Reuters ngày 1/12 đưa tin Lực lượng nổi dậy tại Syria đã thành lập một liên minh quân sự mới để hy vọng tạo ra vị thế tốt hơn trong đối trọng với quân chính phủ.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Lực lượng quân đội Syria và các đồng minh đã tái chiếm được hơn 1/3 diện tích của Aleppo kể từ khi họ thực hiện cuộc tổng tấn công vào thành trì lớn nhất của phe nổi dậy.
Trước đó, ông Akbik – chính trị gia cao cấp của Phong trào Ngày mai cho Syria – một tổ chức mới trong thành phần phe đối lập - đã từng phải lên tiếng rằng người Syria phải tự cứu mình thay vì chờ đợi người khác, bởi Mỹ và phương Tây không thể thành công trong chiến lược mang đến sự đổi thay cho nền chính trị tại Syria.
Người dân Iraq tràn vào toà nhà Quốc hội Iraq - biểu hiện quyền lực nhà nước tại Iraq không đại diện cho quyền lực nhân dân |
Từ việc phe đối lập tại Syria thất vọng với sự trợ giúp của Washington – điều đó đồng nghĩa Mỹ đã không thành công với nước cờ chiến lược tại Syria, không thể dùng phe đối lập để tạo ra bàn cờ chính trị mới tại Syria - người ta thống kê lại những bàn cờ chính trị mà Mỹ tạo ra thời hậu Chiến tranh Lạnh, thì mới giật mình – tất cả các nước cờ của Washington đều thất bại.
Những bàn cờ chính trị mới đều hỗn loạn, sụp đổ nếu thiếu lợi ích Mỹ, vắng sức mạnh Mỹ
Năm 2011, khi xung đột vũ trang giữa lực lượng nổi dậy tại Lybia với chính quyền của đại tá Gaddafi diễn ra, quân đội NATO do Mỹ cầm đầu đã không kích vào lực lượng quân đội của nhà nước Lybia để hỗ trợ lực lượng nổi dậy nhanh chóng tiến về Tripoli – yếu tố quyết định cho việc tạo ra một bàn cờ chính trị mới tại quốc gia châu Phi này.
Và khi Gaddafi bị giết chết trong một buổi chiều buồn vào cuối tháng 10.2011 tại Sirte, thì bàn cờ chính trị mới tại Lybia cũng chính thức hình thành. Một chính phủ Lybia thời hậu Gaddafi được thành lập. Và Washington đã nhanh chóng kết nối với chính quyền mới này - dù Lybia còn đang rất hỗn loạn – để thể hiện vai trò đạo diễn cho bàn cờ chinh trị mới tại Lybia.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau chính Washington đã phải trả giá cho nước cờ chính trị vội vã của mình bằng cái chết của Đại sứ Mỹ tại Libya Ohn Christopher Stevens, khi Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya bị tấn công bởi các chiến binh Hồi giáo cực đoan vào ngày 11/12/2012, theo The Wall Street Journal.
Hiện nay, trong đời sống chính trị tại Libya có hai khối chính trị - quân sự và thậm chí có tới ba chính phủ, điều đó khiến tính thống nhất của nhà nước Lybia thời hậu Gaddafi gần như không còn nữa.
Cho đến lúc này Washington không thể nắm được cái gì trong một Libya hỗn loạn, chứ nói gì đến việc định hình một chế độ theo ý muốn của họ - nước cờ Lybia đã thất bại.
Tháng 12/2011, quân đội Mỹ triệt thoái khỏi Iraq sau khi lật đổ chế độ Saddam Hussein, tạo ra chế độ chính trị mới tại Baghdad và được bảo trợ bởi lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ trong 8 năm, dư luận tin rằng bàn cờ chính trị mà Washington tạo ra tại Iraq đã hoàn thiện. Đặc biệt cấu trúc bộ máy quyền lực nhà nước Iraq thời hậu Saddam khiến cho niềm tin đó càng có cơ sở.
Vậy mà chỉ đến tháng 6/2014 thì chính quyền Baghdad lại đối diện nguy cơ bị lật nhào trước sức tiến như vũ bão của lực lượng IS. Và Mỹ lại phải ra tay. Điều đó khiến dư luận giật mình về bàn cờ chính trị tệ hại mà Washington tạo ra tại Baghdad. Đến nay thì người ta không thể nhận diện được diện mạo của chế độ chính trị tại Iraq thời hậu Saddam. Nước cờ Iraq cũng đã thất bại.
Khi Tổng thống George W.Bush phát động tấn công Afghanistan sau sự kiện 11/9, nhanh chóng lật đổ chính quyền Taliban và thiết lập một chế độ chính trị thân Mỹ tại Kabul.
Song khi Mỹ giảm quân số, thì chính quyền Kabul ngay lập tức mất đất, mất dân, thậm chí còn phải tìm cách thoả hiệp với Taliban để có thể đảm bảo quyền lực. Nước cờ Afghanistan đã không thành công.
Khi NATO thúc ném bom Serbia và Montenegro thì một thực thể chính trị thân phương Tây được xác lập tại Kosovo và rồi dần trở thành một nhà nước có chủ quyền. Vậy mà ngày 6/2/2016 phe đối lập tại Kosovo lại dùng bom khói và hơi cay tấn công Quốc hội nhằm phá hoại cuộc bầu cử Tổng thống theo luật định.
Theo giới phân tích thì sự việc xảy phía sau làn khói trắng trong tòa nhà Quốc hội Kosovo cho thấy nhiều vấn đề xã hội tại Kosovo chưa được giải quyết. Thể chế chính trị tại Kosovo không đáp ứng kỳ vọng của người dân Kosovo. Vậy là sau gần hai thập kỷ, bàn cờ chính trị mà Mỹ và phương Tây tạo ra tại Kosovo vẫn chưa hoàn thiện. Nước cờ Kosovo cũng không thành công.
Dù tính chất của các nước cờ Lybia, Iraq, Afghanistan, Kosovo khác nhau, song có một điểm chung là tất cả các bàn cờ chính trị mới của Mỹ tạo ra thời hậu Chiến tranh Lạnh đều hỗn loạn, sụp đổ nếu thiếu lợi ích Mỹ, vắng sức mạnh Mỹ.
Tại sao sự thể lại tệ hại như vậy?
Thiếu chủ thuyết – nguyên nhân chính khiến Mỹ thất bại trong các nước cờ chính trị
Có thể nhận định rằng, hiện nay lực lượng cầm quyền tại Lybia, Iraq, Afghanistan, Kosovo đều không phải là đại diện cho tiếng nói của nhân dân các quốc gia này – quyền lực nhà nước không đại diện cho quyền lực nhân dân. Việc lật đổ các chế độ bài Mỹ, rồi lập nên những chính thể thân Mỹ chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề chính trị - xã hội.
Gốc rễ của vấn đề nằm ở sự hoà hợp giữa đời sống chính trị với đời sống xã hội thì Mỹ và chính quyền thân Mỹ đều đã không thể xác lập được. Washington đã dùng lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ để tạo hình cho các bàn cờ chính trị mới tại Lybia, Iraq, Afghanistan, Kosovo. Do vậy, khi vắng “chất Mỹ, yếu tố Mỹ” là các bàn cờ chính trị đó thiếu ngay sức sống.
Trong khi lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ không thể mãi là bùa hộ mệnh cho những thực thể chính trị thân Mỹ tại những bàn cờ chính trị mới, do vậy Washington, một là phải chấp nhận thất bại, hai là phải có đi nước mới để tạo ra những bàn cờ chính trị mới trong tương lai. Cả hai nước đi này đều gây thiệt hại cho Mỹ và cũng không thể đảm bảo thành công. Tại sao vậy?
Đất nước Lybia hỗn loạn khiến người dân nước này nuối tiếc chế độ Gaddafi |
Theo lịch sử các học thuyết chính trị và khế ước xã hội, sức mạnh của một quốc gia được cấu thành bởi bốn yếu tố nền tảng là : thể chế chính trị, chủ quyền quốc gia, cộng đồng dân tộc và văn hoá dân tộc.
Trong đó hai yếu tố đầu được xem là sức mạnh cứng và hai yếu tố sau được xem là sức mạnh mềm. Thiếu hay yếu ở một trong bốn yếu tố đó, quốc gia sẽ thiếu sức mạnh.
Có thể thấy rằng, tại các bàn cờ chính trị mới, dường như sức mạnh Mỹ, lợi ích Mỹ chỉ hướng tới xác lập và bảo trợ cho sức mạnh cứng mà không hướng tới sức mạnh mềm. Và đây chính là nguyên nhân khiến cho các chế độ chính trị do Mỹ tạo dựng, xác lập, bảo trợ tại Lybia, Iraq, Afghanistan, Kosovo đều lung lay khi thiếu vắng “chất Mỹ”.
Cho đến lúc này có thể nhân diện tất cả các lực lượng chính trị thân Mỹ tại các quốc gia Lybia, Iraq, Afghanistan, Kosovo đều thiếu chủ thuyết – yếu tố quan trọng nhất trong việc liên kết giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, từ đó cấu thành nên sức mạnh quốc gia. Các đảng phái chính trị chỉ có cương lĩnh chính trị, chương trình hành động chứ không có chủ thuyết.
Một chủ thuyết phải là giá trị tinh thần của cả cộng đồng dân tộc, phát huy được bản sắc của văn hoá dân tộc, từ đó mới có khai quật sức mạnh quốc gia. Từ chủ thuyết sẽ tạo hình nên ý thực hệ cốt lõi cho một quốc gia. Các thực thể chính trị dựa vào chủ thuyết để xây dựng cương lĩnh chính trị, chương trình hành động, từ đó mới kỳ vọng được nhân dân uỷ thác quyền lực.
Có thể hiểu nguyên tắc dân chủ - tự do là cấu thành quan trọng nhất của chủ thuyết chính trị tại Mỹ, các đảng phái chính trị nào khai thác tốt nhất giá trị của dân chủ, tự do thì sẽ được người dân Mỹ uỷ nhiệm quyền lực. Như vậy, thiếu chủ thuyết thì mọi cố gắng của các lực lượng chính trị đều như bèo bọt.
Lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ không thể khoả lấp được lỗ hổng thiếu chủ thuyết. Các chế độ chính trị thân Mỹ tại bàn cờ chính trị mới sẽ lung lay, thậm chí có thể bị lật nhào bởi những thế lực xây dựng được chủ thuyết. Việc IS chiến thắng như chẻ tre trước quân đội Iraq là một thực tế chứng minh, cho dù chủ thuyết của IS quá cực đoan.
Khi thiếu chủ thuyết thì các nước cờ chính trị đều chỉ là những mẹo vặt, khi đó quyền – sức mạnh nhà nước - không gắn liền với lực – quyền lực nhân dân.
Tại sao một yếu tố quá quan trọng như vậy trong xác lập quyền lực mà Washington lại thiếu trong nước cờ mới của mình? Phải chăng việc các bàn cờ chính trị mới của Mỹ thiếu chủ thuyết là do Washington đã quên?
Người viết cho rằng, việc thiếu vắng chủ thuyết tại các bàn cờ chính trị Iraq, Afghanistan, Kosovo đều do Washington cố tình né tránh chứ không phải người Mỹ lãng quên hay sơ suất.
(Lý do Washington không hướng tới việc giúp đỡ các thực thể chính trị xây dựng chủ thuyết để đảm bảo quyền lực cho mình, người viết xin phân tích ở kỳ tiếp theo).
Theo Đất Việt