Bảo hiểm y tế sẽ trả khi khám bác sĩ gia đình

Thứ bảy, 05/03/2016, 12:41
Sắp tới người đến khám bác sĩ gia đình ở trạm y tế sẽ được BHYT thanh toán, khi đến phòng mạch phải trả tiền chênh lệch giữa giá khám bệnh ở phòng mạch, phần còn lại BHYT chi trả.

Sáng 4/3 tại TP.HCM, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch phát triển mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020. Đây là mô hình mới, được triển khai thí điểm hơn hai năm qua ở sáu địa phương.

Theo Bộ Y tế, sau hơn hai năm (từ năm 2013) thực hiện thí điểm đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình”, đến nay trong cả nước có sáu Sở Y tế tổ chức thực hiện mô hình bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình là TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Khánh Hòa.

Đến nay, các tỉnh thành này đã thành lập được 240 phòng khám bác sĩ gia đình. Trong cả nước đã đào tạo được gần 1.000 bác sĩ gia đình.

Bác sĩ gia đình Phạm Thị Việt Nga - Trung tâm bác sĩ gia đình 50C Hàng Bài (Hà Nội) - khám bệnh định kỳ cho bà Nguyễn Thị Nởi tại nhà riêng.

Sát dân nhất, tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất

Bà Kim Tiến nhận xét hoạt động bác sĩ gia đình trong nước từng bước được tổ chức tại một số địa phương nhưng còn nhỏ lẻ. Đây là mô hình mới, chưa được quan tâm đầu tư tương xứng, hoạt động còn tản mạn, hiệu quả chưa cao.

Việc nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trong toàn quốc là cần thiết bởi lẽ mô hình này sát dân nhất, tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất.

Theo kế hoạch do ông Trần Quý Tường - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - trình bày, đến hết năm 2020 sẽ có ít nhất 80% các tỉnh thành triển khai phòng khám bác sĩ gia đình, đồng thời phấn đấu đào tạo được ít nhất 9.000 bác sĩ định hướng y học gia đình.

Ông Tường còn cho biết Bộ Y tế đang tập trung ưu tiên phát triển số 1 là loại hình trạm y tế xã có lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình.

Do chức năng nhiệm vụ của trạm y tế xã với y học gia đình trùng nhau đến 80%, chỉ cần tăng cường năng lực chuyên môn, chỉ đạo các cán bộ chuyên môn này hoạt động ở trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình là lồng ghép được nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình.

Ngoài mô hình lồng ghép với trạm y tế, theo ông Tường, mô hình thứ hai là phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập.

Lúc đầu Bộ Y tế rất kỳ vọng kêu gọi được các bác sĩ tư nhân tham gia phòng khám bác sĩ gia đình nhưng qua hơn hai năm triển khai, cả Hà Nội và TP.HCM mới chỉ có bốn phòng khám tư nhân tham gia.

Có lẽ cơ chế chính sách hoạt động của phòng khám gia đình hiện nay chưa đủ hấp dẫn cho các phòng khám tư nhân tham gia.

Mô hình thứ ba là phòng khám bác sĩ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa của cả nước. Trong thời kỳ này, nếu bệnh viện nào tiếp tục thành lập phòng khám này thì phòng khám đó phải độc lập với khoa khám bệnh. Phòng khám này vẫn hoạt động y tế cơ sở, điều trị ngoại trú là chính chứ không phải gắn với khoa khám bệnh.

Nguồn: Theo thông tư 16 của Bộ Y tế ban hành năm 2014.

Bảo hiểm y tế chi trả

Bộ trưởng Kim Tiến cho hay, ý tưởng khi bà làm mô hình bác sĩ gia đình là xuất phát từ thực tiễn TP.HCM và khu vực phía Nam.

Thực tế cho thấy hầu hết các bác sĩ ở bệnh viện đều có phòng khám tư, hoạt động từ sau 4h chiều đến 8-9h tối. Những bác sĩ này chỉ cần có chiếc ống nghe để khám bệnh nhưng rất đông bệnh nhân tin tưởng đến khám.

Cách đơn giản nhất để triển khai mô hình bác sĩ gia đình là phát huy các phòng khám tư nhân, sau đó mới đến mô hình ở trạm y tế xã phường.

Tuy nhiên, để thu hút được những bác sĩ có phòng mạch tư tham gia khám chữa bệnh của mạng lưới bác sĩ gia đình thì sắp tới phải có cơ chế tạo quyền lợi cho họ như: quyền chuyển bệnh nhân đến bất cứ bệnh viện nào, được ký hợp đồng với Bảo hiểm y tế.

Bà Tiến cho biết sắp tới những người dân đến bác sĩ gia đình ở trạm y tế phường, xã sẽ được Bảo hiểm y tế thanh toán, khi đến phòng mạch thì sẽ phải trả tiền chênh lệch giữa mức giá khám bệnh ở phòng mạch, phần còn lại Bảo hiểm y tế chi trả.

Tương tự, khi bác sĩ gia đình đến chữa bệnh tại nhà (thay băng cắt chỉ, tập vật lý trị liệu...), người dân cũng chi trả một phần tiền chênh lệch.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM - đánh giá rất cao mô hình bác sĩ gia đình. Ông khẳng định đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe người dân một cách hệ thống và toàn diện, quan trọng nhất là giảm tải cho các bệnh viện lớn.

Tuy nhiên, sau khi đọc qua đề án, ông Thăng đề nghị Bộ Y tế cần đề ra được các mục tiêu cụ thể cho TP.HCM và Hà Nội sẽ có bao nhiêu phần trăm người dân sẽ tham gia mô hình này, trong báo cáo chỉ đưa mục tiêu đến năm 2020 các địa phương sẽ có mô hình bác sĩ gia đình.

Ông Thăng cũng cho rằng việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình chỉ thành công khi cấp ủy, cấp chính quyền các địa phương vào cuộc. Riêng TP.HCM cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để thực hiện đề án bác sĩ gia đình.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Theo ông Trần Quý Tường, hiện chưa có hướng dẫn thanh toán bảo hiểm y tế cho dịch vụ bác sĩ gia đình, cũng chưa có chính sách về giá cho dịch vụ này, mà áp dụng giá như y tế cơ sở, y tế xã, trước đợt đổi mới viện phí (trước ngày 1/3), cụ thể là chỉ có 6.000 đồng/lượt khám.

Để hấp dẫn các bác sĩ tham gia dịch vụ bác sĩ gia đình, ở Tiền Giang có chính sách mỗi lượt khám bác sĩ gia đình giá là 20.000 đồng, trong đó bảo hiểm trả 6.000 đồng, người dân chi trả 14.000 đồng/lượt, tuy nhiên nếu khám ngoài giờ thì bảo hiểm lại không chi trả dù là 6.000 đồng.

Ông Tường cho rằng bên cạnh xây dựng giá khám bệnh đối với bác sĩ gia đình, việc giao cho họ quyền giới thiệu chuyển tuyến lên tỉnh, huyện, T.Ư trong trường hợp có bệnh nhân bệnh nặng sẽ hấp dẫn được cả người dân lẫn các bác sĩ.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, sau khi bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình, sẽ còn cần thêm một thông tư hướng dẫn thực hiện nữa và dự kiến phải hết năm 2016 thông tư này mới hoàn tất.

Trong thời gian chờ đợi, thống kê cho biết Hà Nội phát triển được 76 phòng khám bác sĩ gia đình trong vòng hơn một năm qua, nhưng thực hiện đúng mô hình bác sĩ gia đình thì chưa, do phần lớn lồng ghép với trạm y tế xã, phường.

“Mỗi trạm y tế xã, phường phải thực hiện hàng chục chương trình y tế quốc gia, riêng làm sổ sách họ đã bận lắm rồi nên lồng thêm bác sĩ gia đình vào cũng chỉ là lồng cho có, chứ hiệu quả thì chưa” - một chuyên gia nhận xét.

Ông Đoàn Văn Việt, giám đốc Trung tâm bác sĩ gia đình 50C Hàng Bài (Hà Nội), cho hay trung tâm của ông có trên 70 cán bộ, xấp xỉ 30 người trong số này là bác sĩ và có cả tiến sĩ, thạc sĩ.

Nếu so với kế hoạch 1 bác sĩ gia đình quản lý sức khỏe cho 500 hộ gia đình thì ít nhất mỗi phường cũng cần đến tám phòng khám gia đình, nhưng số lượng bác sĩ gia đình đang có chỉ như muối bỏ biển.

“Chỗ chúng tôi mới có 5-6 bác sĩ thật sự làm nhiệm vụ bác sĩ gia đình, nếu một bác sĩ đang khám cho bệnh nhân nhà ở Hoàn Kiếm mà gia đình bệnh nhân ở Cầu Giấy lại gọi thì chạy không kịp. Rất cần có một hệ thống chung để điều phối mạng lưới bác sĩ gia đình, khi bệnh nhân gọi đến tổng đài thì sẽ điều phối đến các phòng khám trong khu vực phù hợp nhất” - ông Việt đề xuất.

Vướng mắc về tài chính, theo ông Việt, là nút thắt lớn nhất đối với dịch vụ bác sĩ gia đình. “Giá khám bác sĩ gia đình như thế nào, bảo hiểm chi trả ra sao, chúng tôi đề nghị mấy năm nay mà chưa được, trong khi dịch vụ bác sĩ gia đình có rất nhiều lợi ích, phục vụ người dân ngay tại nhà khi họ hắt hơi sổ mũi, hướng dẫn chuyển tuyến nếu bệnh nặng hơn” - ông Việt nói.

Thực hành chăm sóc từ đầu

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, từ năm 2013 đến tháng 6/2015, các phòng khám bác sĩ gia đình trong cả nước đã thực hiện được 3.812 ca cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh 807.720 lượt, thực hiện 12.024 ca thủ thuật và chuyển tuyến 14.440 ca, khám bệnh tại nhà 3.094 ca và tư vấn 10.333 cuộc, phục hồi chức năng 87 ca.

Theo Bộ Y tế, bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành chăm sóc từ đầu, toàn diện liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với người dân nhất.

Bác sĩ gia đình là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng. Mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển tại rất nhiều nơi trên thế giới.

Theo Ngôi Sao

Các tin cũ hơn