Theo The Lancet Psychiatry, Đại học khoa học Zurich, Thụy Sĩ đã tiến hành cuộc khảo sát tại 63 quốc gia trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2011. Thời gian khảo sát kéo dài trong cả giai đoạn nền kinh tế toàn cầu ổn định, thịnh vượng cũng như những thời điểm suy thoái.
Theo kết quả khảo sát trong suốt giai đoạn này, mỗi năm có khoảng 233.000 vụ tự tử được ghi nhận. Trong đó, 45.000 vụ tự tử liên quan đến thất nghiệp.
Người thất nghiệp đứng xếp hàng bên ngoài văn phòng việc làm của chính phủ ở Madrid ngày 2/12/2014.
Trong giai đoạn 2008 - 2009, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động nặng nề nhất, số lượng các vụ tự tử đã tăng khoảng 5.000 người.
Trái ngược với những nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, cả nam giới lẫn nữ giới, ở mọi lứa tuổi, đều dễ bị tổn thương như nhau, do đó, đều có nguy cơ tự tử cao như nhau.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở những quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp càng thấp, nguy cơ và tỷ lệ tử tử vì thất nghiệp càng cao hơn.
Do đó, theo nhóm khảo sát, chính quyền các quốc gia nên xem thất nghiệp là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tự tử cao, ở mọi thời điểm, chứ không phải chỉ ở giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Từ đó, chiến lược phòng chống tự tử cần thiết không chỉ trong những giai đoạn khó khăn mà cả trong thời kỳ kinh tế ổn định, thịnh vượng.
Cuộc khảo sát có sử dụng số liệu từ các hồ sơ tử vong của Tổ chức Y tế thế giới cũng như dữ liệu về triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Theo Dân Việt