Đó là kết luận của Viện Nghiên cứu RAND Corp. Tổ chức này vừa công bố một bản báo cáo trong đó đưa ra giả thiết Nga quyết định chinh phục các nước thành viên của NATO tại vùng biển Baltic.
Trong khoảng thời gian từ mùa hè năm 2014 đến mùa xuân 2015, các chuyên gia quân sự và phi quân sự của RAND Corp đã mô phỏng một loạt các trò chơi chiến tranh để dự đoán về viễn cảnh sẽ xảy ra.
Vị trí địa lý bất lợi của ba nước tại vùng biển Baltic. |
Kết quả cho thấy, với cấu trúc lực lượng quân sự hiện tại ở châu Âu, NATO không đủ khả năng bảo vệ vùng lãnh thổ của một số nước thành viên có vị trí địa lý gần Nga nhất, cụ thể đó là các nước Lithuania, Latvia và Estonia.
Cả ba quốc gia đều không chỉ không chung đường biên giới với bất kỳ đồng minh nào trong khối NATO mà còn nằm kẹp giữa biển Baltic với Nga, Belarus - nước đồng minh chính của Nga và vùng lãnh thổ Kaliningrad thuộc Nga.
Yếu tố địa lý cùng với việc NATO liên tục giảm bớt sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực (so với tương quan lực lượng của Nga tại đây) đã đặt ba quốc gia vào mối nguy hại to lớn trước tham vọng chinh phục của Nga.
Trong một viễn cảnh khả quan nhất do RAND nêu ra, quân NATO sẽ cầm cự được 60 giờ trước khi Nga tiến vào vùng ngoại ô gần thủ đô của Latvia hay Estonia. Ở một tình huống thảm hại hơn, Nga sẽ dễ dàng chiếm đóng thủ đô của các nước chỉ trong vòng 36 tiếng đồng hồ.
Mỹ cử 600 binh lính tới Ba Lan để diễn tập bộ binh. |
Bản báo cáo RAND đưa ra gợi nhắc đến quan ngại tương tự trước đó của tướng Petr Pavel, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO. Hồi tháng 5 vừa qua, ông Pavel đã cảnh báo rằng Moscow sẽ có thể chinh phục 3 nước vùng Baltic trong vòng hai ngày bất chấp cả ba quốc gia đều đã gia nhập NATO.
Ông Pavel tin rằng phần lớn nguyên nhân dẫn đến khả năng trên là do quy trình truyền đạt mệnh lệnh tương đối chậm chạp của NATO.
“Một trong những nhược điểm của NATO là quy trình phức tạp khi đưa ra quyết định của tổ chức. Điều này là bởi NATO có 28 nước thành viên và tất cả phải cùng đạt được sự đồng thuận cho mọi quyết định.
Từ góc độ chuyên môn, nếu xét đến việc Nga có thể triển khai bao nhiêu quân tại vùng Baltic, diện tích của các nước này và mật độ quân đội trên vùng lãnh thổ của họ, tôi tin rằng Baltic có thể sẽ bị chiếm đóng trong vòng vài ngày”, Pavel phát biểu trên trang tin CTK của Czech.
Khả năng Nga dễ dàng chinh phục vùng Baltic còn là bởi điện Kremlin liên tục đẩy mạnh công cuộc hiện đại hoá quân đội của mình, kèm theo đó là sự suy giảm khả năng tự vệ nói chung của NATO.
Trong khi Nga không ngại ngần chi mạnh tay để hiện đại hoá hạm đội tàu (dẫn đến khả năng NATO có thể bị đánh bật ra khỏi vùng biển Baltic), làm mới lực lượng không quân (nhằm lấn lướt ưu thế trên không từ trước đến nay của quân đội Mỹ) thì chi tiêu quân sự của NATO đang sụt giảm đáng kể.
Theo tạp chí Foreign Policy, quân đội Mỹ đã kéo hai sư đoàn thiết giáp ra khỏi Đức và chỉ duy trì hai đơn vị ở châu Âu ở thời điểm hiện tại. Trong năm 2015, cũng chỉ có năm thành viên trong khối NATO đạt mức chi tiêu quân sự tối thiểu do tổ chức đề ra.
Tuy vẽ ra viễn cảnh ảm đạm nhưng RAND cũng lưu ý rằng chỉ cần những bước nhỏ cũng có khả năng làm thay đổi cục diện. Bằng cách triển khai khoảng bảy lữ đoàn tại châu Âu, NATO có thể đảm bảo đủ hỏa lực để ít nhất là ngăn cản một cuộc tấn công từ Nga.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…
Theo Infonet