Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vừa đưa ra tuyên bố trơ trẽn, vô lý về cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông” có hiệu lực từ ngày 16/5.
Phía Bộ Ngoại giao, Hội nghề cá Việt Nam, thể hiện quan điểm cứng rắn trước tuyên bố trên, đồng thời kiến nghị, thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhằm khuyến khích, động viên ngư dân tiếp tục bám biển...
Để làm rõ thêm những vấn đề trên, hôm 19/5, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi ông Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam.
PV: Ông đánh giá thế nào về cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông” vừa được phía Trung Quốc đưa ra?
Ông Võ Văn Trác: Đây là tuyên bố vô lý, phi pháp từ phía Trung Quốc trong việc áp đặt một cách trơ trẽn cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông”.
Nó vi phạm nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế hợp pháp của ngư dân nói riêng, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông được luật pháp quy định, thừa nhận.
Đây là lệnh cấm vô giá trị đối với ngư dân Việt Nam. Bởi lẽ, nếu lệnh cấm (vô lý) đánh bắt cá nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản tại các ngư trường thuộc vùng biển chủ quyền của Trung Quốc thì đó là quyền của họ.
Tàu cá vỏ thép mang tên Sang Fish 01 của một ngư dân Đà Nẵng đã hạ thủy thành công và đang chuẩn bị tiến ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt hải sản từ năm 2014. Ảnh Hoàng Quân |
Nhưng điều khiến ngư dân bất bình nằm ở chỗ, lệnh cấm (vô lý) này lại áp dụng tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Do vậy, không thể có chuyện nhà tôi anh thích làm gì thì làm.
Hội nghề cá Việt Nam kiên quyết phản đối lệnh cấm (vô lý) này từ phía Trung Quốc.
PV: Phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, lệnh cấm (vô lý) này “chỉ đơn thuần hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế để bảo tồn nguồn cá”. Ông có ý kiến gì về tuyên bố này?
Ông Võ Văn Trác: Trước đây, Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố về lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Đi kèm với đó, họ thường dùng những tàu chấp pháp, ngăn cản ngư dân Việt Nam khai thác ở vùng giáp ranh ngay trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Lệnh cấm đánh bắt do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đưa ra, kéo dài trong hai tháng rưỡi, từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8. Khu vực biển mà Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt nằm trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough. |
Do vậy, việc Trung Quốc áp đặt cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông”, có thể chỉ là cái cớ để phục vụ cho tham vọng của họ nhằm độc chiếm Biển Đông trong tương lai không xa.
PV: Lệnh cấm (vô lý) này có ảnh hưởng gì tới đời sống, hoạt động khai thác của ngư dân, thưa ông?
Ông Võ Văn Trác: Việc Trung Quốc áp đặt “lệnh cấm (vô lý) đánh bắt cá trên Biển Đông” trong năm 2015 là điều đã được tính toán, dự báo từ trước. Chúng tôi không bất ngờ về cái gọi là "lệnh cấm" này.
Do vậy, về cơ bản, nó không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sản xuất, sản lượng khai thác của ngư dân làm nghề đánh bắt hải sản.
Những lệnh cấm kiểu như thế này chưa bao giờ làm ngư dân Việt Nam nản chí. Ngược lại, tuyên bố đi kèm hành động ngang ngược đó lại trở thành động lực cho ngư dân Việt Nam can đảm, kiên cường bám biển sản xuất, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
PV: Với trách nhiệm là đơn vị chủ quản, Hội nghề cá đã thực hiện các biện pháp gì, nhằm đảo bảo an toàn cho ngư dân, để họ yên tâm, tiếp tục bám biển?
Ông Võ Văn Trác: Hội nghề cá đã có công văn kiến nghị các giải pháp sau:
Tiếp tục động viên ngư dân bám biển, sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tuyên truyền cho người dân, để họ nắm được những quy định chung về luật biển để ngư dân thực hiện đúng pháp luật.
Lập tổ, đội sản xuất trên biển để ngư dân hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình khai thác.
Song song đó, hội đã tổ chức phối hợp với các lực lượng trên biển (kiểm ngư, cảnh sát biển, biên phòng) đảm bảo an toàn cho ngư dân đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Tiếp tục kiến nghị với cơ quan hữu quan, tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế, chính sách để ngư dân yên tâm bám biển.
"Việc phía Trung Quốc ra thông báo phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo đúng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định. |
Theo Giáo Dục