Ẩn số Đài Loan của ông Trump

Thứ hai, 05/12/2016, 11:05
Cuộc điện đàm lịch sử với lãnh đạo Đài Loan được cho là bước đi mới của ông Trump, nhằm cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á.

Cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan được cho là do phía ông Trump thiết kế

Trái với một số thông tin cho rằng lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn chủ động điện đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, tiết lộ mới nhất trên truyền thông Đài Loan cho hay nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump mới chính là bên thiết kế cuộc điện đàm “chấn động” ngày 2.12.

Theo tờ Taipei Times, cuộc gọi được phía Mỹ thiết kế trong bối cảnh nhiều thành viên nhóm chuyển giao của ông Trump cũng đang muốn có chính sách hướng về Đài Loan. Phía Mỹ thì vẫn cho rằng bà Thái đã chủ động liên lạc dù hai phía đã nhất trí trước khi tiến hành.

Đòn phép chính trị ?

Giới phân tích nhận định rằng cho dù bên nào chủ động đi chăng nữa thì cuộc điện đàm “gây bão” hoàn toàn không phải là sơ suất ngoại giao của ông Trump, mà thật ra là một đòn phép chính trị khiến Trung Quốc không thể xem thường vai trò của Mỹ ở châu Á. Tờ The New York Times nhận định cuộc điện đàm là “sự khiêu khích” đối với Bắc Kinh còn hơn cả việc Mỹ bán hàng tỉ USD khí tài quân sự cho Đài Loan, dù Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc từ năm 1979.

Tờ The Guardian đưa tin rằng cùng ngày điện đàm với bà Thái, ông Trump đã gặp cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton, hiện là ứng viên cho chức Ngoại trưởng. Ông Bolton chính là người từng quyết liệt kêu gọi tăng cường quan hệ với Đài Loan nhằm trả đũa việc Trung Quốc đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền vô căn cứ ở Biển Đông.

Ông Stephen Yates, từng là trợ lý cho cựu Phó Tổng thống Dick Cheney và hiện làm cố vấn cho nhóm chuyển giao của ông Trump, cũng có mặt tại Đài Loan lúc diễn ra cuộc điện đàm “lịch sử”. “Thật tuyệt khi có một lãnh đạo sẵn sàng làm ngơ trước những kẻ nói rằng ông không thể nhận một cuộc gọi từ một lãnh đạo khác được bầu ra một cách dân chủ”, ông Yates viết trên Twitter.

Động cơ khó lường

Sau cuộc điện đàm, ông Trump tiếp tục làm đau đầu giới quan sát khi viết trên Twitter rằng không có lý nào ông lại không nhận “cuộc gọi chúc mừng” khi mà Mỹ bán cho Đài Loan hàng tỉ USD khí tài quân sự, dẫn đến nhiều nhận định về khả năng tăng cường quan hệ quân sự của Mỹ với Đài Loan trong thời gian tới.

Điều này càng được khẳng định khi Hạ viện Mỹ ngày 2.12 thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2017, trong đó lần đầu tiên đề cập đến vấn đề trao đổi quân sự cấp cao với Đài Loan. Đạo luật này ghi rõ Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành chương trình trao đổi quân sự cấp cao nhằm cải thiện quan hệ quốc phòng với Đài Loan và chương trình này được tiến hành ít nhất mỗi năm một lần ở cả Mỹ và Đài Loan.

Tờ South China Morning Post dẫn lời chuyên gia bình luận Nghê Nhạc Hùng cho rằng tính cách của ông Trump có thể dẫn đến một số thay đổi về chính sách với Đài Loan: “Trước sau ông ấy cũng là một thương gia. Trung Quốc nên dè chừng động thái bất ngờ vì chính quyền ông Trump có thể tận dụng việc này để gây ảnh hưởng lên các tranh chấp kinh tế với Trung Quốc”.

Giáo sư Trương Vấn Sinh tại Viện Nghiên cứu Đài Loan (Đại học Hạ Môn, Trung Quốc) cho biết cuộc điện đàm sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại về quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan. “Ông Trump đã phá vỡ truyền thống từ nhiều thập niên qua. Có khả năng chính quyền của ông Trump sẽ rất muốn bán khí tài cho Đài Loan vì một trong những ưu tiên của ông Trump là ổn định nền kinh tế Mỹ và tạo việc làm”, ông nói.

Tuy nhiên, tờ The New York Times dẫn lời Giáo sư Thẩm Đinh Lập tại Đại học Phục Đán (Trung Quốc) nhận định cuộc điện đàm chưa phải là chuyện lớn, vì ông Trump chưa nhậm chức và chỉ là một “công dân bình thường”. Nhưng theo ông, nếu các cuộc điện đàm được duy trì sau ngày ông Trump nhậm chức thì Trung Quốc nên chấm dứt quan hệ ngoại giao với Mỹ.

“Tôi sẽ đóng cửa đại sứ quán ở Washington và đưa các quan chức ngoại giao về nước… Tôi không biết lúc đó các anh sẽ trông mong hợp tác với Trung Quốc như thế nào về vấn đề Iran, Triều Tiên và biến đổi khí hậu. Hay các anh định nhờ Đài Loan?”, ông nói.

Liên quan đến quan hệ Mỹ - Trung, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng vừa tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 2.12, trong bối cảnh chưa rõ về chính sách ngoại giao của chính quyền sắp tới.

Ông Kissinger chính là người âm thầm thiết kế chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Richard Nixon đến Trung Quốc vào năm 1972 nhằm mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. South China Morning Post dẫn lời ông Tập cho biết hai bên đang ở vào thời điểm then chốt và “phía Trung Quốc đang theo dõi sát sao tình hình”.

Singapore nhấn mạnh vai trò Mỹ ở châu Á
Hãng Reuters ngày 4.12 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã né tránh bình luận về cuộc điện đàm của ông Trump với bà Thái và chỉ nói rằng Mỹ nên tập trung nhiều hơn vào các mối quan tâm chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phát biểu tại Diễn đàn quốc phòng Reagan tại California, ông Ng cho biết vấn đề quan trọng hơn là sắp tới Mỹ sẽ đóng vai trò như thế nào trong khu vực trước ảnh hưởng gia tăng nhanh của Trung Quốc. Ông cho rằng Mỹ nên tăng cường quan hệ đa phương không chỉ về quân sự mà còn trên lĩnh vực kinh tế với các nước trong khu vực.

Theo Thanh Niên Online

Các tin cũ hơn