Sau khi tháo dỡ, diện tích của các tháp nước được sử dụng làm nơi chứa nước phòng cháy chữa cháy; xây các trạm châm clo, nâng cao chất lượng nguồn nước.
Ngoài thuỷ đài nằm trong khuôn viên công ty cấp nước trên đường 3 Tháng 2, gần vòng xoay Dân chủ được giữ lại, 7 tháp nước sẽ bị tháo dỡ nằm rải rác tại: góc đường Lê Đại Hành – 3 Tháng 2 (quận 11), gần Trung tâm Văn hóa quận 5, hẻm 198 Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp), Nguyễn Văn Đậu (Bình Thạnh), Hồ Văn Huê (Phú Nhuận) và Phạm Phú Thứ (quận 6) và ngã 4 Hoàng Diệu – Nguyễn Tất Thành (quận 4).
Thủy đài hình nấm khổng lồ năm trên đường Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành. |
Những tháp nước này do người Mỹ thiết kế, xây từ năm 1965 đến 1969 và nằm chung một hệ thống. Chúng được thi công đồng loạt với mục đích ổn định nguồn nước cho các khu vực ở xa nhà máy nước Thủ Đức (hoàn thành năm 1966) như Gò Vấp, quận 11, quận 6....
Các thuỷ đài có cơ cấu và nguyên lý hoạt động như hệ thống hầm chứa, bồn nước mà người Pháp xây dựng trước đây, chỉ khác là được đưa lên độ cao gần 30m.
Theo thiết kế, các thủy đài được xây dựng để điều áp nguồn nước. Buổi tối, khi người dân ít sử dụng sẽ dư ra một lượng nước lớn, phần nước dư này sẽ tự động bơm lên các thủy đài. Còn ban ngày người dân xài nhiều, thủy đài sẽ tự động mở van để bơm nước trở lại vào mạng lưới cung cấp.
Tuy nhiên, khi xây xong các thủy đài (có tổng dung tích gần 50.000m3 và công suất bơm khoảng 480.000m3 một ngày) không vận hành được do bị rò rỉ. Công tác khắc phục kéo dài đến năm 1975 vẫn chưa hoàn thành. Sau khi tiếp quản, việc sửa chữa được TP.HCM xem xét nhưng không thực hiện được nên bỏ hoang đến nay
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề nghị Sawaco nếu có nhu cầu sử dụng các thủy đài phải tổ chức kiểm định chất lượng, làm cơ sở để phục hồi. Đối với các tháp nước không có nhu cầu sử dụng phải lập thủ tục thanh lý, tháo dỡ, chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo VNE