Đối tác quan trọng nhất
Phát biểu tại cuộc họp báo chung ngày 10/3 tại Moscow sau khi hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan, Tổng thống Putin khẳng định:
"Có thể tự tin xác nhận rằng mối quan hệ của chúng ta đã quay lại con đường hợp tác đối tác thực sự trong nhiều lĩnh vực. Nga coi Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng nhất, mong muốn duy trì đối thoại chính trị mạnh mẽ ở cấp cao nhất".
Tổng thống Putin cho biết thêm, đây là cuộc gặp thứ tư với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng một năm qua, đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng: Trong thời gian gần đây hai bên đã tái khởi động được nhiều cơ chế quan hệ song phương then chốt, trong đó có nhóm lập kế hoạch chiến lược chung, Ủy ban Hợp tác kinh tế liên chính phủ và diễn đàn xã hội, cũng như khôi phục các cuộc tiếp xúc theo các kênh cấp bộ và nghị sĩ, chính quyền các khu vực.
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan. |
Theo nhà lãnh đạo Nga, hai bên đã thông qua các mục tiêu và nhiệm vụ công tác chung, thảo luận các phương diện chiến lược trong phát triển quan hệ song phương, phối hợp trên trường quốc tế, cũng như giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có tình hình tại Syria.
Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh rằng, nhờ có những hành động phối hợp giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran mà lệnh ngừng bắn tại Syria nhìn chung được tuân thủ. Moskva và Ankara nhất trí tiếp tục tích cực phối hợp hành động trong cuộc chiến chống khủng bố, trước hết là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, kể cả tăng cường hợp tác giữa các cơ quan đặc nhiệm hai nước.
Theo ông Putin, thành công lớn nhất trong lĩnh vực hợp tác kinh tế trong thời gian gần đây là hai bên tái khởi động dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ và Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom lên kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Như vậy, việc Nga-Thổ tập trung bàn về các giải pháp chính trị và phối hợp giữa cơ quan quân sự hai nước Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria. Thậm chí hai nước bỏ ngỏ khả năng hợp tác giữa các cơ quan đặc nhiệm hai nước cho thấy, cả Moscow và Ankara đã đạt được những thành tựu lớn trong việc giải quyết vấn đề Syria.
Trước khi diễn ra cuộc gặp giữa ông Putin và ông Erdogan, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov từng tiết lộ rằng: ''Có một số vấn đề: giải pháp chính trị, vấn đề hợp tác hành động trong tiến trình thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có mặt trên lãnh thổ Syria và thực hiện chiến dịch quân sự ở đó. Trong khi quân đội Nga vẫn đang tiếp tục hoạt động hỗ trợ các lực lượng vũ trang Syria. Do đó đòi hỏi có sự phối hợp hành động rất chặt chẽ'', ông Peskov nói.
Nga-Syria sẽ rút quân khỏi Manbij?
Sự hợp tác chặt chẽ ở đây không đồng nghĩa với việc Thổ trực tiếp nã pháo vào quân đội Syria khiến hàng chục binh sỹ thiệt mạng tại Manbij mới đây.
Hiện Liên minh Lá chắn Euphrates do Thổ cầm đầu đang cùng lúc phải một mình đối mặt với hai thế lực là quân đội Syria và lực lượng người Kurd tại Manbij (miền Bắc Syria).
Trong vài ngày qua, Thổ-FSA không những không chiếm được thêm ngôi làng nào tại Manbij mà con số thương vong của Liên minh này đã lên tới hàng chục người. Ankara đang đứng trước nguy cơ phải dừng kế hoạch Lá chắn Euphrate.
Xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ chiến đấu với IS trong trận chiến tại al-Bab |
Đối với Mỹ mà nói, người Kurd hiện nay là lực lượng tinh nhuệ nhất mà Mỹ có ở Syria, để có thể chia bánh chắc chắn Washington sẽ không lùi bước tại Manbij. Cửa sinh duy nhất mà Ankara có thể tính tới là cầu cứu Nga.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bắt đầu chuyến thăm Nga trong hai ngày 9 và 10/3 và đã đạt được một kết quả khả quan. Tuy nhiên, nội dung cụ thể về những thỏa thuận mà Nga-Thổ thống nhất với nhau về tình hình Syria vẫn chưa được công bố.
Nhưng nhiều khả năng Nga-Syria sẽ rút quân khỏi Tây Manbij (nơi mà SDF vừa giao cho Chính phủ Syria nhằm cản bước tiến của Thổ-FSA) và nhường lại trận địa cho Thổ-SDF giải quyết với nhau.
Nếu Nga-Syria thực sự chấp nhận yêu cầu này từ phía Thổ thì cả Moscow và Ankara đều đạt được những lợi thế nhất định trên chiến trường Syria.
Bởi lẽ người Kurd chỉ giao một dải đất hẹp, một số làng mạc không quan trọng phía Tây thành phố đủ để quân đội Syria ngăn bước Thổ tiến đến Syria.
Chỉ bỏ ra một chút quyền lợi nhỏ, SDF đã cùng lúc đẩy thế đối đầu trực tiếp với Thổ cho Quân đội Syria, kéo lực lượng này về phe mình tại Manbij, đồng thời gây chia rẽ mối quan hệ Nga-Thổ khi hai lực lượng này đang dần xích lại gần nhau. Trong thời gian này người Kurd có thể ngang nhiên chiếm đóng thành phố với sự trợ giúp của lực lượng đặc nhiệm Mỹ.
Một khi mọi việc diễn ra như dự tính, Mỹ và người Kurd an tâm nhìn hai đối thủ đối đầu nhau cho đến lúc kiệt quệ. Khi ấy, lực lượng SDF với sự hỗ trợ trực tiếp từ thủy quân lục chiến Hoa Kỳ sẽ tiến vào Raqqa và giành lấy thủ đô của IS tại Syria.
Để phá được thế cờ này, cả Ankara và Damacus sẽ phải cần đến 1 thỏa thỏa thuận. Rút khỏi Tây Manbij, quân đội Syria sẽ trở lại thế tọa sơn quan hổ đấu, thông qua Thổ kìm hãm người Kurd mở rộng diện tích chiếm đóng tại Syria. Thổ sẽ thoát khỏi thế bí, tránh tình trạng tứ bề thọ địch, và hơn hết là Ankara có cơ sở để tiếp tục chiến dịch 'Lá chắn Euphrates của mình.
Theo Đất Việt