Cách đây hơn 1 năm, Trung tâm Giám định gen ở Hoàng Cầu, Hà Nội nhận giám định gen cho một gia đình đặc biệt: người cha giàu có và đang khát con trai mong giám định xem cậu con trai mới sinh có phải là con của ông ta hay không.
Tổ ấm thời ADN
Theo người cha này, khi em bé mới sinh được 3 ngày, ông ta đã nghi ngờ và bí mật lấy mẫu tóc của bé mang đi xét nghiệm ADN.
Kết quả cho biết ông không phải là cha ruột của bé. Ngờ rằng vợ có tình nhân, ông yêu cầu cả vợ, em bé mới đầy tháng và chính bản thân đi làm giám định ADN.
Kết quả thật bất ngờ, em bé này không phải là con của cả người chồng lẫn người vợ! Hóa ra em bé mới sinh là sản phẩm của một “đường dây” được thiết kế rất tinh vi để qua mặt người chồng, những tưởng sẽ không ai phát hiện vì không có lấy một kẽ hở.
Trong khi đó, chị Phan Thị Thanh Túy, nhân viên tư vấn của một cơ sở xét nghiệm ADN ở Hà Nội, lại kể một câu chuyện xúc động về sự đoàn tụ sau khi có kết quả xét nghiệm ADN.
Gia đình khách hàng đến xét nghiệm có cậu con trai út thất lạc khi còn nhỏ, nay cậu đã ngoài 30 tuổi.
Nhiều năm đi tìm con, gia đình được biết cậu con trai đã được một gia đình người Pháp nhận nuôi và đưa con về Pháp.
Gia đình nhờ họ hàng ở Pháp tìm con, nhưng khi tìm đến thì gia đình người Pháp không nhận họ có con nuôi như vậy, rồi chuyển nhà.
Ở Việt Nam, cha mẹ ruột và các anh chị cứ ngỡ sẽ không bao giờ tìm được người thân. Nhưng rồi qua Facebook, những người họ hàng ở Pháp đã liên lạc được với người con trai bị thất lạc, thuyết phục anh về nước cùng xét nghiệm ADN. Và kết quả đã giúp cho người cha 70 tuổi được gặp lại đứa con trai thất lạc của mình.
Có rất nhiều cảnh ngộ dẫn người ta đến cơ sở xét nghiệm ADN. Có trường hợp vì tranh chấp tài sản cần xác định cha cho con, có người trót có con với người đàn ông không tốt và nay bị ông ta tống tiền, có người đến tìm người thân thất lạc...
Mỗi khi có kết quả, người ta ngóng đợi để rồi sau đó vui hết cỡ, có khi lại buồn hết cỡ. Kết quả xét nghiệm ADN nhanh nhất là sau 4 giờ, chậm nhất cũng chỉ 3-4 ngày, chỉ là một tờ giấy với những dòng chữ rất đơn điệu nhưng có thể giải tỏa những nỗi niềm, sự lo ngại, điều tiếng hoặc ngược lại là đem đến điều tiếng cho cuộc sống vốn yên ổn của một gia đình.
Có những tình thế không thể đặng đừng, buộc đưa nhau đi giám định ADN và sau đó có gia đình tan vỡ...
"Bao năm nuôi dưỡng, con đã là con của cha"
Ba năm trước, gia đình anh B. ở Hà Nội tưởng như đã lâm vào ngõ cụt khi kết quả xét nghiệm ADN hai đứa con trai cho thấy một đứa không phải nòi giống nhà mình.
Người vợ được nhà chồng “trả” cho cha mẹ ruột cùng với đứa con riêng, còn cậu con trai ruột được bà nội và các bác trông nom.
Nỗi chán chường bị cắm sừng đến nỗi mang cả “sản phẩm” về nhà, cộng với miệng tiếng ác ý từ đồng nghiệp, bạn bè, anh B. trượt dài vào rượu tưởng như không thoát ra được.
Nhưng chính sự bao dung của người mẹ chồng (mẹ anh B.) với cô con dâu trót dại, bà khuyên con bao dung cho vợ và dẫn con dâu cùng cả đứa cháu không chung dòng máu về nuôi.
Cả một gia đình sau những ngượng ngùng ban đầu, giờ họ sống với nhau và sắp sinh thêm một đứa con.
Một câu chuyện khác, không có hậu của một gia đình ở TP.HCM. Trong một lần vợ chồng cãi nhau, người vợ tuyên bố đứa con thứ hai không phải là con của chồng, cha đứa trẻ là tài xế của chồng.
Người chồng suy sụp, đứa trẻ đã 15 tuổi. Sau chừng ấy năm, bao nhiêu tình thương anh dành cho con không đong đếm được.
Con không biết gì về những gì mẹ nó tuyên bố. Từ ngày biết sự thật, anh càng thương đứa con ấy nhiều hơn.
Bởi anh nghĩ dù bao nhiêu tình thương cũng không bù đắp được cho một đứa trẻ không có cha ruột nuôi nấng từng ngày.
Nhưng càng nhún nhường thì người vợ lại càng quá đáng và tiếp tục ngoại tình. Chị đòi ly hôn. Anh không thể níu giữ hơn được nữa sau nhiều lần tòa hòa giải, hai người ly hôn.
Mỗi một lần buộc phải đem nhau ra trung tâm xét nghiệm ADN là một lần những người đang hoặc từng là vợ chồng, cha mẹ/con, người thân nghi ngờ lẫn nhau.
Kết quả có thể giải tỏa được nỗi nghi ngờ nhưng để lại hậu quả cũng không kém phần đáng tiếc, bởi nếu kết quả chứng minh người con/ cháu đó không phải là núm ruột của gia đình thì sẽ có một gia đình trên bờ vực tan vỡ, những đứa trẻ là nạn nhân sẽ là người đau khổ nhất.
Còn nếu bao dung được cho nhau, chẳng phải cuộc sống sẽ dễ dàng hơn và nhân ái hơn hay sao?!
Xét nghiệm ADN là phương pháp chính xác nhất
Theo ông Hà Hữu Hảo - Trưởng khoa ADN, Viện Pháp y Quốc gia, giám định ADN là phương pháp chính xác nhất hiện nay để xác định huyết thống giữa con và bố (mẹ) nghi vấn (tỷ lệ chính xác lên tới 99,999% hoặc hơn tùy vào số gen làm xét nghiệm, trường hợp xét nghiệm từ 18 - 24 locut trở lên thì tỉ lệ chính xác vào khoảng 99,99999999% - được xem là bằng chứng trước tòa).
Nếu hai mẫu ADN của người con và cha nghi vấn không khớp với nhau từ hai gen trở lên thì khả năng người đàn ông này 100% không phải là cha ruột của đứa trẻ.
Trên thực tế, người cha có thể tự đem mẫu ADN đến các trung tâm xác định huyết thống với người con mà không cần đến sự đồng ý của người mẹ, nhưng kết quả này chỉ phục vụ mục đích cá nhân, không có ý nghĩa là bằng chứng trước tòa án.
Nếu như có tranh chấp, kiện cáo liên quan đến việc giám định ADN, tòa án sẽ buộc các bên làm lại giám định ADN trước sự chứng kiến của bên thứ ba là người làm chứng, viện kiểm sát...
Theo luật sư Trần Đình Triển, từng có những trường hợp tòa án yêu cầu xét nghiệm ADN để tìm cha cho con nhưng người cha ấy nhất định không chịu đến cơ sở xét nghiệm ADN để lấy mẫu nên tòa án phải cưỡng chế.
Ông Triển cũng cho rằng xét nghiệm ADN là chính xác, nhưng những trường hợp nhạy cảm như song sinh khác cha thì nên trưng cầu kết quả giám định ở một trung tâm khác để đảm bảo khách quan và chính xác hơn.
“Con cái là quan trọng hàng đầu”
Trao đổi về sự kiện song thai khác cha đang ồn ào trong dư luận, TS tâm lý học Đinh Phương Duy nói: xét cho cùng đó là việc riêng của gia đình, xã hội và truyền thông đang góp phần làm cuộc sống gia đình đó tồi tệ hơn.
Trong quá trình làm việc, theo TS Duy, có những khách hàng gặp ông mang nỗi hoài nghi về vợ về chồng của mình. Đôi khi có căn cứ cụ thể, có khi là ngộ nhận, có khi là ngoại tình thật. Dù đúng hay sai, mọi người cần nghĩ “gia đình là trên hết”, nghĩ về các mối quan hệ gia đình sẽ vượt qua được đôi lần “tính này tính kia” và có thể tha thứ để dung hòa với nhau.
Trường hợp người đàn ông biết chắc một trong những đứa con không phải con mình, thâm tâm chắc chắn có điều lợn cợn. Nhưng yêu thương con cái, cho con tuổi thơ yên ổn, vượt qua được sự ám ảnh để tiếp tục chung sống thì cần cư xử bình thường. Cố gắng cân bằng cuộc sống, không dồn về phía nào cụ thể. Người đàn ông không nhất thiết quá cao thượng, chỉ cần nhân văn. Quá cao thượng, người vợ càng lấn lướt hoặc cho rằng hành động yêu thương là để hành hạ những lỗi lầm của họ, như vậy gia đình cũng không thể yên ổn. Vai trò là một người chồng, TS Duy vẫn xác định “vợ chồng là tin tưởng lẫn nhau, gia đình là trên hết, con cái là quan trọng hàng đầu”.
Theo Tuổi Trẻ