Gặp người dẫn Thái tử Ả Rập khám phá hang Sơn Đoòng

Thứ tư, 20/05/2015, 09:17
Hồ Khanh kể rằng, trong hàng chục lần hướng dẫn khách khám phá hang Sơn Đoòng, anh đã có vinh dự dẫn nhiều nhân vật rất “đặc biệt”, Thái tử Ả Rập, chính khách Mỹ…

Từ người phát hiện hang Sơn Đoòng đến việc hàng chục năm dẫn đoàn thám hiểm Hiệp hội hang động Hoàng Gia Anh đi tìm hang động và bây giờ là chuyên gia hướng dẫn khách du lịch khám phá hang Sơn Đoòng, Hồ Khanh được mệnh danh là “người dẫn đường số 1” ở Phong Nha – Kẻ Bàng. Xung quanh công việc thầm lặng của anh Hồ Khanh, có những câu chuyện đầy thú vị mà đến bây giờ anh mới kể…

Hồ Khanh và Howard Limbert trong một lần thám hiểm tìm kiếm hang động.

Thái tử Ả Rập “chết mê” trước Sơn Đoòng

Hồ Khanh kể rằng, trong hàng chục lần hướng dẫn khách khám phá hang Sơn Đoòng, anh đã có vinh dự dẫn nhiều nhân vật rất “đặc biệt” như siêu mẫu Cộng hòa Czech, Thái tử Ả Rập, chính khách Mỹ…

Đến bây giờ, Hồ Khanh vẫn ấn tượng với vị khách “đặc biệt” mà anh được dẫn vào đầu năm 2014, đó là ngài Sheikh Khalifa bin Zayed bin Sultan Al Nahyan (SN 1969), thái tử của Tiểu vương quốc Abu Dhabi (vương quốc rộng lớn, đông dân và thịnh vượng nhất trong cộng đồng các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất). Thái tử cũng là người nổi tiếng về sự giàu có với các bộ sưu tập xe hơi, du thuyền hạng sang và đam mê du lịch mạo hiểm.

Chuyến đi đến Sơn Đoòng của đoàn thái tử Ả Rập được công ty lữ hành nơi anh Hồ Khanh làm việc bố trí những người phục vụ giỏi nhất như: Chuyên gia hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert, anh Hồ Khanh và 15 porter (nhân viên khuân vác) phục vụ.

Đội ngũ porter chuẩn bị hành lý để hướng dẫn khách du lịch khám phá Sơn Đoòng, mỗi porter phải vác trên 30kg hành lý cho du khách.

Hồ Khanh kể: Một điều ngoài dự kiến trong chuyến đi đã khiến đoàn hướng dẫn rất bối rối. Các thành viên trong đoàn của thái tử chỉ ăn cơm với rau chứ không đụng đến những thực phẩm khác.

Thấy mọi người lo lắng, thái tử cười, giải thích, những người theo đạo Hồi, trước khi giết thịt một con vật nào đó để ăn, đều phải cầu xin thánh Ala và dùng dây thắt cổ chứ không giết bằng cách chọc tiết. Thái tử khẳng định, mình đủ sức để khám phá Sơn Đoòng vì ông có một loại trà đặc biệt, uống vào sẽ bù lại năng lượng đã mất, phục hồi sức khỏe rất tốt, dù thiếu thịt.

Và cứ thế, trong suốt chuyến đi, người trợ lý của thái tử liên tục pha trà để ông uống. Trà được pha trong bộ ấm chén làm bằng gốm, có viền vàng rất đẹp. Mọi người trong đoàn cũng được thái tử mời thưởng thức loại trà đặc biệt này.

Cũng theo lời anh Hồ Khanh, Thái tử rất thông thạo leo núi, thòng dây để xuống động và đi qua các con suối. Trong suốt chuyến đi, Thái tử lặng lẽ cảm nhận mọi thứ, rất ít nói chuyện khi vào trong lòng động.

Khi đi đến khu vực lòng hang rộng và lớn nhất với những đại thạch nhũ, ông hỏi đoạn đường của tour khám phá còn bao nhiêu nữa. Khi nghe mọi người nói mới được nửa đường, ông quay sang những người bạn của mình nói.

“Chỉ đến đây thôi cũng đã đáng giá 3.000 đô rồi”. Thái tử đã rất ngỡ ngàng khi chạm đến rừng cây trong lòng hang. Ông ngẩn ngơ ngắm nhìn, lắng nghe tiếng chim hót và đặc biệt thích thú khi những màn sương mờ ảo lúc ẩn, lúc hiện kéo qua khu rừng.

Ông đã dừng ở đây rất lâu để được nhìn thấy ánh mặt trời lướt qua khu rừng vào giữa buổi trưa. Thái tử tâm sự: “Trong hành trình khám phá Sơn Đoòng, đã có lúc tôi cảm thấy dường như mình đã chạm tới tận cùng giới hạn của tự nhiên.”

Sau khi khám phá Sơn Đoòng, không chỉ vì “chết mê” trước Sơn Đoòng, mà hình như Thái tử Ả Rập còn dành những tình cảm khá đặc biệt với Hồ Khanh - “người dẫn đường số 1”, nên chỉ vài tháng sau Thái tử đã trở lại Phong Nha – Kẻ Bàng.

Lần này, ông không khám phá Sơn Đoòng mà mời riêng Hồ Khanh đi khám phá những nơi khác ở Phong Nha – Kẻ Bàng. “Đi đến đâu, Thái tử cũng bảo ở đây thật tuyệt vời. Ông nói, khi con trai ông cưới vợ, ông sẽ đưa cả con trai và con dâu trở lại Phong Nha – Kẻ Bàng và khám phá Sơn Đoòng một lần nữa” – Hồ Khanh kể.

Chuyên gia dự báo thời tiết

Hồ Khanh, người dẫn đường địa phương nổi tiếng cùng Howard Limbert giới thiệu với đoàn làm phim NHK Nhật Bản về hệ thống hang động tại Phong Nha- Kẻ Bàng. Ảnh đoàn thám hiểm cung cấp

Ngoài danh hiệu “người dẫn đường số 1”, Hồ Khanh còn được vợ chồng ông Howard Limbert tặng cho danh hiệu “chuyên gia dự báo thời tiết”. Hồ Khanh cho biết, anh đã sống hàng chục năm ở địa phương và có thâm niên đi rừng nên anh có thể nhìn mây, nhìn cây cỏ… mà dự đoán được thời tiết.

Có nhiều lần, trước lúc lên đường đi rừng, ông Howard Limbert hỏi Hồ Khanh liệu có mưa không trong những ngày tới. Những lần như thế, phần lớn Hồ Khanh đoán đúng nhờ kinh nghiệm dân gian, điều này khiến ông Howard Limbert vô cùng ngạc nhiên, ông bảo Hồ Khanh còn “chuẩn” hơn những máy móc hiện đại của ông.

Hồ Khanh kể: Mới đây trong buổi truyền hình trực tiếp của Đài ABC News từ hang Én và hang Sơn Đoòng, ông Howard Limbert đã rất sốt ruột khi thấy một đám mây đen lớn kéo đến lúc 15 giờ chiều, ông liền hỏi Hồ Khanh liệu có mưa không?

Hồ Khanh nhìn đám mây nói chắc như đinh đóng cột: “Bây giờ không mưa nhưng khoảng 12 giờ đêm chắc chắn ở thượng nguồn có mưa lớn và có lũ nhỏ”. Điều Hồ Khanh dự đoán đã xảy ra, một lần nữa khiến ông Howard Limbert rất khâm phục vì kinh nghiệm dân gian của anh.

Những bước ngoặc cuộc đời

Bây giờ cái tên Hồ Khanh đã trở nên nổi tiếng cùng sự nổi tiếng của hang Sơn Đoòng, nhưng ít ai biết được rằng cách đây chưa lâu, gia đình Hồ Khanh cũng đầy khó khăn trong cảnh cơm áo gạo tiền.

Hồ Khanh mồ côi cha từ khi 13 tuổi. Gia đình anh thuộc dạng nghèo khó như bao nhiêu gia đình nghèo khác ở vùng Phong Nha. Nhà đông anh em nên Hồ Khanh chỉ học hết lớp 6. Năm 18 tuổi, anh bắt đầu đi rừng tìm kiếm trầm hương.

Từ đấy, bàn chân anh đạp khắp các vùng của Phong Nha - Kẻ Bàng và sang tận Lào. Trong những chuyến đi xuyên rừng dài ngày, hang động như là mái nhà và nơi nuôi dưỡng anh khi cung cấp nguồn nước uống trong lành. Đó cũng là lý do anh biết nhiều hang động đến vậy.

Sau nhiều năm đạp rừng tìm trầm, đến khoảng năm 2002, Hồ Khanh bỏ hẳn và chuyển sang làm người dẫn đường cho các nhà thám hiểm hang động, công việc thầm lặng đã giúp các nhà thám hiểm tìm ra hàng chục hang động lớn nhỏ.

Hồ Khanh cùng đoàn dẫn đường địa phương dẫn đường cho đoàn thám hiểm hang động Anh tìm kiếm hang động. Ảnh đoàn thám hiểm cung cấp

Năm 2012, anh vay mượn thêm vào số tiền tích cóp để làm nhà nghỉ sát bờ sông theo mô hình homestay. Từ 3 phòng gỗ, nay thêm 3 phòng xây đầy đủ tiện nghi với tổng vốn đầu tư 1,8 tỉ đồng. Dù lượng khách chưa lớn nhưng vẫn có khách đặt chỗ đến năm 2016. Nó mang thêm nguồn thu cho gia đình anh; tạo việc làm cho vợ anh và 3 người cháu (mỗi người hưởng lương hơn 2 triệu đồng/tháng).

Từ homestay của Hồ Khanh nhìn ra dòng sông Son thơ mộng

“Khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế tìm đến khám phá Sơn Đoòng ngày càng đông, không phải riêng bản thân tôi mà những người dân làm porter cũng có cuộc sống khá hơn, công việc ổn định với bình quân mỗi porter được 6 triệu/tháng và chỉ làm chừng 10 ngày. Tui thực sự cảm thấy vui mừng vì tạo hóa đã tặng cho quê hương tui một Sơn Đoòng và tự hào là người đầu tiên tìm ra nó”- Hồ Khanh.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn