Mở đầu kỳ họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015. Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Phần lớn thời gian còn lại của kỳ họp sẽ dành cho công tác xây dựng pháp luật. Trong 31 ngày làm việc, Quốc hội dự kiến thông qua 11 luật, một nghị quyết, cho ý kiến với 4 bộ luật sửa đổi, 11 dự án luật. Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thảo luận ở tổ về Dự án Luật trưng cầu ý dân, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Đây là lần đầu Quốc hội thảo luận về Luật trưng cầu ý dân nhằm phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân, tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với những vấn đề quan trọng của đất nước.
11 dự án luật được Quốc hội xem xét thông qua gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
15 dự luật được cho ý kiến gồm: Bộ Luật Dân sự (sửa đổi); Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân...
Trong công tác giám sát, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Phiên khai mạc, bế mạc và các buổi thảo luận về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước, các phiên chất vấn, trả lời chất vấn sẽ được truyền hình, truyền thanh trực tiếp.
Trước đó, suốt kỳ họp thứ 8, ông Nguyễn Bá Thanh xin vắng mặt với lý do đi chữa bệnh. Trưa 13/2, ông Thanh trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà sau hơn nửa năm điều trị rối loạn sinh tuỷ, hưởng thọ 62 tuổi. Ông Nguyễn Bá Thanh từng giữ chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (1996-2012) trước khi làm Trưởng ban Nội chính từ tháng 12/2012. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa: IX, XI, XII, XIII.
Ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: Đức Đồng. |
Trong hai nhiệm kỳ lãnh đạo Đà Nẵng, ông đưa ra nhiều chính sách giúp thành phố nghèo khó ven sông "lột xác", như chiến dịch "năm không": Không hộ đói, không mù chữ, không lang thang xin ăn, không ma tuý, không giết người cướp của. 5 năm sau, khi "năm không" hoàn thành, ông tiếp tục chỉ đạo thực hiện "ba có": Có nhà ở, có việc làm và có lối sống văn minh đô thị.
Ông cũng nổi tiếng với những phát ngôn "nói là làm", "làm việc chứ đừng hô khẩu hiệu", "làm người phải có lòng tự trọng"...
Theo VnExpress