Hiểm họa từ lời nói vu vơ

Chủ nhật, 20/12/2015, 21:58
“Tôi muốn “quậy” người này”, “tôi muốn tự tử”... là những câu nói tưởng chừng vô hại của một người đang chán nản có thể thành sự thật nếu có bệnh lý đi kèm

Nhiều người hẳn chưa quên hình ảnh bé Dương Minh Phát, một đứa trẻ mới sinh được 12 ngày tuổi tại Vĩnh Long, đã bị một người đàn bà xa lạ tấn công bằng dao. Tuy được cứu sống bởi ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 và BV Nhân Dân 115 nhưng bé Phát vẫn phải đang từng ngày chống chọi với những di chứng.

Còn kẻ thủ ác, bà N.T.V (51 tuổi, ngụ tại Bến Tre), cũng đang phải điều trị bắt buộc tại BV Tâm thần trung ương 2 (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Trước khi ra tay tàn độc với đứa trẻ vô hại, bà đã từng nhiều lần nói do “bị sui gia xem mình là tâm thần nên đi giết người để được chết!”.

Ý tưởng nguy hiểm đã có sẵn

Mới đây, Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM đã tiếp nhận ông C.V (33 tuổi, TP.HCM), bị bắt vì tội chống người thi hành công vụ. Ông V. cũng chính là tài xế chiếc “xe điên” BMW màu trắng tông người đi xe máy, sau đó bỏ chạy rồi tấn công cảnh sát giao thông khi bị buộc dừng xe mà nhiều tờ báo đã đưa tin  hồi cuối tháng 11 vừa qua.

Tại nơi giám định, ông V. khai rằng do công an muốn làm hại, muốn bắn mình nên mới cố thủ trong xe, trong khi theo lời các nhân chứng tại hiện trường, quãng thời gian V. cố thủ trong xe, ông này liên tục hút thuốc, phun nước bọt vào các cảnh sát và còn cào cấu, tấn công họ khi bị đưa ra khỏi xe khiến nhiều người dân xung quanh tức giận đòi xông vào đánh nhưng đã được can ngăn.

Một ca giám định tâm thần
Một ca giám định tâm thần

Điều đáng chú ý là trong lời khai của mẹ ruột ông V. có chi tiết: Cách đây nửa tháng, ông nói với bà rằng “có nhiều người quấy rầy, gây khó chịu và khó chịu nhất là công an nên có dịp là sẽ... quậy tới bến”. Ông V. là người có tiền sử bệnh tâm thần sau khi phát hiện bị ung thư máu nhưng ông không tuân thủ điều trị. Những hoang tưởng bị hại, bị nói xấu, bị quấy rầy... cứ gia tăng cho đến ngày xảy ra tai nạn - sự cố mà ông kể sau đó là do “thấy có người chỉ trỏ, nói xấu nên mở cửa xe ra chửi và gây tai nạn”.

Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TP.HCM, đơn vị này đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp trong một số vụ án hình sự liên quan đến hành vi giết người, gây rối trật tự công cộng, gây thương tích, hủy hoại bản thân hoặc người xung quanh, chống người thi hành công vụ... mà trước đó, người gây án đã có “ý tưởng” trong đầu và nhiều trường hợp còn kể lại với người thân. Điều không may là trong phần lớn trường hợp, người thân không nghĩ họ sẽ hành động như lời kể cho đến khi điều tệ hại xảy ra.

“Hoang tưởng là những ý tưởng, phán đoán sai lầm về sự vật, hiện tượng không có trong thực tại khách quan do bệnh tâm thần gây ra mà người bệnh cho là có thực. Nó chỉ giảm bớt hoặc mất đi khi được điều trị. Hoang tưởng bị theo dõi, bị hại, bị đầu độc, ghen tuông... càng điển hình khi phối hợp với các ảo giác chi phối nhận thức và hành vi người bệnh. Sự nguy hiểm nằm ở chỗ các xung động xuất hiện bất ngờ, không báo trước, khó lường: nhẹ thì người bệnh la hét, chửi bới, nói nhảm, gây gổ, đập phá đồ đạc, làm xáo trộn sinh hoạt trong gia đình và xung quanh; nặng thì lên cơn xung động dùng dụng cụ sẵn có trong nhà như dao, kéo, vật nhọn sắc bén gây sát thương cho người thân, bản thân và xung quanh, thậm chí giết người...” - BS Quang phân tích.

Dấu hiệu rối loạn tâm thần

Theo BS Quang, ngoài các dạng hoang tưởng, những ý tưởng đáng sợ về việc sẽ hại người, hại mình có thể xuất hiện trong nhiều dạng tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc trầm cảm, xuất hiện ở người nghiện rượu mạn tính, nghiện các chất kích thích nhất và cả các trường hợp hoang tưởng do dùng các chất ma túy tổng hợp, nhiễm trùng, nhiễm độc, động kinh...

“Dù là trong tình huống nào, tiền sử người bệnh ra sao thì việc một người bỗng thay đổi tính tình, xuất hiện các hoang tưởng, những ý nghĩ tự sát hay làm hại người khác là dấu hiệu cho thấy người đó đã có rối loạn tâm thần và cần được đưa ngay đến bác sĩ. Nhiều người cố gắng nhờ chuyên viên tư vấn tâm lý nhưng điều này sẽ không có hiệu quả một khi đã có bệnh. Họ cần dùng thuốc để khống chế hoang tưởng trước, sau đó mới phối hợp với điều trị tâm lý” - BS Trần Đình Phương, Trưởng Khoa Khám bệnh Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM, khuyến cáo.

Mọi lời khuyên đều vô ích

Theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa, người nhà không nên dùng những lời khuyên giải hay la mắng đối với người hoang tưởng bởi những ảo giác, ảo thanh, những điều thôi thúc trong bản thân họ là do bệnh lý mà không thể tự cưỡng lại. Lời khuyên không đúng chỗ, nhất là những lời nói nặng đôi khi còn là chất “xúc tác” nguy hiểm khiến cơn bệnh bùng phát, hậu quả khó lường.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn