Vì sao phát ngôn về quân đội Mỹ của Hoa hậu Hoàn vũ bị ném đá

Thứ ba, 22/12/2015, 10:36
Người đẹp Wurtzbach đã động chạm đến một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của xã hội Philippines hiện nay.

Hoa hậu Philippines Pia Alonzo Wurtzbach trong phần thi ứng xử. Ảnh: CNN

Ngay sau khi đăng quang cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tại Mỹ, người đẹp Philippines Pia Alonzo Wurtzbach đã nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng cũng không ít lời chỉ trích từ chính người dân trong nước, liên quan đến câu trả lời trong phần thi ứng xử của cô về sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines.

Trả lời câu hỏi được một số người cho là "thiếu công bằng" này, Wurtzbach tuyên bố người dân Philippines "luôn chào đón người Mỹ" và bản thân cô "không thấy có bất kỳ vấn đề gì về điều đó cả", theo CNN.

Thế nhưng theo đánh giá của giới phân tích, Hoa hậu Hoàn vũ Wurtzbach đã động chạm đến một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong xã hội Philippines hiện nay, vấn đề đã làm đau đầu giới lãnh đạo nước này và gây ra làn sóng tranh cãi quyết liệt trong dư luận cũng như ở Thượng viện và tòa án, theo Rappler.

Sau khi trao trả độc lập cho Philippines vào năm 1946, Mỹ vẫn duy trì một lực lượng quân sự lớn tại các căn cứ mà họ ký thỏa thuận thuê lâu dài với chính phủ Philippines, trong đó có căn cứ hải quân ở vịnh Subic nhìn ra Biển Đông. Đến năm 1992, khi các thỏa thuận này hết hiệu lực và trước áp lực chống lại sự hiện diện của Mỹ từ người dân bản địa,Thượng viện Philippines khước từ đề nghị gia hạn của Mỹ. Hải quân Mỹ đã phải rút toàn bộ lực lượng ra khỏi các căn cứ quân sự ở Philippines.

Đến giữa thập niên 1990, Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ cả về kinh tế và quân sự, bắt đầu tìm cách lấp chỗ trống quyền lực trên Biển Đông bằng cách áp dụng chiến lược "cải bắp" để gặm nhấm dần các bãi đá, hòn đảo ở vùng biển này. Cùng thời gian này, căn cứ quân sự Subic được biến thành một tổ hợp kinh tế lớn, cho phép các tàu chiến Mỹ cập cảng để sửa chữa, tiếp liệu và tham gia các cuộc tập trận chung với Philippines.

Năm 2012, Philippines đã đánh mất quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vào tay Trung Quốc, khi rút tàu chiến ra khỏi khu vực này, nhường chỗ cho tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc. Năm 2014, khi Trung Quốc bắt đầu ồ ạt thực hiện các dự án bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trên những bãi đá mà họ chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông, Philippines đã tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA), cho phép Mỹ triển khai lực lượng luân phiên đến các căn cứ quân sự của Philippines.

Sau đó, Bộ Quốc phòng Philippines công bố kế hoạch mở cửa trở lại căn cứ Subic bằng cách điều tàu chiến và máy bay đến tổ hợp quân sự khổng lồ đang bị bỏ hoang. Đây là tổ hợp lớn nhất trong số 8 căn cứ quân sự ở Philippines mà Mỹ hy vọng có thể tái triển khai lực lượng đồn trú luân phiên.

Trong thời gian đó, số lượng quân nhân Mỹ đặt chân đến vịnh Subic đã tăng đột biến, từ 16.112 năm 2013 lên hơn 28.000 vào năm 2014. Các tàu chiến ra vào để sửa chữa, tiếp liệu và các thủy thủ lên bờ để vui chơi, giải trí đã mang đến cho nền kinh tế địa phương khoảng 4,5 triệu USD, các quan chức ở Subic cho hay.

vi-sao-phat-ngon-ve-quan-doi-my-cua-hoa-hau-hoan-vu-bi-nem-da-1

Lính Mỹ tại căn cứ ở cảng Subic, Philippines. Ảnh: AP

Dấu ấn lịch sử

Thế nhưng thỏa thuận này lại vấp phải một trở ngại rất lớn, đó là sự phản đối từ một bộ phận người dân Philippines, trong đó có nhiều công dân có tổ tiên là người gốc Hoa. Thỏa thuận này gặp vướng mắc ở khâu pháp lý, bởi dù được Tổng thống Beniqno Aquino phê chuẩn, nó vẫn chưa qua được ải Tòa án Tối cao. Hôm 16/12, tòa án này đã một lần nữa hoãn đưa ra phán quyết cuối cùng về EDCA.

Hiến pháp Philippines năm 1987 cấm quân đội Mỹ hiện diện lâu dài tại các căn cứ quân sự ở nước này mà không có các hiệp ước cụ thể. Chuyên gia Gretel C. Kovach thuộc Trung tâm Đông-Tây ở Honolulu, Mỹ, cho rằng với khi lực lượng đồn trú Mỹ chỉ lưu lại trong thời gian ngắn và thường xuyên được luân chuyển, EDCA không vi phạm quy định này. Nhưng không ít chính trị gia và người dân Philippines coi đây là sự "lách luật" nhằm che đậy một thực tế rằng quân đội Mỹ vẫn sẽ hiện diện lâu dài ở Philippines.

Giáo sư Aileen San Pablo-Baviera, chuyên gia về Trung Quốc và quan hệ quốc tế tại Đại học Philippines, cho rằng quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Philippines đang trong giai đoạn hợp tác và tích cực, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

"Lịch sử có vai trò quan trọng trong mối quan hệ này. Philippines hiện nay có lẽ là một trong những đồng minh thân cận nhất với Mỹ. Nhưng trước khi trở thành đồng minh, hai nước đã chứng kiến mối quan hệ đế quốc-thuộc địa đầy rẫy thù địch và xung đột. Những cuộc đàn áp phong trào nổi dậy Philippines của Mỹ trong thời kỳ này vẫn ảnh hưởng đến chủ nghĩa dân tộc ở Philippines hiện nay", giáo sư Pablo-Baviera nói.

Đối diện với mối đe dọa từ Trung Quốc trên Biển Đông, nhiều nhà hoạt động Philippines cho rằng Mỹ đã không dốc hết sức để đảm bảo an ninh cho nước này. "Những thứ mà Mỹ viện trợ cho chúng tôi gần như không phù hợp với nhu cầu thực tế. Ai cũng có thể giúp đỡ, và chúng tôi không nên chỉ phụ thuộc vào Mỹ", Roilo Golez, cựu chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Philippines tuyên bố.

Gần đây, Philippines đã tham gia cuộc diễn tập hải quân chung đầu tiên với Nhật Bản, và đang tìm cách mua vũ khí từ các nước khác, thậm chí nhiều chính trị gia còn kêu gọi Manila tìm cách "hòa giải" với Bắc Kinh. "Trung Quốc không phải là kẻ thù. Trung Quốc chỉ là một người bạn mà chúng ta đang gặp rắc rối", ông Evan Garcia, thứ trưởng phụ trách chính sách ở Bộ Ngoại giao Philippines, tuyên bố.

Cựu nghị sĩ Walden Bello thì cho rằng Philippines đã quá dễ dãi khi đặt bút ký EDCA với Mỹ. "Philippines đã trao cho Mỹ quyền sử dụng các căn cứ quân sự với giá rẻ mà không hề có bất cứ sự đảm bảo nào rằng Mỹ sẽ bảo vệ chủ quyền biển đảo cho mình", ông nói.

Ông này lo ngại rằng việc lệ thuộc vào chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ khiến Philippines sa vào một cuộc xung đột lâu dài với Trung Quốc. "Không một ai muốn chiến tranh, nhưng vấn đề là khi giữa các cường quốc đang đối đầu gay gắt với nhau, một sự cố dù là vô tình hay hữu ý, cũng có thể kích hoạt một chuỗi sự kiện không thể kiểm soát được và gây ra chiến tranh khu vực hay tồi tệ hơn", ông Bello nhấn mạnh.

vi-sao-phat-ngon-ve-quan-doi-my-cua-hoa-hau-hoan-vu-bi-nem-da-2

Tàu sân bay Mỹ ghé thăm cảng Subic của Philippines. Ảnh: Wikipedia

Cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear, thì cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philipines sẽ mang lại ổn định cho khu vực và tăng cường các thỏa thuận an ninh đôi bên cùng có lợi.

Nhiều người dân ở thành phố Olongapo, gần vịnh Subic, tỏ ra tán đồng với sự hiện diện ngày càng lớn của quân đội Mỹ tại đây, chủ yếu là vì lý do kinh tế. Khi các binh sĩ Mỹ ghé cảng Subic bị cấm lên bờ sau vụ một lính thủy sát hại một người chuyển giới Philippines, các quán bar ở Olongapo trở nên vắng lặng. Nhiều dân chài ở đây thất nghiệp sau khi ngư trường truyền thống của họ ở Scarborough bị Trung Quốc kiểm soát.

Trong khi nhiều người phản đối quyết liệt các hệ lụy mà sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines mang lại, chẳng hạn như bạo lực, mại dâm, ông Bong Pineda, cựu chủ tịch Ủy ban Thương mại Olonggapo, lại mong chờ ngày EDCA được Tòa án Tối cao thông qua. "Nếu người Mỹ không rút đi, chúng tôi sẽ chẳng gặp nhiều rắc rối ở Biển Đông đến vậy", ông này nói.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn