Phận đời bất hạnh
Năm nay cụ Lê Thị Cháu đã 85 tuổi. Cụ có dáng đi khập khiễng, mái tóc bạc phơ cùng dáng lưng còng ngày ngày lom khom bên đống rác rưởi dơ dáy, bốc mùi hôi tanh, ruồi nhặng bu bám đầy rẫy ở triền sông Hương.
“Cụ đã làm ở đây rất lâu rồi, tôi cũng không biết nữa. Từ đời mệ (mẹ) o (chị, cô) còn bán thì bà đã làm rồi, và chỉ nghe mệ kể lại… Cụ làm hăng say và nhiệt tình lắm, bất kể nắng mưa, đông hè, trời lạnh buốt hay nắng lớn… Ngày ngày cụ có mặt đều đặn nơi chợ cá từ 5h-17h đã trở thành hình ảnh quá thân quen, không còn lạ lẫm với những chị em nơi đây” – chị Hồng, một tiểu thương bán cá chợ Đông Ba tâm sự.
Theo lời kể của chị Hồng, cụ Cháu mưu sinh nghề này đã ngót 1/4 thế kỷ. Đây là cái nghề đã nuôi sống cụ từ bấy lâu nay và cũng như là cái nghiệp mưu sinh của cuộc đời mà cụ đã chọn. Và cứ thế, sáng sáng tầm 5h cụ quá giang xe vượt chặng đường dài lên chợ Đông Ba và chiều 17h lại lụi cụi ra phố quá giang xe về nhà. Ngày nào không quá giang được xe, cụ đành ngủ lại trong chợ.
Càng nói chuyện, càng tiếp xúc mới thấy đáng thương cho hoàn cảnh cụ Cháu. Gia sản của cụ Cháu ngoài bộ quần áo cũ kỹ đã sờn đôi vai đang mặc trên người, còn đôi dép nhựa mòn vẹt do những người tốt bụng ở chợ mua cho. Kèm theo đó là chai dầu gió đã sắp hết hạn sử dụng và chiếc cối ngoáy trầu đậm màu thời gian. Đây như là những người bạn tâm giao tri kỷ để cụ “tâm sự” mỗi ngày.
Cụ Cháu có 25 năm mưu sinh bên sông Hương. |
Cách đây tròn nửa thế kỷ, cụ Cháu cũng từng có một gia đình hạnh phúc mà nhiều người vẫn hằng mong ước. Cụ có chồng hết mực yêu thương mình và hai đứa con gái ngoan hiền. Nhưng rồi, chẳng may sau một biến cố, chồng cụ đột ngột qua đời, để lại một thân cò như cụ tần tảo nuôi hai con gái. Được một thời gian, thương mệ vất vả, hai đứa con gái cụ phải tha phương vào Nam mưu sinh khi tuổi đời còn quá trẻ.
Thời gian đầu, hai đứa con gái thi thoảng hay ghé về thăm, dần dà vắng dần. Thế là, ngần ấy năm biền biệt không ngày trở về. Nhiều lần dò hỏi tin con phương xa nhưng vẫn bặt vô âm tín. Nhiều lần cụ có ý định vào Nam tìm và thăm con nhưng rồi cũng không thể được vì sức khỏe và điều kiện không cho phép. Và rồi từ đó đến nay, mình cụ Cháu phải sống lủi thủi, hiu quạnh nơi quê nhà trong một căn nhà tạm bợ cách trung tâm thành phố Huế 15km.
“Còn nhớ ngày trước, thời con gái còn khỏe, bà hành nghề bốc vác thuê cho người ta sống qua ngày. Khi đó công nhận mạnh thật, mà giờ thế này đây… Còn những ngày cuối đời, sức cạn, lực kiệt, ốm yếu, cụ phải bỏ nghề mưu sinh nặng nhọc kia mà đổi nghề cọ rửa, dọn dẹp vật dụng chợ cá cho chị em chợ Đông Ba để kiếm vài đồng bạc lẻ kiếm cơm ăn qua bữa…” – cụ Cháu nhớ lại một thời đã qua.
Điều ước giản đơn
Hình ảnh của cụ ngày ngày mưu sinh bên mép sông Hương bằng nghề dọn dẹp, giặt giũ những vật dụng đựng cá đã không còn lạ. Cả khu cá chợ Đông Ba gọn gàng, sạch sẽ đều do cụ Cháu một tay “vuông vắn”. Chị em bán cá nơi đây rất thương cho hoàn cảnh của cụ nên bữa cơm họ có gì cụ cũng được chia sẻ. Ngần ấy năm mưu sinh nơi đây, cụ sống bằng tình thương của mọi người nên làm việc gì cụ cũng chưa hề đòi hỏi chuyện tiền nong.
Cụ chỉ ao ước được gặp lại hai đứa con gái của mình trước khi nhắm mắt xuôi tay. |
“Khi nhìn thấy rổ, thau, vật dụng chị em nào dơ bẩn không kịp rửa thì cụ chủ động dọn dẹp rửa giúp và cũng chả mong sẽ được trả thù lao. Tính cụ vậy nên mọi người nơi đây ai cũng thương hết, có cái gì cũng đều chia sẻ…” – một cô bán cá tâm sự.
Dù sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất” nhưng cụ Cháu chưa bao giờ ước ao mình sẽ giàu có, sung túc. Với cụ, “ông trời cho sức khỏe”, có bát cơm qua ngày tươm tất là điều mừng nhất rồi, không ao ước gì thêm. “Bà còn khỏe mà. Không can chi (không hề chi- PV). Còn sức khỏe bà còn làm được. Chị em chợ cá thương tình cho gì ăn nấy chớ cũng chằng đòi hỏi gì. Họ thương bà lắm. Mong sao họ bán được cá để bà còn có bữa ăn qua ngày.” – cụ Cháu nở nụ cười phúc hậu cho biết.
Chúng tôi hỏi: “Nếu cho cụ một điều ước, cụ sẽ ước gì?”. Với giọng nhỏ nhẹ, rất bình thản cụ đáp: “Bà hả? Sống bao lâu nữa mà ước ao. Bà chỉ ước một điều thôi. Trước khi nhắm mắt bà được nhìn thấy hai đứa con gái mình lần cuối, có chết bà cũng yên lòng…”.
Rời bến cá chợ Đông Ba khi trời đã trưa, giữa cái nắng ấm của ngày đầu năm trên đất Cố đô, sau mang đến cho cụ hộp cơm chay dùng bữa cơm trưa muộn mà thấy hạnh phúc biết bao. Nhìn cụ đôi tay run rẩy xúc từng thìa cơm ăn mà không khỏi rưng rưng nước mắt. Tạm biệt cụ Cháu, chúng tôi vẫn còn bị ám ảnh, day dứt mãi hình ảnh cụ nơi góc chợ ô nhiễm chợt thấy xót xa.
Theo Pháp luật VN