Thổ Nhĩ Kỳ "cấm cửa" đại sứ Hà Lan, đình chỉ quan hệ ngoại giao cấp cao

Thứ ba, 14/03/2017, 09:04
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/3 tuyên bố không cho phép đại sứ Hà Lan ở nước này được trở lại Ankara làm nhiệm vụ, đồng thời đình chỉ “quan hệ ngoại giao cấp cao” với Hà Lan trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước ngày càng dâng cao.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ mang ảnh Tổng thống Erdogan biểu tình trước lãnh sự quán Hà Lan ở Istanbul ngày 12/3 (Ảnh: Reuters)

“Chúng tôi đang đáp trả chính xác những điều mà họ đã làm với chúng tôi. Chúng tôi sẽ không cho phép máy bay chở các nhà ngoại giao Hà Lan hoặc phái đoàn nước này hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ hay sử dụng không phận của chúng tôi. Những ai gây ra cuộc khủng hoảng này thì phải có trách nhiệm sửa chữa nó”, Reuters dẫn lời Phó Thủ tướng Numan Kurtulmus nói với các phóng viên sau cuộc họp nội các hôm 13/3.

Ông Kurtulmus cũng tuyên bố đình chỉ “quan hệ ngoại giao cấp cao” giữa hai nước và không cho phép đại sứ Hà Lan ở Thổ Nhĩ Kỳ được trở lại Ankara cho đến khi Hà Lan đáp ứng được các điều kiện do Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra liên quan tới vụ lùm xùm đang gây căng thẳng trong quan hệ song phương.

Phó Thủ tướng Kurtulmus, với tư cách là người phát ngôn chính cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, cũng dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận về việc Ankara sẽ ngăn dòng người tị nạn tràn vào châu Âu, đồng thời cho biết chính phủ cần xem xét lại điều này. Ngoài ra, các cuộc gặp cấp cao giữa chính phủ hai nước sẽ bị đình chỉ cho đến khi Hà Lan xin lỗi về các hành động của nước này, ông Kurtulmus cho biết thêm.

Cùng ngày Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Hà Lan sau một loạt các chỉ trích nặng nề nhằm vào Amsterdam trước đó. “Chúng tôi sẽ tiến hành bất cứ biện pháp trừng phạt ngoại giao nào… chúng tôi sẽ bắt Hà Lan phải chịu trách nhiệm về việc này”, ông Erdogan nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẽ dùng tới luật pháp quốc tế vào thời điểm thích hợp và để ngỏ khả năng đưa Hà Lan ra Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) để đòi lại công bằng cho việc các Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ bị cấm phát biểu tại Hà Lan.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ đưa ra biện pháp trừng phạt nhằm vào giới chức ngoại giao và các chuyến bay ngoại giao của Hà Lan tới nước này, chứ chưa áp đặt các lệnh cấm kinh tế và đi lại đối với người dân Hà Lan, nhưng đây vẫn được xem là một tín hiệu cho thấy sự xuống dốc trong quan hệ giữa hai nước trong những ngày qua.

Trước đó, Hà Lan ngày 11/3 đã không cho phép máy bay của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hạ cánh xuống thành phố Rotterdam của Hà Lan nhằm tham dự cuộc tuần hành của người Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống Erdogan.

Tiếp đó, Bộ trưởng Các chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betul Sayan Kaya cùng gia đình cũng đã được hộ tống trở lại biên giới Đức với Hà Lan, nhằm ngăn nữ quan chức này tham gia một cuộc vận động ủng hộ Tổng thống Erdogan tại lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Rotterdam. Bà Kaya trước đó bị cảnh sát bắt giữ sau khi di chuyển từ Đức tới Rotterdam bằng xe hơi.

Giải thích về động thái gây tranh cãi trên đối với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan cho biết nước này cần tăng cường an ninh để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp diễn ra. Trước đó, một số nước châu Âu cũng đã ngăn không cho các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ sang những nước này tổ chức các cuộc vận động chính trị vì lo sợ tình hình bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lan sang cộng đồng kiều bào ở nước ngoài, từ đó dẫn đến những tình huống khó kiểm soát cho chính quyền sở tại.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn