Ngày 12/3, hàng trăm người dân và du khách kéo về đền Độc Cước (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) để tận mắt chứng kiến chiếc bánh dày nặng hơn 2 tấn.
Ban tổ chức dùng máy cẩu mới di chuyển được chiếc bánh nặng 2 tấn. Ảnh: N.D. |
Đây là chiếc bánh được người dân làng Trung Lương (phường Trung Sơn, Sầm Sơn) góp kinh phí và sức lực để làm. Bánh được làm từ 1,8 tấn gạo nếp, đúc kết trong khung sắt có đường kính 2,17m, cao gần 1m.
Công đoạn làm bánh được dân làng Trung Lương cùng nhau thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công hai ngày trước.
Ngày 12/3, bánh hoàn thành và được chuyển từ đền Đề Lĩnh (làng Trung Lương) lên đền Độc Cước. Ban tổ chức đã phải dùng xe cẩu mới có thể di chuyển chiếc bánh khổng lồ đến sân khấu chính tại Độc Cước để tổ chức hành lễ.
Nhiều người kéo về đền Độc Cước để được chiêm ngưỡng chiếc bánh. Ảnh: N.D. |
Chiếc bánh được người dân dâng lên vị thần Độc Cước. Họ mong ước một năm mưa thuận gió hòa, ra khơi bình an, tàu thuyền đầy ắp tôm cá sau mỗi chuyến đi. Đây là lễ hội truyền thống của làng chài Trung Lương diễn ra vào giữa tháng 2 âm lịch hàng năm.
Ông Hoàng Khắc Nhu, Phó chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, cho biết đây là chiếc bánh dày lớn nhất ở Thanh Hóa từ trước đến nay.
Đền Độc Cước là đền thờ vị thần mang cùng tên, một vị thần trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền Độc Cước nằm trên đỉnh núi mang tên hòn Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ ở thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa, ngay cạnh bãi biển Sầm Sơn.
Đền Độc Cước. |
Đền mang tên Độc Cước (Một Chân), gắn liền với sự tích chàng trai khổng lồ đã tự xé đôi thân mình để đánh quỷ ngoài khơi và đánh giặc trong đất liền cứu dân làng.
Đền được xây dựng vào thời nhà Trần, đến thời nhà Lê được trùng tu lại nhiều lần. Đường lên đền có 40 bậc đá. Tượng thần Độc Cước bằng gỗ chỉ có một tay, một chân. Phía sau đền có Môn Lâu dựng năm 1863 bằng gỗ.
Năm 1962 đền được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Theo Zing