Trưa 10-3, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã đưa ra một phán quyết mang tính lịch sử: Ủng hộ Quốc hội luận tội và phế truất bà Park Geun-hye “vì những hành động vi hiến và phạm pháp, phản bội lòng tin của nhân dân”. Cùng ngày, bà vẫn giữ im lặng như mọi khi. Bị tước bỏ hết các quyền lực Tổng thống (TT), cho đến cuối tuần qua, bà Geun-hye vẫn chưa rời khỏi Nhà Xanh (dinh TT Hàn Quốc) theo pháp định với lý do nhà riêng ở Samseong-dong, phía Nam Seoul, chưa sẵn sàng để dọn về ở - theo lời trợ lý của bà.
Nữ Tổng thống đầu tiên ở Đông Á
Là con gái đầu lòng của cố TT Park Chung-hye, bà Geun-hye trở thành nữ TT dân cử đầu tiên ở Hàn Quốc và Đông Á từ tháng 2-2013. Bà buộc phải từ bỏ chức vụ này trước 11 tháng so với nhiệm kỳ một cách cay đắng, không nói nên lời.
Bà Park Geun-hye xin lỗi trước Quốc dân Ảnh: AP |
Bà Geun-hye từ chối tham gia bất cứ buổi điều trần nào trước Quốc hội trong các phiên luận tội kéo dài suốt 92 ngày. Khi Tòa án Hiến pháp tuyên án, bà cũng không xuất hiện hay tuyên bố điều gì về bản án phế truất.
Tại trung tâm thủ đô Seoul, những diễn biến hỗn loạn với ít nhất 2 người chết trong các cuộc đụng độ giữa người ủng hộ và đả đảo bà Geun-hye cuối tuần qua nằm ngoài sức tưởng tượng của những ai từng kỳ vọng nhiều vào người phụ nữ tạo nên chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử TT vào tháng 12-2012.
Không giống như ứng cử viên TT Mỹ Hillary Clinton, giới tính không phải là điểm yếu duy nhất của nữ chính khách đảng bảo thủ Saenuri (tiền thân của Đảng GNP) ở một đất nước có truyền thống trọng nam khinh nữ như xứ Hàn. Lúc đó, người ta còn e ngại về tuổi tác (62), về hoàn cảnh gia đình không chồng, không con của bà. Thế nhưng, bà đã vượt mặt đối thủ sừng sỏ Moon Jae-in với tỉ lệ 51,6% phiếu bầu.
Có hai yếu tố giúp bà Geun-hye chiến thắng oanh liệt. Thứ nhất, cử tri luyến tiếc về thời đại TT Park Chung-hye - tuy mang tiếng độc tài nhưng tạo nên bước đại nhảy vọt về kinh tế của Hàn Quốc. Thứ hai, cử tri đồng cảm với một người mất cả mẹ (bà Yuk Young-soo bị ám sát chết năm 1974) lẫn cha (ông Park Chung-hye bị chính Cục trưởng Cục tình báo của ông sát hại năm 1979) lúc còn nhỏ. Có người ví bi kịch này giống như bi kịch của bà Jacqueline Kennedy năm 1963.
Bất ổn từ vụ đắm tàu phà MV Sewol
Bà Park Geun-hye bắt đầu nhiệm kỳ TT với nhiều hoài bão tươi sáng. Bà hứa hẹn xây dựng mối quan hệ dựa trên lòng tin với Triều Tiên và ký hiệp ước thương mại tự do với Úc. Đặc biệt, trong bài phát biểu nổi tiếng ở Dresden - Đức tháng 3-2014, bà còn vạch ra đường đi đến thống nhất Nam - Bắc Triều Tiên.
Rắc rối bắt đầu từ tháng 4-2015 với vụ chìm tàu phà MV Sewol chạy tuyến Incheon - Jeju làm hơn 300 người chết, hầu hết là học sinh. Ngoài lỗi chủ quan của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn, dư luận trút giận vào chính phủ ứng phó quá chậm trễ với tai nạn, có ý giảm nhẹ trách nhiệm và tội lỗi của chính quyền.
Đặc biệt, sau khi tai nạn xảy ra, TT Park Geun-hye “mất tích” suốt 7 giờ. Rồi xuất hiện tin đồn trong khoảng thời gian đó, bà bận làm đẹp bằng thuốc Botox hoặc chải tóc mới. Lập tức, uy tín của bà giảm từ 70% xuống dưới 40%. Từ đó về sau, sự cố này chưa bao giờ được khắc phục.
Chiếc máy tính bảng của bà Choi
Tháng 4-2016 được xem là cột mốc ảnh hưởng lớn đến sinh mạng chính trị của bà Geun-hye. Phe đối lập toàn thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội. Đảng Minjoo (hiện là Đảng Dân chủ) bắt đầu chỉ trích bà là một vị “TT bạc nhược, sẽ sớm mãn nhiệm kỳ”.
Cơ hội làm tình làm tội bà Geun-hye đã đến trong năm 2016 khi họ phát hiện trong một máy tính bảng của bà Choi Soon-sil, bạn thân của nữ TT, những chứng cứ cho thấy bà này được quyền can thiệp vào các bài diễn văn của TT và các bản ghi chép những cuộc họp nội các. Bà Choi đã thao túng việc bổ nhiệm các thành viên chính phủ.
Cũng có tin đồn bà Geun-hye tham gia một hội kín mà người sáng lập là cha của bà Choi. Báo đài trong nước còn phát hiện người của TT ép các tập đoàn kinh tế lớn đóng góp những khoản tiền “khủng” vào một số tổ chức phi lợi nhuận do bà Choi điều hành.
Chiến thuật chống đỡ của bà Geun-hye lúc đầu là xoa dịu dư luận. Ngày 25-10-2016, bà xác nhận chơi thân với bà Choi. Bà Geun-hye có nhờ bà Choi giúp soạn thảo diễn văn và xây dựng hình ảnh của mình trong cuộc vận động tranh cử TT năm 2012. Sau khi nhậm chức TT, bà tiếp tục nhờ vả bạn hiền nhưng không vượt quá quyền hạn như báo đài nói. Bà đã chính thức xin lỗi về vụ việc này.
Bà Geun-hye bị Viện Công tố điều tra đặc biệt từ ngày 27-10-2016. Hai ngày sau, lần đầu tiên, những người chống đối bà xuống đường rầm rộ ở Seoul. Điều này khiến bà lên tiếng xin lỗi lần thứ hai, tỏ ra hối hận nhưng khẳng định mình không làm gì sai trái về mặt pháp luật vào ngày 4-11-2016.
Trong những diễn biến tiếp theo, 2 cựu trợ lý cao cấp của TT và bà Choi bị khởi tố. Các nhà điều tra tin rằng bà TT “thông đồng với các nghi phạm” tiến hành những hoạt động phạm pháp. Bà Geun-hye cũng tạo điều kiện cho bà Choi nhúng tay vào việc nước - điều mà luật sư của TT cho là “vô căn cứ”.
Ngày 3-12-2016, các nghị sĩ đối lập chính thức yêu cầu Quốc hội luận tội TT Park Geun-hye. Để tăng sức ép, họ huy động 2,3 triệu người xuống đường đòi TT từ chức ở khắp nước. Sáu ngày sau, Quốc hội thông qua dự thảo lệnh truất phế TT với 234 phiếu thuận và 56 phiếu chống.
Thấy chiến thuật lấy nhu thắng cương thất bại, từ đầu năm 2017, bà Geun-hee phản công quyết liệt. Bà tố cáo các nghị sĩ đối lập âm mưu hèn hạ triệt hạ bà. Tại các phiên điều trần trước Tòa án Hiến pháp, bà Choi đã bác bỏ mọi cáo buộc.
Bước ngoặt lớn nhất của vụ án là vào ngày 17-2, khi ông Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung - người được mệnh danh là “Thái tử Samsung”, bị bắt vì nghi ngờ “đút lót” bà Choi và TT hàng triệu USD để đổi lại những ưu đãi lớn trong làm ăn. Như một giọt nước làm tràn ly, vụ này đã đẩy nhanh thêm tiến trình truất phế TT.
Thân bại danh liệt Lịch sử Hàn Quốc từng chứng kiến nhiều vị TT thân bại danh liệt vì dính líu đến tham nhũng, lạm quyền. Ông Lý Thừa Vãn, TT đầu tiên của xứ Hàn, buộc phải từ chức vì để cảnh sát giết hại những người biểu tình chống mình. Ông Roh Tae-woo, vị TT thứ 6, tuy tồn tại đến hết nhiệm kỳ 5 năm nhưng ô danh vì can tội phản quốc do tham nhũng vào năm 1996. Số phận của ông Roh Moo-hyun, vị TT thứ 9, bi thảm hơn: Sau khi mãn nhiệm năm 2008, ông gieo mình xuống núi tự tử vì bị điều tra tham nhũng. |
Theo NLĐ