|
Theo dự thảo, nhà sàn trên sông, rạch khi Nhà nước chưa di dời được tồn tại và được sửa chữa. Trong ảnh: nhà dân trên một nhánh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) |
Đây là một trong nhiều nội dung của dự thảo được các chuyên gia đánh giá là rất tiến bộ. Quy định này khi được ban hành sẽ thay thế quyết định 150/2004 của UBND TP.HCM sau 13 năm thực hiện.
Phải tự tháo dỡ khi bị thu hồi đất
Theo dự thảo quy định mới, trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ được xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng dọc sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng với điều kiện đảm bảo ổn định bờ sông, đảm bảo cảnh quan kiến trúc và môi trường.
Theo dự thảo này, một số công trình công cộng như công viên cây xanh, nhà điều hành, nhà vệ sinh công cộng, nhà kho bến bãi..., công trình dịch vụ có thời hạn như triển lãm ngoài trời, quảng cáo, cà phê giải khát... được xây dựng trong hành lang sông, kênh rạch.
“Quy định cho xây dựng, sửa chữa một số công trình, nhà ở trong hành lang sông, kênh rạch là quy định tiến bộ, sát với thực tế. Bởi nếu cấm thì người ta vẫn xây dựng". Kỹ sư Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường - cảng TP.HCM) |
Tuy nhiên, chủ đầu tư phải tự tháo dỡ và không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình.
Đối với đất nằm trong hành lang bảo vệ trên bờ của hộ gia đình, cá nhân có nguồn gốc và quá trình sử dụng trước ngày 24-6-2004 (ngày quyết định 150/2004 có hiệu lực thi hành), sẽ xem xét việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và cấp phép xây dựng nhà ở.
Nếu đất ở có trước ngày này nhưng chưa có nhà ở, nếu không thuộc phạm vi các dự án chỉnh trang đô thị, di dời và tái định cư thì cũng được xem xét cấp phép xây dựng.
Đối với nhà ở hiện hữu tồn tại trên sông, suối, kênh mương rạch, hồ công cộng và trên hành lang bảo vệ trên bờ trước ngày 24-6-2004, dự thảo quy định như sau:
Trường hợp nhà sàn nằm trên sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng, trong thời gian Nhà nước chưa di dời, cho phép tồn tại theo hiện trạng và được sửa chữa, cải tạo, gia cố theo nguyên trạng căn nhà, không thay đổi quy mô diện tích, kết cấu nhà cũ.
Tuy nhiên, người dân có thể thay sàn, mái, vách bằng vật liệu nhẹ (như tấm ximăng dăm gỗ, gỗ, tôn)... để chống sập, sạt lở trong trường hợp không ảnh hưởng đến dòng chảy và giao thông thủy.
Tháo dỡ nhiều khó khăn
Trường hợp nhà ở trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ, tính từ mép bờ cao trở vào đất liền 20m đối với sông kênh rạch từ cấp I đến cấp VI và trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ đối với sông kênh rạch mương có chức năng thoát nước, cho phép tồn tại theo quy mô hiện trạng và được phép sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng nhà cũ... (Theo dự thảo, mép bờ cao là đường giao cắt giữa mái dốc tự nhiên của bờ sông với mặt đất theo phương nằm ngang).
Nhà ở trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ nhưng nằm ngoài phạm vi từ mép bờ cao vào trong bờ 20m đối với sông kênh rạch từ cấp I đến cấp IV được phép sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng nhà cũ hoặc cấp phép xây dựng để xây dựng lại nhà mới với quy mô hai tầng, không kể tầng lửng và mái che thang...
Đối với các dự án phát triển nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ trên bờ trước ngày 24-6-2004, dự thảo quy định mới cũng quy định một số trường hợp được duy trì nguyên trạng hoặc sẽ tiếp tục xây dựng.
Theo các chuyên gia, những quy định nói trên nếu được UBND TP chính thức ban hành sẽ tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho người dân hiện đang có nhà ở trong hành lang bảo vệ các con sông, kênh, rạch...
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Hội luật gia TP.HCM) cho biết thực tế nhiều năm qua khi thực hiện quy định theo quyết định 150 nói trên đã phát sinh nhiều vụ kiện, khiếu nại liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin cấp phép xây dựng…
Theo TTO