Hàng chục hộ dân ở làng Phú Diễn (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phải sống chung với mùi thuốc trừ sâu nồng nặc từ vựa hoa trồng trong khu dân cư. Chị Nguyễn Thị Huệ (phường Phú Diễn) cho biết cứ khoảng 2 ngày, chủ các vựa hoa lại phun thuốc trừ sâu 1 lần, mùi nồng nặc và phải mất cả ngày mới hết.
Trong nhà cũng phải đeo khẩu trang
Theo chị Huệ, khi vào vụ hoa, mật độ phun thuốc trừ sâu lại càng nhiều lên, số lượng phun cũng lớn để bảo đảm hoa đẹp nhất khi đem bán. Do đó, vào những tháng cao điểm, chị cảm thấy rất mệt mỏi, có lúc ở trong nhà cũng phải đeo khẩu trang! Một người dân khác cho biết so với những năm 2009-2010, lượng thuốc trừ sâu được chủ các vựa hoa sử dụng nhiều hơn rất nhiều do họ mở rộng thêm diện tích canh tác.
“Vì diện tích trồng hoa lớn nên không phun thuốc trừ sâu theo cách truyền thống mà dùng máy. Những ngày họ phun thuốc, không khí bị ô nhiễm trầm trọng. Tôi lo nhất là trẻ con đang tuổi ăn học lại bị ngửi mùi thuốc trừ sâu nồng nặc như vậy”, người dân này băn khoăn.
Phun thuốc để hoa tươi đẹp nhưng nếu sử dụng nhiều thì sẽ ảnh hưởng môi trường xung quanh. |
Ông Đặng Văn Lý, tổ trưởng tổ dân phố Phú Diễn, cho biết người dân có phản ánh tình trạng các chủ vựa hoa phun thuốc trừ sâu gây ảnh hưởng đến môi trường. Theo ông Lý, chủ vựa đều là người của làng hoa Tây Tựu (xã Tây Tựu) xuống thuê đất để mở rộng canh tác từ năm 2009.
“Chúng tôi đã cùng với Chi cục Bảo vệ thực vật quận tiến hành kiểm tra các hộ dân trồng hoa. Kết quả cho thấy họ đều sử dụng các loại thuốc được phép lưu hành. Tuy nhiên, họ đã phun với nồng độ cao, gây ra mùi nồng nặc ảnh hưởng đến dân cư sinh sống xung quanh”, ông Lý nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu đất của làng Phú Diễn nằm trong quy hoạch đất tái định cư từ khoảng năm 2007. Tuy nhiên đến nay, diện tích đất này vẫn chưa được sử dụng nên người dân đã tận dụng trồng hoa, trồng rau để tránh lãng phí. Sau đó, các chủ vựa hoa từ làng hoa nổi tiếng Tây Tựu đến thuê để trồng hoa tập trung, dẫn đến tình trạng phun thuốc trừ sâu vượt quá nồng độ cho phép.
Phụ thuộc vào ý thức người dân
Đem phản ánh của người dân tới UBND phường Phú Diễn, một vị đại diện của phường này cho biết thực tế chỉ một vài hộ dân nằm sát khu đất trồng hoa có ý kiến về việc môi trường ô nhiễm chứ không phải toàn bộ dân cư. Hơn nữa, việc phun thuốc bao gồm cả thuốc bảo vệ thực vật chứ không riêng thuốc trừ sâu nên mức độ độc hại hoàn toàn khác nhau (?!).
“Phường đã cử người xuống kiểm tra, tuyên truyền về việc phun thuốc an toàn với các hộ trồng hoa rồi. Trạm bảo vệ thực vật của phường cũng thường xuyên đi kiểm tra các hộ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng danh mục hoặc sử dụng xong vứt vỏ chai bừa bãi và đều lập biên bản.
Tất nhiên, các loại thuốc này khi sử dụng sẽ có ảnh hưởng một phần nào đó nhưng không quá trầm trọng. Hơn nữa, chỉ người dân giáp ranh với đất nông nghiệp mới bị ảnh hưởng, còn vị trí xa hơn thì hầu như không sao”, vị đại diện này khẳng định.
Về công tác quản lý, đại diện phường Phú Diễn cho biết do người nơi khác đến thuê đất trồng hoa chứ không phải là bà con nông dân địa phương. Vì vậy, khi phường tổ chức kiểm tra, họ không ở đây nên việc quản lý rất khó. Theo vị này, khu vực Phú Diễn là đất nông nghiệp nên không thể cấm các hộ dân trồng hoa, phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.
“Có điều do đất sản xuất giáp ranh với khu dân cư nên không tránh được mùi hôi. Thực trạng này là vấn đề lịch sử để lại từ trước khi xã được chia tách và lên phường nên không dễ gì có giải pháp xử lý triệt để ngay”, vị này nói.
Theo ông Đặng Văn Lý, phường thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho người dân về cách thức sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, quy định nhưng còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của họ, xử phạt cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Không nên phun nhiều Theo khảo sát, các loại thuốc bảo vệ thực vật thường được sử dụng tại vựa hoa làng Phú Diễn gồm: Paraquat (thuốc diệt cỏ), Neretox (thuốc trừ sâu), Conphai (chất lưu dẫn)… Các loại này đều nằm trong danh mục cho phép sử dụng song nếu dùng quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. |
Theo NLD