Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông), đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo đại lục định hướng rõ ràng như vậy kể từ Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến vào năm 2013.
Cụ thể, ông Trương xác định 4 vấn đề chính để Hồng Kông tập trung trong thời gian tới, bao gồm các khu vực chuyên môn, quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, các chương trình trao đổi con người và hợp tác với đại lục phát triển các doanh nghiệp trong “một vành đai, một con đường”. Theo ông Trương, các điểm mạnh truyền thống của Hồng Kông - như cảng biển, sân bay hoạt động nhộn nhịp - là “cánh cửa quan trọng để mở ra sự giao lưu cho Trung Quốc”.
8.000 cảnh sát được triển khai khắp Hồng Kông trong ngày 18-5 để duy trì an ninh Ảnh: SCMP |
Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg dẫn lời nhận xét của giáo sư khoa học - xã hội Đinh Học Lương thuộc Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hồng Kông: “Nếu ông Trương không đề cập các khía cạnh chính trị trong quan hệ giữa đại lục và Hồng Kông mà chỉ tập trung vào triển vọng kinh tế thì kết quả chuyến thăm này sẽ tiêu cực. Người Hồng Kông sẽ thất vọng”.
Đánh giá của GS Đinh được chứng thực trên đường phố Hồng Kông vốn căng thẳng từ trước khi ông Trương xuống máy bay hôm 17-5 và sang ngày 18-5, các nhà hoạt động tiếp tục xuống đường phản đối sự xuất hiện của ông Trương. Thậm chí, Đảng Tân Dân chủ Đồng minh còn đặt khoảng một trăm bia mộ giấy ở Công viên Tamar (Thiêm Mã) để tưởng nhớ những người chết vì dịch SARS vào năm 2003.
Đảng này cáo buộc ông Trương, khi đó là người đứng đầu tỉnh Quảng Đông, che giấu thông tin khiến Hồng Kông không kịp trở tay với đại dịch, hậu quả là 299 người thiệt mạng. Còn Demosisto - một đảng chính trị do các lãnh đạo sinh viên tham gia các cuộc biểu tình “Chiếm Trung Hoàn” năm 2014 thành lập, trong đó có Joshua Wong - tiết lộ phương án bám đuôi xe ông Trương theo kiểu “du kích”. Căng thẳng khiến cảnh sát phải dẹp bỏ các khu vực biểu tình ở khu Wan Chai (Loan Tử), gần trung tâm hội nghị nơi ông Trương phát biểu. Khu vực này bị chia đôi giữa 2 phe phản đối và ủng hộ Bắc Kinh.
Không chỉ không níu được Hồng Kông lại gần, Bắc Kinh còn đang đẩy Đài Bắc ra xa hơn với các cuộc tập trận quân sự gần đây ở bờ biển phía Đông Nam, hướng về phía Đài Loan. Tuy Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 18-5 tuyên bố các cuộc tập trận này không nhằm vào mục tiêu cụ thể nào song truyền thông đại lục lẫn quốc tế đều lưu ý đến thời điểm chúng diễn ra - chỉ 2 ngày trước khi bà Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo Đài Loan.
Theo NLĐ