Thuyên chuyển hàng nghìn cán bộ y tế để ngừa tham nhũng

Thứ ba, 22/12/2015, 22:29
Trong 10 năm, ngành y tế TP.HCM đã chuyển đổi vị trí công tác hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện luật phòng chống tham nhũng trong ngành y tế thành phố chiều 22/12, tiến sĩ Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết Sở đã chuyển đổi vị trí công tác của 2.668 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng. Do đặc thù ngành y tế nên việc chuyển đổi vị trí chủ yếu phục vụ cho công tác chuyên môn.

TP HCM tiếp tục thực hiện công khai, niêm yết các quy trình, cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng hiệu quả công việc, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Ảnh: Lê Phương.

TP.HCM tiếp tục thực hiện công khai, niêm yết các quy trình, cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng hiệu quả công việc, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Ảnh: Lê Phương.

Theo ông Trạng, với việc kiểm tra giám sát thường xuyên, nhiều đơn vị, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực đã được xử lý kiên quyết. Cụ thể, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch tại 1.800 khoa, phòng, phát hiện 10 trường hợp sai phạm. Kiểm tra việc thực hiện các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 2.262 khoa, phòng phát hiện 70 trường hợp vi phạm và xử lý.

Qua 1.690 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện một vụ vi phạm tại Bệnh viện An Bình liên quan đến 2 cá nhân với số tiền sai phạm là 500.000 đồng. Năm 2013, thanh tra toàn diện hoạt động Bệnh viện Bình Dân thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 2,8 tỷ đồng.

Cùng năm, tổ kiểm tra Bệnh viện Nhi đồng 1 phát hiện một vụ có dấu hiệu tham nhũng với 2 cá nhân, ước tính 296 triệu đồng. Năm 2014, một nhân viên Bệnh viện Nhân dân 115 tham ô tiền viện phí, bị xử lý và thu hồi gần 180 triệu đồng. Những sai phạm khác tại các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn thành phố cũng đã được xử lý chấn chỉnh.

Trong giai đoạn 2016-2020, TP.HCM tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, phòng ngừa và xử lý sai phạm. Thực hiện công khai, niêm yết các quy trình, cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng hiệu quả công việc, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, thân nhân trong việc khám chữa bệnh và trong việc cấp giấy phép hoạt động, chứng chỉ cho người hành nghề.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích