Ngày 9/4, một hành khách bị nhân viên an ninh kéo lê một cách thô bạo trên chuyến bay của hãng hàng không United Airlines. Vụ việc dấy lên làn sóng phản đối dữ dội trên khắp nước Mỹ vì cách hành xử thô bạo nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến khía cạnh pháp lý.
Vụ việc xảy ra tại sân bay quốc tế Chicago O'Hare trên chuyến bay số hiệu 3411 của hãng United Airlines từ Chicago đi Louisville, Kentucky vào tối 9/4 (theo giờ Mỹ).
CNN dẫn thông tin từ nhiều hành khách trên chuyến bay cho hay khi các ghế đã kín chỗ, United Airlines thông báo cần di chuyển gấp 4 nhân viên của hãng tới Louisville để cho kịp một chuyến bay khác vào sáng sớm hôm sau và đề nghị 4 hành khách trên khoang nhường ghế.
Ban đầu, hãng đề nghị đền bù bằng một vé máy bay vào chiều hôm sau, cùng 400 USD, một phòng khách sạn trong 1 đêm cho những người tình nguyện rời khỏi máy bay. Số tiền sau đó được tăng lên 800 USD.
Do không ai tự nguyện rời đi, một quản lý của United Airlines lên máy bay và nói với các hành khách rằng 4 người đã được lựa chọn rời ghế. Một cặp đôi bị United lựa chọn đồng ý xuống máy bay.
Trong cặp đôi còn lại, chỉ có người vợ chấp thuận nhường ghế. Người chồng cho biết ông là một bác sĩ và có lịch hẹn các bệnh nhân vào sáng hôm sau nên đã từ chối yêu cầu của United. Danh tính của bác sĩ này sau đó được xác định là David Dao, 69 tuổi, người gốc Việt.
Các video được đăng tải trên mạng cho thấy 3 nhân viên an ninh nói chuyện với ông Dao, sau đó kéo ông khỏi ghế và lôi ông trên lối đi giữa của máy bay. Hình ảnh cũng cho thấy mặt ông dính nhiều máu. Lát sau, ông trở lại ghế ngồi với vẻ bối rối.
|
United Airlines thông báo rằng việc lựa chọn 4 hành khách xuống máy bay là ngẫu nhiên. Tuy nhiên, theo người phát ngôn Charlie Hobart của hãng, việc lựa chọn này không hoàn toàn tùy tiện.
Theo ông Hobart, hãng cân nhắc một số yếu tố nhất định để đi đến quyết định ai phải rời khỏi máy bay, trong đó có chuyến bay kết nối, thời gian khách phải chờ ở sân bay.
Hợp đồng vận chuyển của United cũng cung cấp một số hướng dẫn về việc hành khách nào có thể và không thể khởi hành. Trẻ em, người khuyết tật chỉ bị yêu cầu xuống máy bay khi không còn phương án nào khác.
Các hãng hàng không khác có tiêu chí riêng của họ. American Airlines dựa trên thứ tự (check-in) làm thủ tục, đồng thời xem xét trường hợp khẩn cấp, giá vé và khách hàng trung thành. Delta cũng dựa trên thứ tự check-in và khách hàng trung thành, ưu tiên người khuyết tật, trẻ em hay người trong quân đội.
Liệu các hãng hàng không có quyền buộc hành khách rời khỏi máy bay khi họ đã mua vé rồi hay không? Câu trả lời là có. Theo số liệu từ Bộ Giao thông Mỹ, 46.000 hành khách đã bị ép rời khỏi các chuyến bay trong năm 2015. Đây là số liệu gần nhất được thống kê.
Điều này xảy ra do các hãng hàng không cho phép đặt thừa chỗ (overbooking) nhằm đảm bảo số hành khách tối đa trên mỗi chuyến bay. Thông qua đó, nếu có trường hợp hành khách đặt vé trước nhưng hủy vé, chính sách này sẽ giúp những chỗ bị hủy được lấp đầy.
Tại Mỹ, khi chuyến bay bị quá tải, quy định liên bang yêu cầu các hãng hàng không thực hiện hai bước: Trước tiên, hỏi xem liệu có hành khách nào tự nguyện nhường chỗ hay không. Sau đó, nếu không có hành khách nào muốn rời chỗ, các hãng hàng không được phép sử dụng phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên để buộc hành khách rời khỏi máy bay.
Hãng hàng không lớn thứ hai thế giới hoàn toàn có quyền yêu cầu hành khách rời khỏi máy bay, song điều này không có nghĩa United Airlines không phạm sai lầm nào trong vụ việc xảy ra với ông David Dao.
Các chuyên gia cho rằng United Airlines đã mắc lỗi cả trước và sau khi vị khách gốc Việt bị đuổi khỏi chuyến bay. Trước hết, việc yêu cầu hành khách không lên chuyến bay thông thường phải diễn ra tại cửa ra vào, trước khi họ đi lên máy bay chứ không phải khi họ đã ngồi vào chỗ.
"Những gì xảy ra đúng là không bình thường", George Hobica, người sáng lập trang web tỷ giá hàng không Airfarewatchdog.com, đánh giá về việc United Airlines trục xuất hành khách trên chuyến bay ngày 9/4.
Oscar Munoz, CEO của United Airlines đã xin lỗi bác sĩ gốc Việt bị buộc rời khỏi máy bay hôm 9/4 và nói "không ai có thể bị ngược đãi theo cách này". Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, cách thức United Airlines ép ông David Dao rời máy bay, dẫn tới việc nhân viên an ninh sân bay xuất hiện và kéo ông đi, bị lên án mạnh mẽ. Một người phát ngôn từ Cục hàng không Chicago cho hay "hành động của nhân viên an ninh" khi kéo lê ông David Dao khỏi máy bay là điều "không thể chấp nhận được". Sau vụ việc, nhân viên an ninh này đã bị tạm thời đình chỉ.
Giám đốc điều hành của hãng cũng đưa ra lời xin lỗi đối với vị bác sĩ gốc Việt về việc ông bị đối xử một cách thô bạo. "Tôi xin lỗi sâu sắc với khách hàng bị ép buộc rời máy bay và tất cả khách hàng trên chuyến bay. Không ai có thể bị ngược đãi theo cách này”, Giám đốc điều hành của United Oscar Munoz viết trong thông báo cho nhân viên hôm 11/4.
Andrew Harakas, chuyên gia hàng không tại công ty luật Clyde & C của Anh, nói với Independent rằng theo luật liên bang, ông Dao có nghĩa vụ bắt buộc rời máy bay khi được các nhân viên yêu cầu.
"Khi là hành khách trên chuyến bay, bạn không thể can thiệp vào công việc của phi hành đoàn khi họ đang làm nhiệm vụ hoặc khi máy bay được vận hành, đó là nguyên tắc cơ bản", ông Harakas nói.
Ông David Dao, 69 tuổi, bị kéo một cách thô bạo khỏi chuyến bay của United Airlines hôm 9/4. Ảnh: Daily Mail. |
Trong khi đó, theo Mark Franklin, luật sư hàng không tại công ty DLA Piper, cho biết: "Một khi bạn lên máy bay, quy tắc chung là bạn phải tuân theo yêu cầu của phi công và phi hành đoàn". Luật gia này nói thêm rằng những yêu cầu đó bao gồm cả những hướng dẫn như thắt dây an toàn.
"Nếu bạn không làm theo một yêu cầu nào đó của phi hành đoàn thì rất có thể là bạn sẽ gặp rắc rối, cho dù là nó có vô lý như thế nào đi nữa", ông Franklin cho hay.
Theo Zing