BX Miền Đông hiện tại |
Vị trí thuận lợi
Theo đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vừa được UBND TP.HCM phê duyệt, BX Miền Đông mới có diện tích hơn 160.000 m2 nằm ở phường Long Bình, quận 9, TP.HCM (chiếm hơn 3/4 diện tích) và phường Bình Thắng, TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương (gần 1/4 diện tích). Công trình gồm 4 khu A, B, C, D; Trong đó, khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao nhất có 26 tầng, diện tích hơn 122.000m2 (chiếm hơn 76% tổng diện tích); Khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng); Khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng) và khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng). Tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng theo phương án tự huy động vốn. Theo dự kiến, đầu tháng 5 này sẽ làm lễ động thổ dự án và hoàn thành trong năm 2018 cùng thời điểm hoạt động của tuyến metro số 1.
Tổng công ty TNHH MTV Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco), chủ đầu tư dự án BX Miền Đông mới cho biết, BX mới là một tổng thể khu vực liên hợp nhiều công trình phục vụ đa chức năng, đáp ứng nhu cầu của hành khách và hoạt động dịch vụ của BX; Là đầu mối vận chuyển hành khách đa hướng tuyến, quy mô lớn, đáp ứng được định hướng phát triển trong tương lai.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Điền, Phó giám đốc Truyền thông Samco cho biết, với quy hoạch trên, điểm mới có vị trí rất thuận tiện cho giao thông và đi lại của người dân TP và các tỉnh. BX Miền Đông mới sẽ kết nối với các tuyến xe buýt, đặc biệt là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Hành khách từ các tỉnh về đến BX này có thể lựa chọn các loại phương tiện công cộng, metro để vào trung tâm thành phố hoặc về các quận huyện vùng ven, cũng như có thể đi Bình Dương, Đồng Nai...
Nhiều chuyên gia nhận định, đây là một tín hiệu lạc quan và giải quyết phần nào nạn kẹt xe ở khu vực nội thành. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo lắng bởi BX mới này nằm trên địa bàn giáp ranh TP.HCM và Bình Dương nên tình hình ANTT sẽ khó quản lý…
Dự án BX Miền Đông mới |
Khó thu hút khách?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc BX Miền Đông cho biết, hiện có hơn 220 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải hành khách tại bến với lượng xe đăng ký trên 3.000 đầu xe. Trong đó, mỗi ngày có khoảng 2.000 lượt xe ra vào. Ngày thường, lượng khách tập trung về bến khoảng 20.000 khách/ngày, ngày lễ lên tới 40.000 - 50.000 khách/ngày.
Theo ông Hải, khi BX di chuyển ra ngoại thành TP (P.Long Bình, Q 9) sẽ khó khăn cho khách đi xe, vì hiện nay dù BX đang ở gần khu vực trung tâm (quận Bình Thạnh) cũng đã vắng khách đến bến mua vé. Nguyên nhân do xe dù, bến cóc xuất hiện nhiều ở khu vực trung tâm, phục vụ hành khách tiện đâu đi đó. Nếu bến dời ra ngoại ô thì lượng khách ra bến sẽ càng giảm bởi không ai chạy từ quận 1 xuống Q 9 (gần 30km) để đi Vũng Tàu, Phan Thiết. Tuy nhiên, ông Hải cũng nhận định bến mới có lợi hơn bến cũ là diện tích lớn, đồng thời có hệ thống metro Bến Thành - Suối Tiên...
Trao đổi với PV Báo Giao thông về vấn đề quản lý BX Miền Đông mới, ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện nay diện tích của BX nằm ở 2 địa phương (TP.HCM 123.111m2 và Bình Dương 37.259m2) và phần đất này nhà đầu tư đã đền bù GPMB. Do đó, về mặt pháp lý là sự quản lý của TP.HCM.
Để làm tốt công tác ANTT, giữa TP.HCM và Bình Dương sẽ có sự phối hợp chặt chẽ để quản lý. Mục đích cao nhất là đảm bảo ANTT và ATGT cho hành khách. Sở GTVT sẽ có trách nhiệm quản lý Nhà nước như việc quản lý các bến xe hiện nay: Xe vào bến, nốt tài, tăng chuyến, giảm chuyến… nhà đầu tư bến sẽ xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông trong bến, còn ATGT ở khu vực ngoài BX Sở GTVT sẽ có phương án cụ thể. Riêng về tình hình ANTT tại BX sẽ có sự phối hợp riêng giữa công an quận 9 (TP.HCM) và công an tỉnh Bình Dương.
Theo Báo Giao Thông