, Obama tuyên bố.
Tổng thống còn nói chính phủ Mỹ cũng đang hướng đến giải pháp ngoại giao đối với tình hình xung đột còn tiếp diễn ở Ukraine, và kêu gọi Moscow tuân theo thỏa thuận Minsk.
Dự luật Ủng hộ Ukraine Tự do được thông qua tại cả hai viện của Quốc hội Mỹ vào tuần trước và được Tổng thống Obama ký vào ngày 18/12.
Dự luật này cho phép cung cấp vũ khí và viện trợ cho khối công nghiệp năng lượng và quốc phòng, cũng như hỗ trợ người dân cho chính phủ Ukraine và áp dụng vòng cấm vận kinh tế mới đối với Nga.
Mỹ, Liên minh Châu Âu và một số các nước khác đã áp dụng nhiều vòng cấm vận đối với Nga, nhắm vào ngân hàng, ngành công nghiệp năng lương và quốc phòng, do được cho là có liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Tuy vậy, Nga đã liên tục bác bỏ cáo buộc trên.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh thị trường truyền thông thế giới. Sputnik sẽ chính thức thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.
Theo Infonet