Ở TP.HCM ai cũng dễ dàng nhận thấy nhiều tuyến đường tại khu trung tâm thường xuyên bị ùn ứ luôn có sự “góp phần” của taxi. Các khu vực quanh sân bay, bến xe, cao ốc, trung tâm thương mại… luôn dày đặc các loại taxi, từ truyền thống đến taxi công nghệ cao.
Chen nhau trên đường
Về lý thuyết, với loại hình Uber taxi, Grab taxi (đặt xe qua điện thoại thông minh) sẽ giúp hạn chế số lượng xe chạy rỗng trên đường. Thế nhưng, loại hình vận tải hành khách trên cộng với lượng taxi truyền thống đang hoạt động, lượng xe lưu thông trên đường không những không giảm mà còn tăng - đồng nghĩa với việc giao thông thêm ùn ứ
Taxi nối đuôi nhau, ken dày thường xuyên gây ách tắc giao thông trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình, TP.HCM) |
Ghi nhận vào trưa 12-1, dù không phải giờ cao điểm nhưng đường Trường Sơn, đoạn trước sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), ôtô vẫn xếp hàng dài, nhích từng chút để di chuyển theo hướng đến vòng xoay Lăng Cha Cả. Trong dòng ôtô chen chúc trên đường, lượng taxi chiếm phần lớn, đủ mặt các hãng có thương hiệu trên thị trường.
Theo quan sát của phóng viên, đa phần taxi lưu thông từ sân bay nối đuôi nhau chạy ra đường Trường Sơn liên tục chuyển làn, cắt mặt người đi xe máy khiến đoạn đường này luôn bị dồn ứ. Các phương tiện từ đường Bạch Đằng quẹo trái qua đường Trường Sơn và các phương tiện đi ra từ sân bay Tân Sơn Nhất đều bị nghẽn lại tại khu vực trên do hướng lưu thông bị xung đột dù đèn tín hiệu giao thông đã được bố trí.
Nhiều người đi xe máy phải di chuyển chậm chạp, mệt mỏi dưới cái nắng gay gắt giữa trưa dù chạy đúng làn đường. Ở hướng ngược lại, các phương tiện cũng phải xếp thành hàng dài mỗi khi có đèn đỏ và nhiều thời điểm trở nên bát nháo khi đèn tín hiệu chuyển xanh.
Lượng phương tiện quá nhiều nên chỉ cần một sự cố giao thông nhỏ cũng khiến trục đường Trường Sơn bị nghẽn, mà vụ kẹt xe nghiêm trọng vào ngày 9-1 là điển hình. Đáng chú ý, bãi đậu taxi ở số 58 Trường Sơn (đối diện cổng sân bay Tân Sơn Nhất) cũng là một yếu tố gây kẹt xe tại khu vực trên do taxi thường xuyên vào ra, chặn ngang các phương tiện đang lưu thông khác.
Tại giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ (cửa ngõ ra vào sân bay), cũng thường xuyên rơi vào tình trạng ùn ứ do lượng xe lưu thông quá lớn, trong đó chủ yếu là taxi. Ghi nhận trong khoảng 30 phút sáng 13-1, tại nút giao thông này có hơn 200 lượt taxi qua lại, trong khi các loại xe khác lưu thông ít hơn rất nhiều.
Tương tự, theo ghi nhận ở nhiều giao lộ tại khu vực trung tâm như Nguyễn Văn Trỗi - Lý Chính Thắng (quận 3); Nguyễn Thị Minh Khai - Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1)… mật độ lưu thông của taxi cũng luôn vượt trội. Đáng nói là khu vực đường Bùi Thị Xuân, chợ Bến Thành… thường xuyên bị ùn ứ vì tình trạng taxi thi nhau vi phạm luật giao thông, bất chấp bức xúc của người đi đường. Thậm chí, nhiều hãng taxi lập luôn các bến tạm trên nhiều tuyến đường ở trung tâm TP.
Bài toán khó giải
Một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết trong bán kính 500m ở khu vực trung tâm (mốc là trụ sở UBND TP) hiện có khoảng 59 công trình cao tầng có từ 1 đến 5 tầng hầm để xe. Ngoài khả năng đáp ứng chỗ đậu xe cho các tòa nhà thì những tầng hầm này chỉ có thể dành khoảng 20% diện tích cho xe công cộng. Thiếu trầm trọng bãi đậu xe nên số lượng ôtô đỗ trên đường gia tăng dẫn đến tình hình ùn tắc càng trở nên trầm trọng.
Thiếu bãi đậu, taxi (kể cả taxi truyền thống và Uber, Grab) dễ dàng sử dụng lòng lề đường làm nơi “nghỉ chân”, điển hình là các tuyến đường như Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1); Trần Quốc Thảo, Pasteur (quận 3)… Riêng tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Sở GTVT đã kiến nghị đóng cửa bãi đậu taxi ở số 58 Trường Sơn do gây cản trở lưu thông và đề nghị Hiệp hội Taxi TP. HCM đưa toàn bộ taxi ở bãi đậu này vào nhà để xe 5 tầng trong khu vực sân bay.
Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM, thừa nhận thời gian qua, tình trạng taxi, xe Uber, Grab đón trả khách đỗ không đúng nơi quy định đã làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông TP. Những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là các tuyến đường ở khu trung tâm (quận 1, quận 3, quận 5…) và sân bay Tân Sơn Nhất. Do lượng taxi tăng đột biến nên công tác kiểm tra, xử lý gặp khó, dẫn đến nhiều tuyến đường bị quá tải. Từ nay đến Tết, TTGT sẽ lập kế hoạch chuyên đề để xử lý các trường hợp dừng, đỗ không đúng nơi quy định.
Taxi đã tăng hơn gấp đôi quy hoạch Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tại TP.HCM đến năm 2020, số lượng taxi không vượt quá 12.700 xe. Thế nhưng, đến cuối năm 2016, lượng taxi hoạt động trên địa bàn đã vượt gấp đôi quy hoạch, với hơn 26.000 xe (gồm 11.060 taxi truyền thống và khoảng 15.300 xe Uber, Grab). Tình hình thêm trầm trọng khi một số lượng lớn taxi từ nhiều địa phương khác được các doanh nghiệp đưa về TP.HCM hoạt động và rất nhiều taxi “dù” thoải mái hoạt động. |
Theo NLĐ