Trong khi kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương đã chỉ rõ những sai phạm của các bộ, ngành, nhưng trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ vẫn chưa thừa nhận khuyết điểm của mình…
Bầu và trình Thủ tướng vỏn vẹn trong một ngày!
Điều đáng chú ý nhất là công văn số 2036 ngày 13/5/2015 của Bộ Nội vụ (Bộ NV) trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh được làm với tốc độ… cực nhanh.
Cụ thể, trong ngày 13/5/2015, HĐND tỉnh Hậu Giang họp và bầu chức danh Phó Chủ tịch tỉnh cho ông Thanh, thì cũng ngay trong ngày, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ để đề nghị phê chuẩn bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho ông Trịnh Xuân Thanh.
Đặc biệt hơn, cũng ngay trong ngày 13/5/2015, Bộ Nội vụ đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ với khẳng định “Sau khi thẩm định, Bộ Nội vụ nhận thấy đề nghị của UBND tỉnh Hậu Giang và thủ tục bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh của HĐND tỉnh Hậu Giang là đúng quy định.”
Vậy, Bộ Nội vụ làm như thế nào mà thẩm định siêu nhanh như vậy?
Chúng tôi đặt câu hỏi này bởi lẽ, việc HĐND bầu xong lại chuyển cho UBND tỉnh làm tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Nội vụ thì đã hết bao lâu. Rồi khi nào thì UBND tỉnh gửi và đến lúc nào thì Bộ Nội vụ nhận được?
Vậy nhưng, không hiểu làm kiểu gì, ngay trong ngày, Bộ Nội vụ không chỉ kịp thẩm định xong, lại còn kịp làm tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ để khẳng định quy trình của tỉnh Hậu Giang “là đúng quy định.”?
Trong ngày 13/5/2015, một loạt văn bản nối nhau để trình Thủ tướng phê chuẩn ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang |
Có lẽ, do thẩm định siêu tốc như vậy nên Bộ Nội vụ không phát hiện ra những nội dung sai mà kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ( thông báo số 89-TB/UBKTTW, ngày 11/7/2016) đã chỉ rõ: “trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang đối với đồng chí Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ.”
Trên cơ sở này, xem lại quy trình bầu ông Thanh vào chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh cho thấy một số nội dung không bình thường:
Ngày 1/4/2015, Tỉnh ủy Hậu Giang có công văn số 1159 gửi Ban cán sự đảng Bộ Công thương có nội dung rất đáng chú ý. Đó là việc công văn này viện dẫn một số văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư “về chủ trương tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp ủy đối với một số tỉnh, thành phố để luân chuyển, đào tạo cán bộ. Theo đó, tỉnh ủy Hậu Giang được tăng thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh…”. Nhưng, Tỉnh ủy Hậu Giang quên rằng, ông Trịnh Xuân Thanh không thuộc diện “luân chuyển, đào tạo” như công văn này viện dẫn làm căn cứ.
Tiếp đó, ngày 24/4/2015, Tỉnh ủy Hậu Giang có quyết định số 4461a, tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh về “nhận nhiệm vụ tại Văn phòng UBND tỉnh.” Đáng chú ý là, Tỉnh ủy tiếp nhận nhưng lại về nhận nhiệm vụ tại Văn phòng … UBND tỉnh, chứ không phải về Văn phòng Tỉnh ủy!!
Là người của Văn phòng UBND tỉnh, nhưng ông Thanh vẫn được giới thiệu là Vụ trưởng!? |
Mặt khác, khi đã về nhận nhiệm vụ tại văn phòng UBND tỉnh, đương nhiên ông Thanh không còn là Vụ trưởng của Bộ Công thương. Nhưng, trong công văn số 12, ngày 11/5/2015, Chủ tịch UBND dân tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh vẫn “giới thiệu ông Trịnh Xuân Thanh, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công thương, để HĐND tỉnh xem xét, bầu cử chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh…” (!?)
Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng thiếu nghiêm túc!
Được biết, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ Nội vụ vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011 -2016 đối với ông Trinh Xuân Thanh. Công văn này do ông Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ ký.
Báo cáo của Bộ Nội vụ có 2 phần. Phần đầu nói về hồ sơ đề nghị phê chuẩn kết quả bầu ông Thanh vào chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Phần này chỉ là các gạch đầu dòng nêu lại các công văn liên quan. Phần thứ hai về nội dung thẩm định của Bộ Nội vụ, được nêu rất ngắn gọn. Sau khi dẫn lại một số văn bản liên quan, công văn này nhấn mạnh “tại thời điểm thẩm định, Bộ Nội vụ chưa nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến nhân sự được bầu…”.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi, phải chăng không có đơn thư kiếu nại tố cáo là… đạt tiêu chuẩn?!
Đáng ngạc nhiên là dù đã có kết luận của Ủy Ban kiểm tra Trung ương về những sai phạm liên quan đến trường hợp ông Thanh, nhưng báo cáo của Bộ Nội vụ không có một dòng nào tự đánh giá những ưu, khuyết điểm, những mặt còn thiếu sót của quá trình thẩm định về quy trình bầu ông Thanh vào chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Phải chăng Bộ Nội vụ vẫn cho rằng mình thẩm định đúng ngay cả khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận “các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ”.
Theo Dân Trí