Đó là bức xúc của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội tại hội thảo “Hành động để người dân sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn” ngày 26/7.
Nhức nhối thực phẩm “bẩn”
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản cho biết, thống kê đến tháng 6/2016 cho thấy, tỉ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đã tăng lên 79,76% (cuối năm 2015 là 78,3%).
Kết quả giám sát trên diện rộng cho thấy: tỷ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm salbutamol là 0,42%; mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chiếm 3,98%; mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 1,3%, mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3%.
Theo kết quả giám sát có gần 4% mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng. |
Theo ông Tiệp, mặc dù đã cơ bản ngăn chặn chất cấm salbutamol trong chăn nuôi, tỷ lệ mất an toàn đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao, cao hơn so với các nước trong khu vực.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng kiểm soát chất lượng hàng hóa Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng nhận xét: ""Tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội".
Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chạy theo lợi nhuận không quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều loại thực phẩm, thực phẩm chức năng với nhiều chủng loại, mẫu mã nhãn mác, bao bì khác nhau có nguồn gốc trôi nổi, không đảm bảo chất lượng bày bán trên thị trường….
Thời gian qua, Chi cục QLTT Hà Nội đã phát hiện 6 tấn ngó sen, me chua quá hạn sử dụng; 4 tấn ruốc gà không rõ nguồn gốc; 5 tấn thực phẩm đông lạnh đang trong giai đoạn bốc mùi hôi thối; trên 10 tấn dược liệu các loại do nước ngoài sản xuất không có nhãn hàng hóa; 5 tấn mỡ bẩn; 550 kg phụ gia, gia vị không rõ nguồn gốc…
Chi cục QLTT TP.HCM phát hiện 2 tấn thịt lợn bốc mùi hôi thối, 3 tấn thịt trâu tẩm ướp hóa chất để giả thịt bò…; Chi cục QLTT Hưng Yên phát hiện 4,2 tấn thịt lợn ốm, lợn chết không có giấy tờ kiểm dịch vệ sinh ATTP của các cơ quan chức năng…
Trong quý I/2016, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra xử lý hơn 4.000 vụ vi phạm, thu nộp 9,3 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, sử dụng hóa chất, phụ gia bị cấm trong sản xuất, chế biến.
Làm thế nào để người dân sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn?
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, đây là một chủ đề nóng hàng chục năm nay mà chưa có lời giải đầy đủ.
Chúng ta sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất thấp, giá cả cao, chất lượng không được kiểm soát thì rất khó khâu tiêu dùng được an toàn. Còn hàng hóa nhập khẩu chủ yếu kiểm soát ở bán lẻ còn biên giới ít được kiểm soát hoặc thực hiện lỏng lẻo.
Việc mua bán ở Việt Nam phức tạp, mua bán lòng vòng, không có hóa đơn chứng từ. Thực phẩm ngon, sạch, có xuất xứ đôi lúc khó thâm nhập vào siêu thị bởi một số siêu thị lớn ép nhà cung ứng thông qua chiết khấu cao, và các chi phí khác.
Theo ông, một số gia đình vì lo sợ an toàn thực phẩm đã tự chung nhau chăn nuôi trồng trọt để tự sản tự tiêu, tuy nhiên số này chỉ là thiểu số; câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể tự sản xuất phân phối hàng trăm mặt hàng nông sản khác được không? Đây là thất bại tạm thời của hệ thống phân phối quốc gia chưa có lời giải thỏa đáp.
Tình hình của sản xuất và hệ thống phân phối cho thấy để cho nông dân có nông sản thực phẩm an toàn phải bắt đầu từ sản xuất là gốc và tiếp theo là hệ thống phân phối quốc gia.
Ông Phú đề xuất, cần có những cơ chế chính sách mạnh để khuyến khích sản xuất, phân phối thực phẩm sạch, tạm thời miễn giảm thuế phí kinh doanh theo chuẩn VietGap, Globalgap; xử lý nghiêm minh cơ sở vi phạm. Doanh nghiệp cần tự giác nhận thức, làm ăn tử tế có lương tâm. Còn đối với người tiêu dùng cần sử dụng quyền lực mềm để tẩy chay những doanh nghiệp, tổ chức cá nhân vi phạm ATTP, ủng hộ những đơn vị làm ăn nghiêm túc.
“Trên thị trường phải vừa xây vừa chống trong vấn đề ATTP. Chống những kẻ làm ăn bất chính, xử lý nghiêm. Nhiều trường hợp vi phạm khiến dân ai oán, ví dụ điển hình như Hợp tác xã rau 3 chữ đưa rau bẩn vào siêu thị, đáng lẽ như các nước khác là bỏ tù nhưng đây xử lý nhẹ nhàng”, ông Phú bức xúc.
Theo ông điều này có thể khiến người vi phạm tiếp tục tái phạm. Đây là luật nhân quả trong việc quản lý ATTP.
“Kỷ cương chúng ta không nghiêm. Đội ngũ chống buôn lậu lại đang dung dưỡng cái buôn lậu, chúng ta cần làm sạch đội ngũ này trước khi chống thực phẩm bẩn”, ông Vinh Phú nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Như Tiệp cũng cho rằng biện pháp hiện nay là vừa chống vừa xây: thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm, đồng thời tạo cơ chế chính sách để đơn vị sản xuất kinh doanh thực hành sản xuất an toàn, liên kết lại, truy xuất nguồn gốc.
“Chúng ta sẽ tiệm cận được mức an toàn của khu vực và trên thế giới”, ông Tiệp tin tưởng.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, trên thực tế thời gian vừa qua, người sản xuất muốn có sản phẩm có thu nhập nên không chú ý đến chất lượng hàng hoá và không ít người tiêu dùng cũng không quan tâm đến các tiêu chuẩn an toàn.
Ông Nam cho hay ông đã đến nhiều HTX có chứng nhận VietGAP đàng hoàng nhưng không ai mua và điều đó tạo điều kiện cho sản phẩm không an toàn được tiêu thụ vì thế cần nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng.
Theo Thứ trưởng Nam, nội dung chính phải đẩy nhanh trong thời gian tới là liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng tới khâu tiêu thụ để đảm bảo hàng hoá chất lượng, nâng cao chất lượng khả năng cạnh tranh của hàng hoá không chỉ trong nước và quốc tế.
Bộ sẽ hướng tới hình thành hệ thống chợ đầu mối nông sản an toàn và dẫn tới siêu thị. Việc hình thành hệ thống các điểm bán nông sản an toàn trên cả nước sẽ hạn chế lượng nông sản mất an toàn.
Theo Infonet