Những ngày qua, dư luận phẫn nộ khi chỉ riêng trong thời gian ngắn, liên tiếp các vụ trẻ em bị xâm hại tình dục trên cả nước được báo chí đăng tải.
Trước thực trạng trên, trao đổi với bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), về thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục tại Việt Nam hiện nay.
Bà Vân Anh dẫn số liệu theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm trung bình cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Trong đó, hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm hơn 60% số vụ xâm hại trẻ em.
Cho rằng đây là con số "rất khủng khiếp" nhưng theo bà Vân Anh, nó mới chỉ là phần chóp của tảng băng chìm. Số vụ xâm hại tình dục trẻ em không được đưa ra ánh sáng còn rất nhiều. Vì nhiều lý do, không ít vụ xâm hại tình dục trẻ em không được xử lý, dù có nhân chứng, bằng chứng, giám định y khoa, lời khai của nạn nhân.
Trong những trường hợp này, kẻ gây ra tội ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, còn nạn nhân và gia đình phải chịu sự xấu hổ, mặc cảm bởi điều tiếng xung quanh. Nhiều gia đình phải bán nhà, chuyển đi nơi khác để con mình không phải chịu tai tiếng, dè bỉu và nhanh quên ám ảnh từ việc bị xâm hại.
“Những câu chuyện xâm hại tình dục trẻ em cần được đưa ra ánh sáng để pháp luật xử lý nghiêm minh. Công luận phải lên tiếng để kẻ gây ra tội ác xấu hổ, nhục nhã. Chúng ta không được phép bỏ qua, dung thứ cho tội ác này”, bà Vân Anh gay gắt.
5 bước giúp trẻ tránh bị xâm hại tình dục Clip dài 4 phút của tổ chức "How to tell your child", do Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) dịch, tư vấn cách bảo vệ trẻ em tránh bị xâm hại tình dục. |
Theo giám đốc của CSAGA, pháp luật Việt Nam khá nghiêm khắc với kẻ xâm hại tình dục trẻ em. Những vụ án được đưa ra pháp luật đều được xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, vấn đề là những kẻ đó có bị đưa ra pháp luật hay không còn tùy thuộc quá trình điều tra, tiếp nhận đơn thư hay nạn nhân có dám tố cáo.
“Hành trình tìm đến công lý của các nạn nhân và gia đình rất khó khăn một phần vì định kiến, dư luận”, người hàng chục năm đấu tranh vì phụ nữ và trẻ em nhắn nhủ.
Bà Vân Anh nhận định hậu quả mà trẻ em phải chịu sau khi bị xâm hại tình dục vô cùng to lớn.
Các em không chỉ chịu những đau đớn về thể xác, mà tổn thương tinh thần rất khó điều trị, ám ảnh nạn nhân suốt đời. Vì vậy, bà kêu gọi mọi người không nên im lặng, phải hành động để tội ác được đưa ra ánh sáng và bị pháp luật nghiêm trị.
Theo nữ giám đốc, trước đây, người ta chỉ nhìn thấy trẻ em nữ bị xâm hại. Nhưng hiện nay, trẻ em nam cũng bị xâm hại và chịu ảnh hưởng như bạn nữ.
“Chúng ta cần lưu ý bảo vệ cả trẻ em nam lẫn nữ. Đây là sự nhận thức mới của xã hội về nguy cơ xâm hại có thể đến từ bất kỳ ai và đến với bất cứ ai”, bà cảnh báo.
Bà Vân Anh (đứng) phát biểu trong một buổi tọa đàm ngăn chặn bạo lực tình dục. Ảnh:Hoàng Như. |
Nữ chuyên gia chia sẻ việc xâm hại tình dục trẻ em nam hiện nay chưa được nhận diện nên bị bỏ qua, luật pháp chưa có các điều khoản đầy đủ để xử lý. Những khuyết thiếu khiến các vụ xâm hại tình dục trẻ em nam ít bị đưa ra ánh sáng, khó phát hiện và khó xử lý.
Đây là thách thức rất lớn, đặc biệt là với những bậc cha mẹ ở thôn, xóm nghèo khi họ phải đi làm và không có tiền thuê người trông trẻ.
Đại diện CSAGA đưa ra những biện pháp mà bà cho là mang tính lý thuyết nhưng là điều tối thiểu các bậc cha mẹ phải ghi nhớ.
Cụ thể, người lớn phải dạy cho trẻ về những khoảng cách với mọi người. Không ai được chạm vào bộ phận kín của con, nếu có bé phải kêu lên và kể với cha mẹ. Gia đình tuyệt đối không để con đi một mình trên đoạn đường vắng và tối, ở nhà phải chốt cửa cẩn thận.
Ngoài ra, khi về nhà, cha mẹ phải tâm sự, hỏi han, quan tâm, xem thái độ của con, làm bạn với con để nghe câu chuyện thực sự của chúng.
Đối với những đứa trẻ đã bị xâm hại tình dục, việc chữa trị vết thương tinh thần cho các em rất khó, người có điều kiện và hiểu biết nhất định mới làm được.
Bà Vân Anh gợi ý cha mẹ và người thân cần luôn cho đứa trẻ thấy có sự tin cậy, sẵn sàng đứng ra che chở, cho con sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc để không gợi lại những ký ức, kỷ niệm xấu.
Theo Zing