Những người sống sót sau vụ thảm sát tại tụ điểm ca nhạc Balactan, Paris mừng rỡ tìm được nhau trên phố. Ảnh Reuters |
Đây là một thông báo trên trang Twitter của Điện Elysée (trụ sở chính phủ Pháp) sau khi những cơn hoảng loạn từ vụ khủng bố đẫm máu làm rúng động thủ đô Paris vào tối qua, 13-11, tức rạng sáng nay giờ Việt Nam – một vụ tấn công vào một thành phố lớn ở phương Tây mà về quy mô tội ác chỉ xếp sau vụ 11 tháng Chín năm 2001 ở Mỹ.
Công tố viên Paris, ông François Molins, cho biết, số người thiệt mạng trong các vụ tấn công có thể lên tới 120 người, 5 kẻ khủng bố bị tiêu diệt. Tuy nhiên các phương tiện truyền thông tổng hợp tin tức từ cảnh sát cho biết số người thiệt mạng trong các vụ khủng bố này có thể lên tới 158 người.
Ông cũng cho biết, bọn khủng bố đã tấn công 6 địa điểm: sân vận động Stade de France; đại lộ Charonne nơi có 18 người bị giết; đại lộ Voltaire có 1 người bị giết; đại lộ Fontaine le Roi, 5 người bị giết; đại lộ Alibery, 14 người bị giết và tụ điểm ca nhạc sống The Balactan ở quận 11.
Cảnh sát Paris nói có tới 2 nhóm khủng bố đã ra tay cùng lúc, một nhóm tấn công tại nhà hát Bataclan và nhóm thứ hai hoạt động trong thành phố, theo AFP.
“Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu và xác định chuyện gì đã xảy ra, xác định hồ sơ của những kẻ khủng bố, tìm hiểu đường đi nước bước của chúng, xác định xem liệu có còn kẻ đồng phạm, tòng phạm hay kẻ trợ giúp nào trong xã hội hay không”, ông Molins nói.
Thảm sát ở nhà hát
Tại nhà hát Balactan – một tụ điểm ca nhạc có sức chứa tới 1.500 người, nơi đang có buổi biểu diễn của một ban nhạc rock The Eagles of Death Metal từ Mỹ đến, anh Julien Pearce, một phóng viên tận mắt chứng kiến vụ tàn sát kể với đài CNN anh nhìn thấy hai kẻ tấn công dùng súng AK-47 bắn liên tiếp vào đám đông trong câu lạc bộ, thay băng đạn rồi tiếp tục hành quyết từng người một. “Từ chỗ nấp của tôi tôi nhìn thấy hai kẻ khủng bố, mang súng AK-47 Kalashnikovs bước vào phòng hòa nhạc và bắn lung tung vào đám đông”, anh Pearce kể.
Theo anh Pearce, vụ bắn giết kéo dài tới 10 phút; mọi người kêu la và nằm úp mặt xuống sàn trong khi bọn khủng bố tỏ ra rất bình tĩnh, rất quyết đoán và thay băng đạn ít nhất ba bốn lần. “Chúng không kêu la, chúng không nói gì cả. Chúng mặc đồ đen và xả đạn vào những người đang nằm dưới sàn nhà. Lúc ấy tôi may mắn là đang ở trên sân khấu”, anh nói. Vì chúng không đeo mặt nạ nên anh Pearce nhận ra chúng còn rất trẻ, khoảng 20-25 tuổi.
Vài người khác kể lại có tới 3 kẻ tấn công, và mỗi lần xả súng chúng lại hô "Allah Akbar" theo một nghi thức của bọn khủng bố IS.
Phải mất hai tiếng đồng hồ phong tỏa và tấn công giải cứu, cảnh sát đặc nhiệm Pháp mới tiêu diệt được các tên khủng bố trong nhà hát, nhưng khoảng 100 người đã bị chúng giết hại.
Pháp đóng cửa biên giới nhưng hàng không hoạt động bình thường
Sau cuộc họp khẩn của Hội đồng nội các, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn nước Pháp, điều động quân đội tăng cường cho thủ đô Paris và đóng cửa biên giới giữa Pháp và các nước lân cận. Phủ Tổng thống Pháp cũng thông báo ông F. Hollande quyết định hủy bỏ chuyến công cán sang Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ khai mạc vào Chủ nhật 15-11.
Tòa thị chính Paris ra thông báo tạm ngừng tất cả các dịch vụ công trong ngày hôm nay thứ Bảy 14-11, các trường học, viện bảo tàng, phòng tập thể dục thể thao, chợ thực phẩm… đều đóng cửa, nhưng hệ thống giao thông công cộng và bệnh viện vẫn hoạt động. Sân bay quốc tế Charles de Gaule vẫn hoạt động nhưng việc kiểm tra an ninh, kiểm tra hành lý được siết chặt hơn rất nhiều so với ngày thường. Hãng hàng không quốc gia Pháp Air France thông báo các chuyến bay của hãng từ/đến Paris vẫn diễn ra bình thường tuy có thể có tình trạng chậm chuyến do kiểm tra an ninh.
Theo thông tin mới nhất, hãng hàng không American Airlines (Mỹ) đã hoãn các chuyến bay đến Paris.
Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm
Đến lúc này, vẫn chưa có tổ chức hay băng nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm tiến hành các vụ tấn công đẫm máu tại Paris.
Cảnh sát vẫn đang truy lùng những kẻ tiến hành các vụ tấn công. Danh tính những kẻ khủng bố chưa được xác định nhưng theo lời các nhân chứng, những kẻ này có dấu hiệu là Hồi giáo cực đoan vì đã hô "Allah Akbar" khi xả súng. Trong khi đó, một số nhân chứng cho biết những kẻ xả súng tại nhà hát Bataclan đã hô to "Vì Syria".
Trên mạng Twitter, rất nhiều tổ chức và cá nhân là thành viên hoặc ủng hộ tổ chức IS đã đăng những lời chúc mừng, theo báo New York Times.
Trước đó, Pháp được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ sau các vụ tấn công vào tháng 1-2015, nhằm vào tòa soạn tạp chí biếm họa Charile Hebdo và một siêu thị của người Do Thái khiến 17 người thiệt mạng. Cảnh sát Pháp sau đó cũng đã đập tan hàng chục âm mưu tấn công khủng bố.
Hiện, khoảng 500 tay súng người Pháp đang tham chiến cùng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Iraq, gần một nửa trong số này được cho là đã trở về nước. Ngoài ra, khoảng 750 người khác đang bày tỏ mong muốn được gia nhập IS.
Quốc tế lên án các vụ tấn công, chia sẻ với người dân Pháp
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ra thông báo lên án “những cuộc tấn công man rợ và liều lĩnh” vào những địa điểm giải trí bình thường của người dân Paris.
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã lên án “các vụ tấn công hèn hạ” ở thủ đô Paris và yêu cầu phóng thích ngay lập tức các con tin đang bị bắt giữ tại nhà hát Bataclan.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà bị “sốc nặng” trước các vụ tấn công tại thủ đô Paris.
Cùng ngày, viết trên trang mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Anh David Cameron cũng cho hay ông đã bị sốc trước các vụ tấn công ở Paris và cam kết sẽ làm mọi điều có thể để hỗ trợ Pháp.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án “cuộc tấn công vào loài người” và tuyên bố sát cánh với Pháp trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, đồng thời khẳng định sẽ làm mọi điều có thể để đưa những kẻ khủng bố ra ánh sáng. “Đây là vụ tấn công không chỉ vào Paris, không chỉ vào người dân Pháp mà là cuộc tấn công vào toàn thể nhân loại và những giá trị phổ quát mà chúng ta chia sẻ”, ông Obama nói.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ hiện chưa nâng cao mức độ an ninh tại các địa điểm công cộng, các phương tiện giao thông sau khi xảy ra các vụ tấn công ở Pháp. Các quan chức thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ, theo dõi các vụ tấn công tại Paris, cho biết chưa thấy có sự đe dọa rõ ràng đối với Mỹ trong vụ việc trên.
Theo TB KTSG