Kỳ vọng quyết tâm chống tham nhũng

Chủ nhật, 10/01/2016, 23:32
Ai cũng hiểu nếu không chống được hành vi tham nhũng của các nhóm lợi ích thì thành quả cách mạng của Đảng và thành quả lao động của nhân dân có thể bị phá hỏng

Công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam tùy thuộc phần lớn vào công tác xây dựng Đảng vì là “Đảng cầm quyền”. Tham nhũng không phải là vấn đề mới ở nước ta, nó bắt đầu phát triển mạnh từ khi có kinh tế thị trường và nhanh chóng trở thành vấn nạn - nhưng đó không phải lỗi của kinh tế thị trường mà là của cơ chế quản lý kinh tế.

Nguyên nhân tham nhũng đã được Nghị quyết Trung ương 4 (NQ TW4 - tháng 1-2012) chỉ ra cụ thể: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức; cơ hội, ích kỷ, thực dụng, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, tùy tiện, vô nguyên tắc; những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Theo đó, trong Đảng đang tồn tại một bộ phận rất nguy hiểm có thể hủy hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và thành quả lao động của nhân dân.

Cử tri quận 1, TP HCM bức xúc phản ánh với Chủ tịch nước về tình trạng tham nhũng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cử tri quận 1, TP.HCM bức xúc phản ánh với Chủ tịch nước về tình trạng tham nhũng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đó là thực trạng của 3 năm trước đây. Đến Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII, trong phần thứ XV về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh… đã nhận định: Việc thực hiện NQ TW4 chưa đạt kết quả như mong đợi; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức chưa bị đẩy lùi; những hạn chế, khuyết điểm đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ chưa có những giải pháp đủ mạnh, phù hợp để khắc phục giải quyết. Theo đó, công tác xây dựng Đảng theo NQ TW4 so với 3 năm trước dường như chưa được cải thiện đáng kể.

Nhận xét nêu trên được cụ thể hóa trong phần báo cáo kiểm điểm những hạn chế, khuyết điểm của công tác xây dựng Đảng 5 năm qua: Không ít tổ chức Đảng có năng lực thấp về lãnh đạo, có nơi mất sức chiến đấu; tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị còn cồng kềnh; tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp… chưa được ngăn chặn, đầy lùi; tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi phức tạp; Đảng ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm lòng tin của cán bộ đảng viên và nhân dân đối với Đảng, nhà nước và chế độ.

Nếu so sánh 2 bức tranh về xây dựng Đảng cách nhau 3 năm, ta thấy bức tranh thứ hai vẫn chưa có những điểm sáng đáng kể, thậm chí còn có những điểm đen đậm màu hơn. Cụ thể, Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII đã thừa nhận tình trạng “chạy chức, chạy quyền” chưa được ngăn chặn, đẩy lùi - tức là nó như căn bệnh đã và đang phát triển nhưng chưa có thuốc đặc trị. Nếu đã thừa nhận tình trạng “chạy” - thực chất là “mua chức, mua quyền” - thì tất nhiên phải có tình trạng “bán chức, bán quyền”. Đây mới là nguy cơ lớn hơn vì nó ở tầng cao hơn trong bộ máy của Đảng và nhà nước.

Những kẻ phải “mua chức, mua quyền” chứng tỏ không đủ tài đức và mua chức quyền không phải để làm “người đầy tớ trung thành của nhân dân” hay chỉ vì háo danh mà mục đích chính là nhằm lợi dụng chức quyền để làm giàu cho cá nhân. Những kẻ “bán chức, bán quyền” cũng không chỉ nhằm thu lợi một lần mà sẽ liên kết với đám cơ hội kia để hình thành các “nhóm lợi ích” được che chắn rất kín bằng chức quyền. Từ đó, chúng có thể tham nhũng, đục khoét và lãng phí ngân sách nhà nước một cách lâu dài.

Đây là nguy cơ lớn nhất của Đảng và của nền kinh tế đất nước vì trên thực tế, những vụ tham nhũng hàng ngàn tỉ đồng, những dự án đội “vốn” hàng trăm ngàn tỉ đồng đã làm cho “nợ công” tăng lên nhanh chóng. Dù hậu quả chưa nhìn thấy rõ hôm nay nhưng tác hại sẽ rất lớn ở trung hạn và dài hạn. Bài học ấy có thể nhìn thấy từ tình trạng khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp vừa qua - chính là do nợ công mà các nhóm lợi ích tạo ra.

Trước thềm Đại hội XII, kỳ vọng của nhân dân về sự phát triển của đất nước là rất lớn nhưng mọi người không chỉ nhìn vào những chỉ tiêu rất cao về kinh tế, xã hội mà còn chú ý nhiều hơn vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng. Bởi lẽ, ai cũng hiểu rằng nếu không chống được hành vi tham nhũng của những nhóm lợi ích thì thành quả cách mạng của Đảng và thành quả lao động của nhân dân có thể bị phá hỏng.

Chưa thể tin tưởng, phấn khởi

Thực tế khiến nhân dân không khỏi băn khoăn về những nhóm giải pháp chống tham nhũng mà NQ TW 4 nêu ra - trong đó “phê bình và tự phê bình” được coi là quan trọng nhất - dường như không phát huy được tác dụng. Những tuyên bố đầy lạc quan gần đây - theo kiểu: trong 9 tháng đầu năm 2015 ở tỉnh này, TP kia không có tham nhũng… - đã phản tác dụng. Nó không tạo ra sự tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân mà còn gây tâm lý bi quan vì điều đó chứng tỏ sự bất lực của cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn