Không việc làm, một số cử nhân càng có nhiều thời gian rảnh rỗi để vui chơi (Ảnh minh họa) |
Thất nghiệp vì quá kén việc
Những con số thống kê về tình trạng thất nghiệp không chỉ vài quý mà vài năm gần đây thì cử nhân, thạc sĩ luôn đứng đầu bảng. Kể cả khi có tín hiệu vui, tình trạng thất nghiệp nhìn chung giảm thì đặc biệt đối tượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp lại cứ tăng dần đều.
Bên cạnh việc cử nhân ra trường dư so với nhu cầu, đối tượng chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội thì có một thực tế vẫn tồn tại từ lâu: một bộ phận không nhỏ cử nhân quá kén việc, không chịu khó, thà thất nghiệp hơn phải làm những công việc hay mức thu nhập mà bản thân họ cho là không xứng với trình độ của mình.
Tốt nghiệp trường ĐH Q, TP.HCM, trong vòng 3 năm, chàng cử nhân N.M.Đ đã trải qua trên chục nơi làm việc, có nơi chưa được một tuần, nơi gắn bó nhất không quá hai tháng. Đến đâu Đ. cũng chê, điệp khúc lương bèo mà đòi giữ chân người tài, chê công ty nhỏ, rồi khoe người như mình “hở” ra là có nơi “hốt” được nhắc suốt trên Facebook. Thế nhưng cả hơn năm nay, cậu thuộc diện “tự do” không việc làm.
Trường hợp cử nhân ra trường kén việc, không chịu khó rồi thất nghiệp như Đ. không hề hiếm mà theo các nhà tuyển dụng, còn rất phổ biến.
Anh Nguyễn Chung, phụ trách kinh doanh một cơ sở sản xuất thời trang ở Gò Vấp, TP.HCM cho hay, công ty tuyển dụng bộ phận kinh doanh mà nghe nói công việc phải giới thiệu, liên hệ phát triển khách hàng… là các bạn lắc đầu. Có cử nhân chưa thể hiện được khả năng của mình nhưng đã đề ra mức lương 10 - 20 triệu đồng.
“Một số cử nhân còn nặng tư duy mình có bằng cấp thì chỉ làm việc ở phòng máy lạnh và… lĩnh lương. Một chút khó khăn trong công việc hay mối quan hệ với đồng nghiệp thay vì nỗ lực khắc phục thì các bạn hay nản chí và bỏ cuộc. Nếu sợ thất nghiệp, chắc chắn họ phải nỗ lực hơn”, anh Chung nói.
Thực tế, có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ở những trường ĐH lớn nhưng thất nghiệp từ năm này đến năm khác. Cử nhân ra trường thất nghiệp thường bởi hai lý do: không đáp ứng được hoặc chê chỗ làm.
Một số người đi làm đâu cũng thấy… thiệt thòi như công việc nặng nề, thu nhập không như mong muốn. Không ít cử nhân đi làm chỗ nào cũng chê, chê công ty không hoành tráng, không có tiếng, chê đồng nghiệp, chê sếp, chê lương.
Càng thất nghiệp càng… ăn chơi
Thất nghiệp nhiều cử nhân phải quay cuồng làm đủ việc trái ngành để nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cử nhân ra trường không việc làm vẫn “rung đùi”, thậm chí còn có nhiều thời gian rảnh rỗi để tiêu tiền, ăn chơi.
Có thể nhiều lý do cử nhân “chán” đi làm như công việc không phù hợp, năng lực không đáp ứng được nhu cầu, nhiều khúc mắc không được giải quyết. Nhưng khi cử nhân bằng lòng “nằm dài” không việc làm thì chí ít họ có nguồn “viện trợ” từ gia đình.
Như N.M.Đ. đi làm ở đâu cũng chán, cũng sẵn sàng bỏ bởi Đ. chẳng bao giờ phải lo chuyện tiền bạc. Ngay từ hồi sinh viên, bố mẹ Đ. đã mua sẵn nhà ở thành phố cho “quý tử”, hàng tháng tài khoản Đ. đều đặn nhận tiền từ gia đình mà số tiền Đ. khoe, chẳng công ty nào trả nổi cho mình
Thế nên, không việc làm nhưng Đ. vẫn đi xe, xài điện thoại xịn. Rảnh rỗi nên suốt ngày cậu tìm bạn bè đi cà phê, đánh bài, rong ruổi nhà hàng, quán ăn.
Ra trường đi làm vài nơi rồi chán nhưng Tr.Q.A., tốt nghiệp ĐH K, TP.HCM (đang sống ở Hà Nội) vẫn sống khỏe. Gia đình không quá khá giả nhưng bố mẹ vẫn đều đặn gửi tiền cho A. như lúc đi học. Chưa kể, cứ tuần một lần A. lại ra bến xe Giáp Bát nhận thùng thực phẩm “cứu trợ” bố mẹ gửi ra đủ cho cậu và bạn gái chẳng lo đói.
Câu chuyện khác được ghi nhận tại một phòng tư vấn tâm lý Q.1, TP.HCM. Người mẹ 52 tuổi, khóc cạn nước mắt, bất lực bởi hai đứa con tốt nghiệp ĐH thuộc các trường có tên tuổi nhưng ra trường từ lâu… mà cứ đi làm vài ba hôm rồi nghỉ. Không phải các cháu khó xin việc, việc bố mẹ lo cho tận nơi cũng không thiết tha. Hai cháu suốt ngày ở nhà lên mạng xã hội rồi lại trung tâm thương mại mua sắm, ăn uống, đi du lịch.
Đến khi được tư vấn, trước hết bố mẹ cần trao đổi sẽ từ từ giảm rồi tiến tới cắt tiền chu cấp cho hai con thì người mẹ lắc đầu: “Tôi chỉ mong nó đi làm cho vui, bớt chơi bời chứ không cần cháu phải kiếm tiền”.
Đến nước này, chuyên gia tư vấn phải nói rằng người cần thay đổi là bà mẹ chứ không phải hai con.
Sự bao bọc thái quá của một số bậc cha mẹ biến nhiều cử nhân sống phụ thuộc, lười lao động bởi không hiểu giá trị của lao động. Sự bao bọc làm con trẻ không thể trưởng thành và cũng mất đi động lực để trường thành. Được ăn học, có bằng cấp nhưng được/bị gia đình “úm” quá, nhiều cử nhân sống ỷ lại nên càng khó thích nghi với môi trường làm việc tập thể và lại càng dễ thất nghiệp. Càng thất nghiệp họ lại càng dựa dẫm như một vòng luẩn quẩn
Theo Dân Trí