Chờ thanh toán BHYT. Ảnh: L.H |
Quy định cứng nhắc
Chị Đinh Thị Mai (46 tuổi, ở tổ 29, phường Dịch Vọng) có nhu cầu mua thẻ BHYT. Song khi xem sổ hộ khẩu, bà Trà My - nhân viên phòng pháp lý, UBND phường Dịch Vọng, giải thích, chị Mai cần có bản photocopy chứng minh thư và thẻ BHYT của các thành viên trong gia đình mới đủ điều kiện.
Chị Mai cho hay, đây là yêu cầu rất khó vì chồng chị dù có trong hộ khẩu nhưng ly thân hơn 10 năm nay, không biết giờ ở đâu. Thêm nữa, cô em gái chồng cũng chung hộ khẩu nhưng mắc bệnh tâm thần, vừa được đưa vào trại. “Nếu lấy được thẻ BHYT của chồng và em chồng mới được mua thẻ BHYT thì tôi chịu rồi” - chị Mai nói.
Với trường hợp của chị Mai, bà Trà My, cho biết, phường vẫn làm thủ tục và ghi rõ những khó khăn của chị để đưa lên quận giải quyết. Phường sẽ tư vấn và tạo mọi điều kiện cho người dân được mua thẻ BHYT.
Ở ngay tại Hà Nội nhưng bà Lê Thị Ngắn ở huyện Gia Lâm từ năm nay phải bỏ mua BHYT dù tuổi đã cao, ốm đau nhiều, có BHYT là cần thiết. Theo lý giải của bà Ngắn: Mọi năm, một người tham gia BHYT đóng khoảng 620.000 đồng/năm nhưng bây giờ đóng theo hộ gia đình. Trong hộ khẩu nhà bà có 5 khẩu số tiền phải đóng lên đến gần 2 triệu đồng dù mức đóng đã giảm dần. Đóng một lúc thế tiền đâu ra với thu nhập của người nông dân.
Theo bà Trà My, số lượng người mua thẻ có giảm do nhiều lý do, trong đó có những quy định mới, người dân không đáp ứng được, dù phường tạo mọi điều kiện để người dân có thể mua được thẻ BHYT. Chưa kể sẽ có rất nhiều người gặp khó khăn khi đi mua thẻ BHYT, như người cho nhập khẩu chung nhưng khi chuyển đi chưa tách, vợ chồng ly thân, người đang thi hành án, con đi học nước ngoài, con đi học, đi làm xa…
Quy định phản tác dụng
Lý giải nguyên nhân sụt giảm người tham gia BHYT, ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH VN cho biết, tại các địa phương khi người dân mua thẻ BHYT nhưng người thực hiện lại quá cứng nhắc, máy móc trong việc đăng ký thủ tục.
Chỉ đơn cử một việc, luật quy định bắt buộc mua BHYT theo hộ gia đình từ ngày 1.1.2015; gia đình có người đi công tác nước ngoài, công tác ở tỉnh khác nhưng xã phường lại yêu cầu phải photocopy thẻ BHYT, giấy tạm trú tạm vắng... Bởi lẽ, theo văn bản số 777/BHXH-BT hướng dẫn một số nội dung về thu BHYT thì đối với người đang tham gia BHYT có tên trong sổ hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú), trường hợp chưa cắt khẩu (như: Đi nước ngoài, ly hôn…) thì trưởng thôn (bản, tổ dân phố) yêu cầu gia đình phải xuất trình giấy tờ để chứng minh.
Quy định là vậy nhưng điều này là không cần thiết; gia đình tự khai, ví dụ gia đình có 5 người thì bao nhiêu người có thẻ, bao nhiêu người chưa, người nào đi công tác xa, tham gia bao nhiêu người; sau đó chủ hộ, địa phương xác nhận; không cần photocopy bất kỳ giấy tờ gì.
Cũng theo ông Bằng, với khoản đóng một năm của một hộ gia đình thấy nhiều nhưng tính ra trung bình mỗi người đóng 33.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, với người dân đóng một lúc quả là khó khăn. Hiện cơ quan chức năng cũng đang tính toán phương án nên thu BHYT theo hộ gia đình như thế nào cho phù hợp, đóng liền 1 năm hay chia nhiều tháng vì về nguyên tắc thẻ BHYT được cấp có giá trị trong vòng 1 năm.
Cuối tuần qua, BHXH VN và Bộ Y tế đã họp bàn để đơn giản hóa thủ tục khi mua BHYT theo hộ gia đình. Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, cho biết: “BHXH VN sẽ sớm ban hành hướng dẫn mới, trong đó quy định người dân không cần có bản sao thẻ BHYT, giấy tạm trú tạm vắng... của các thành viên khác trong gia đình khi mua BHYT”.
Theo Lao Động