Rất nhiều lời phản ứng gay gắt, kêu gọi tẩy chay Tân Hiệp Phát đang bùng nổ trên mạng xã hội sau vụ án "con ruồi". |
Đại diện truyền thông Tân Hiệp Phát cho rằng đó là ý kiến của cộng đồng và không có doanh nghiệp nào đủ khả năng điều hướng các dư luận ấy. Tuy nhiên, nếu nhìn lại quy trình thông tin về vụ việc, người ta sẽ hiểu căn cớ ở đâu để Tân Hiệp Phát bị cả cộng đồng đả kích.
Phản đối toàn diện
Thực tế không chối cãi được là tập đoàn Tân Hiệp Phát đang nằm trong bối cảnh tệ hại nhất của một doanh nghiệp kinh doanh: bị người tiêu dùng phản đối. Ngay sau khi phiên xử sơ thẩm vụ án “con ruồi” khép lại, cộng đồng đã bùng nổ giận dữ. Trào lưu “tẩy chay”, phản đối Tân Hiệp Phát, từ bỏ sản phẩm Tân Hiệp Phát, đã lan tỏa trên mọi diễn đàn, mạng xã hội. Tình hình cấp bách đến đến mức ngay những người mong muốn chia sẻ cùng doanh nghiệp, cũng phải dè dặt với lựa chọn của mình.
Ngay các lãnh đạo tập đoàn này cũng trở nên hoang mang, khi lần lượt “đổi vai” để mong có một sự nhìn nhận tốt hơn phần nào từ cộng đồng. Từ đại diện có mặt ở phiên tòa cho đến phó tổng giám đốc có văn bản xin lỗi người tiêu dùng, rồi đích thân lãnh đạo cao nhất của Tân Hiệp Phát phải lên tiếng, rõ ràng hệ thống Tân Hiệp Phát đang bị chao đảo.
Điều này đồng nghĩa rằng cơ hội thị phần của Tân Hiệp Phát trong thời gian tới, nhất là trong dịp Noel này và Tết Âm lịch đã cận kề, sẽ gặp khó, nếu không muốn nói là thảm hại.
Nguy cơ sống còn của Tân Hiệp Phát, vì thế lại càng đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm cách “chống chế”. Có điều, càng muốn trình bày, Tân Hiệp Phát càng lâm vào khủng hoảng...
Dám làm không dám nhận?
Nhiều người thấy rõ, trong vụ án “con ruồi”, khởi đầu là một bối cảnh tranh chấp dân sự, người tiêu dùng thỏa hiệp với doanh nghiệp về một vấn đề liên quan đến sản phẩm, nhưng bất thành. Tân Hiệp Phát có toàn khả năng can thiệp câu chuyện này, bằng cách tố cáo ông Võ Văn Minh.
Nhưng một khi vụ án đã được cơ quan chức năng chuyển thành hình sự, có chiếu xét nghiêm túc hành vi của ông Võ Văn Minh, thì vụ án đã nằm ngoài đơn thư pháp lý của Tân Hiệp Phát.
Phán quyết của tòa án hình sự không còn dựa vào ý kiến chủ quan của doanh nghiệp nữa. Kể cả khi Tân Hiệp Phát rút đơn kiện dân sự với ông Võ Văn Minh, vụ án vẫn tiến hành.
Việc ông Võ Văn Minh tuyên án tù, là do hành vi cá nhân.
Song cộng đồng có quyền lên án Tân Hiệp Phát, khi đã đưa sự việc từ giao dịch dân sự sang yếu tố hình sự: công an bắt quả tang hành vi tống tiền và cưỡng đoạt tài sản của ông Võ Văn Minh.
Hơn nữa, khi tòa án xác nhận căn nguyên can thiệp từ cơ quan pháp luật với vụ việc, đại diện Tân Hiệp Phát lại lúng túng, phủ nhận, nói rằng doanh nghiệp không hề báo công an.
Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến sự phẫn nộ của dư luận, khi cho rằng Tân Hiệp Phát dám làm không dám nhận.
“Ở góc độ quyền lợi doanh nghiệp, đơn thư tố cáo của Tân Hiệp Phát có lý. Nhưng nhìn từ người tiêu dùng, thái độ phẫn nộ của họ khi có 1 thành viên “bị hình sự hóa” thỏa thuận dân sự, thì dàn xếp của Tân Hiệp Phát trở nên nguy hiểm. Những lên án tẩy chay hiện nay là xuất phát từ góc cạnh này”, một luật sư kinh tế tại Đà Nẵng nhận xét như vậy.
Trong khi đó, các đại diện Tân Hiệp Phát vẫn tiếp tục phát biểu về chất lượng sản phẩm, chuẩn mực về dây chuyền sản xuất, khả năng kiểm soát sản phẩm... Lý luận này, đã là lựa chọn của Tân Hiệp Phát trong thời gian dài.
Nhưng từ lâu, cộng đồng không còn quan tâm đến những vấn đề kỹ thuật đó nữa. Họ chỉ thắc mắc, nếu Tân Hiệp Phát sẵn sàng báo công an để bắt giữ những người phát hiện sản phẩm có dấu hiệu lỗi, dù lỗi đó có thể thuộc về Tân Hiệp Phát hoặc không, thì ai sẽ dám phản ảnh thông tin với tập đoàn này? Cách hành xử như vậy, có phải là chỉ muốn “bịt miệng” người tiêu dùng không?
Chính thực tế biểu hiện ấy, đã dẫn Tân Hiệp Phát đến thực trạng như hôm nay.
Doanh nghiệp chỉ có thể mong thay đổi, một khi hiểu đúng phương châm kinh doanh có tính bản lề: “khách hàng là người có quyền đóng cửa mọi doanh nghiệp, chỉ bằng một lựa chọn đơn giản: chuyển qua dùng sản phẩm khác”.
Tân Hiệp Phát đang phải trả giá vì quên mất phương châm ấy, trong suốt một năm đã qua!
Theo BizLive